Bổ khuyết “điểm cộng, điểm trừ”
Theo chia sẻ của cô Trần Thị Thảo, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Ban Mai - Hà Đông (Hà Nội), lựa chọn bộ SGK Ngữ văn 6 nào cho năm học 2021 - 2022 đang là mối quan tâm lớn của các thầy cô giáo dạy Văn ở hầu hết các trường THCS. Ngày 24/4, Sở GD&ĐT Hà Nội lựa chọn xong SGK lớp 2 và lớp 6. Việc cơ bản và quan trọng nhất là giáo viên cần được sớm tiếp cận, nghiên cứu SGK và tập huấn kỹ lưỡng về chương trình. Tất cả để bảo đảm người thầy làm chủ SGK, chương trình, nắm vững phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động để tối ưu hóa hiệu quả dạy - học.
Dù nhà trường chỉ chọn 1 bộ SGK để dạy học chính thức, nhưng cô Thảo vẫn nghiên cứu kỹ cả 3 sách Ngữ văn lớp 6. “Việc làm này là cần thiết và rất quan trọng với công tác giảng dạy thực tế của giáo viên trong năm học 2021 - 2022”. Khẳng định điều này, lý giải của cô Thảo là nghiên cứu tổng quan các bộ SGK giúp nhận ra những điểm mới nổi bật của chương trình.
Theo đó, SGK Ngữ văn mới thay đổi mục tiêu theo hướng hình thành và phát triển năng lực cho người học trên 4 trục giao tiếp đó là: Đọc - viết - nói - nghe. Nên khi tiếp cận các bộ sách mẫu, giáo viên thực sự hứng thú với cách trình bày, bố cục từng bài/chủ đề đi theo mục tiêu, đồng thời là những năng lực cần đạt.
Bên cạnh đó, các chủ đề/bài học gần như không có sự phân biệt phân môn Văn bản - Tiếng Việt - Tập làm văn, mà được tổ chức theo các hoạt động. Đây là điều giúp môn Văn sẽ thú vị hơn, tránh sự nhàm chán ở một số nội dung đã cũ.
Cũng theo cô Thảo, các bài học/chủ đề rất mới và mở. Ngoài một số văn bản hướng dẫn đọc, SGK còn gợi ý và định hướng mở rộng, không bó buộc ở một bài cụ thể... Điều này thật tốt khi giáo viên muốn hướng dẫn HS tự học và đọc mở rộng, giúp nuôi dưỡng tình yêu với sách và khả năng tự học ở HS.
Hơn nữa, SGK mới hầu như được thiết kế theo chủ đề và thể loại. Nếu trục chủ đề giúp phát triển phẩm chất quan trọng cho người học thì trục thể loại hình thành kỹ năng đọc hiểu theo mô hình từng thể loại. Điều này trang bị phương pháp đọc - hiểu giúp HS tự học tốt hơn.
Các bài đặc biệt quan tâm kỹ năng viết (HS thường ngại và khó khăn nhất). Bài học có ví dụ cụ thể, hướng dẫn các bước viết bài, phân tích bài mẫu, rèn kỹ năng và khơi gợi sáng tạo ở HS. Điểm cuối cùng, cũng được xem là điều thú vị nhất mà SGK cũ chưa có được, đó là những dự án đọc sách. Với nội dung mới mẻ này, SGK mới kì vọng giúp phát triển văn hóa đọc, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu ở HS. Những nội dung mới mẻ ấy, mỗi bộ sách lại có cách bố cục, cách khai thác đa dạng và bổ khuyết cho nhau. Mỗi bộ sách đều có điểm cộng và điểm trừ, vì vậy, nghiên cứu cả ba bộ sách là hoạt động cần thiết để giáo viên tự mở rộng và bổ khuyết cho chính mình.
Sẵn sàng thích ứng
Đồng tình với việc giáo viên không nên chỉ nghiên cứu một bộ sách được chọn, NGƯT Tô Ngọc Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An (Đồng Tháp), đặc biệt nhấn mạnh vai trò công tác tập huấn sử dụng SGK. Thầy Sơn cho rằng cần tổ chức cho giáo viên tự nghiên cứu SGK đã được lựa chọn khoảng 5 - 7 ngày. Sau đó, địa phương tổ chức để thầy cô cùng trao đổi, chia sẻ điểm hay, cái mới, những điểm sáng trong bộ SGK đã được chọn. Đồng thời, chỉ ra khó khăn để cùng tháo gỡ khi triển khai dạy học SGK mới.
Thầy Nguyễn Văn Chung, Trường Tiểu học và THCS An Vũ, Quỳnh Phụ (Thái Bình) nhận định: Để khai thác được cái hay của các bộ SGK, trước hết thầy cô cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận việc triển khai đổi mới chương trình, SGK. Bản thân mỗi giáo viên tự nghiên cứu, tìm hiểu nội dung các bộ SGK và tập huấn thay sách nghiêm túc theo yêu cầu. Việc tự học hỏi để nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu rất quan trọng.
Bên cạnh đó, giáo viên cần xác định đối tượng học sinh để từ đó đề ra kế hoạch, nội dung dạy học linh hoạt, phù hợp. Các bộ sách có cấu trúc đồng tâm, nên giáo viên phải hiểu được kiến thức dạy học của từng khối lớp trong cấp học. Đặc biệt, SGK có tính mở và kiến thức gắn với thực tế, thầy cô trong khi dạy phải lựa chọn, điều chỉnh nội dung phù hợp với học sinh, từ đó đạt được yêu cầu cần đạt theo yêu cầu của chương trình.
Từ kinh nghiệm bản thân, cô Trần Thị Thảo nêu quan điểm: Để có thể nghiên cứu 3 bộ sách và tận dụng được những cái hay, giáo viên cần nắm vững mục tiêu chương trình môn Ngữ văn nói chung và Ngữ văn 6 nói riêng; nắm vững điểm mới của chương trình, SGK Ngữ văn 6. Giáo viên cần nắm được cấu trúc bài học trong ba bộ sách Ngữ văn 6 (các bộ sách gần như được thiết kế theo cấu trúc chung: Giới thiệu bài học Yêu cầu cần đạt Đọc - tri thức Ngữ văn Đọc văn bản (thực hành Tiếng Việt) Viết Nói và nghe).
Giáo viên cũng cần hệ thống được các bài học giữa các bộ sách để có sự đối chiếu, đồng thời, có được nguồn tư liệu chỉ dẫn cho bộ sách chính trong quá trình dạy học. Cuối cùng, giáo viên cần chuẩn bị tâm thế tốt nhất để sẵn sàng chờ đón những thay đổi và thích ứng nhanh nhất với những thay đổi ấy.