Để nhà giáo dám nghĩ, dám làm: Ranh giới mong manh

GD&TĐ - Ranh giới giữa dám nghĩ, dám làm, đột phá với vi phạm nhiều khi rất mong manh.

 Cán bộ, giáo viên tỉnh Tiền Giang tham gia tập huấn STEM. Ảnh: X.Uyên
Cán bộ, giáo viên tỉnh Tiền Giang tham gia tập huấn STEM. Ảnh: X.Uyên

Điều này khiến cán bộ, nhà giáo đôi lúc “chùn bước”, ngại đề xuất giải pháp mới.

“Điểm nghẽn”

Nghị định số 73/2023 của Chính phủ nhằm khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nghị định còn tạo điều kiện để cán bộ thực hiện đề xuất mới.

Ngoài bảo vệ, Nghị định cũng quy định, cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm… Điều này đã tác động tích cực đến tâm lý xã hội; tạo niềm tin, khát vọng, ý chí phấn đấu vượt khó, sáng tạo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; trong đó có ngành Giáo dục.

Qua đó, kịp thời tháo gỡ “điểm nghẽn” để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, làm, chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách...

Quy định là vậy nhưng trên thực tế, tâm lý sợ sai, sợ mắc khuyết điểm còn tồn tại trong đội ngũ cán bộ nói chung và nhà giáo nói riêng. Nhất là việc hàng loạt cán bộ bị xử lý, vướng sai phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, khiến không ít người nảy sinh tâm lý làm việc cầm chừng, với lập luận: Làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai… Những vấn đề này được nêu ra tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, nhà giáo Lê Xuân Bột - nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) cho biết: Xét trong phạm vi nhà trường hay cơ quan, cán bộ sẽ không đủ tự tin dám nghĩ, dám làm trong thực thi công việc nếu lãnh đạo, đồng nghiệp né tránh nhiệm vụ hay làm việc cầm chừng cho xong trách nhiệm.

Ở góc độ khác, nhà giáo Lê Xuân Bột nhận định: Việc trả lương công chức, viên chức vẫn theo hệ số, có tính chất “cào bằng”, mặc dù áp lực công việc lớn nhưng mức thu nhập nhận lại không cao khiến cho cán bộ thiếu động lực phấn đấu. Cán bộ, người lao động cũng quan ngại tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; khi khen thưởng thì nhận thành tích từ trên xuống dưới nhưng xử lý sai phạm thì “trên nhẹ, dưới nặng”.

Theo chia sẻ của cán bộ, nhà giáo, đối với vấn đề dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chiếc “gọng” đang “kìm hãm” sự sáng tạo của cán bộ còn nằm ở vai trò người đứng đầu. Nghị định số 73/2023 của Chính phủ đưa ra quy định “Kế hoạch đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ được gửi đến người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ để xem xét, quyết định”.

Tuy nhiên, nếu người đứng đầu cơ quan nhận thấy những đề xuất đổi mới, sáng tạo không đúng quy định pháp luật có thể sẽ không cho phép triển khai. Nghị định 73 cũng quy định, cấp nào cho phép thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo thì người cho phép chịu trách nhiệm về việc phê duyệt đề xuất nên dễ nảy sinh tâm lý không ai dám làm…

ranh gioi mong manh 1.JPG
Cô trò Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ) trong ngày khai giảng. Ảnh: Q.Ngữ

Cần chỗ dựa vững chắc

Cán bộ, nhà giáo cần chỗ dựa, điểm tựa vững chắc để dám nghĩ, làm, đột phá và chịu trách nhiệm. Do đó, phải chọn được người đứng đầu có tầm, tâm, có thể nhìn nhận và đánh giá đúng cán bộ thế nào là năng động, sáng tạo để khuyến khích ủng hộ. Nếu người đứng đầu bảo thủ, rập khuôn, đánh giá mọi “cái mới” đều sai thì cán bộ không có cơ hội đổi mới. Đến khi xác minh, đánh giá được hiệu quả của sự sáng tạo thì đôi khi quá muộn; bởi đổi mới luôn đi liền với thời điểm phù hợp, nhìn thấy “cơ hội vàng”.

Tại TP Cần Thơ, sở GD&ĐT đã ban hành kế hoạch khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, làm, chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, kế hoạch nhằm triển khai kịp thời, thống nhất, khoa học và hiệu quả các nội dung đã được quy định trong Nghị định 73/2023 của Chính phủ.

Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, làm, chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong việc đề xuất, phê duyệt và công nhận kết quả. Sở tăng cường tuyên truyền, quán triệt thông qua đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử đơn vị; triển khai qua email, các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook hoặc lồng ghép triển khai trong các cuộc họp, hội nghị.

Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM có văn bản đề nghị các trường biểu dương người dám nghĩ, dám làm, xử lý người gây cản trở công việc. Yêu cầu nhà trường kiểm tra giờ giấc, hiệu quả làm việc của viên chức, người lao động; xử lý nghiêm viên chức có hành vi tham nhũng, lãng phí...

Đặc biệt là quan tâm và kịp thời biểu dương hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền biểu dương các điển hình tiên tiến có thành tích trong hoạt động công vụ, những cá nhân dám nghĩ, dám làm, góp phần nâng cao hiệu quả công việc. Đồng thời, xử lý nghiêm hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý các cá nhân thiếu trách nhiệm, gây cản trở, khó khăn, phiền hà cho người dân theo quy định pháp luật…

Thủ trưởng các đơn vị đồng thời liên đới, chịu trách nhiệm trước giám đốc sở GD&ĐT khi để viên chức, người lao động của đơn vị vi phạm các quy định của UBND TP vể kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Theo thầy Thạch Sa Quên - Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh), bản thân và đồng nghiệp được phát huy sáng kiến, giải pháp trong giảng dạy và nghiệp vụ nhờ có “hậu phương” vững chắc là đồng nghiệp, lãnh đạo trường và ngành Giáo dục địa phương.

Trong công tác cũng như nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hỗ trợ giúp đỡ học sinh, cán bộ, giáo viên trong trường luôn bàn bạc, chia sẻ và dân chủ. Từ ý tưởng, hành động của cá nhân được tập thể chia sẻ góp ý, hoàn thiện và động viên nên mỗi người đều cố gắng thực hiện để đạt kết quả tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ