Đó là những nội dung được chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống Việt Nam” vừa qua tại Hà Nội trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam năm 2018.
Đòi hỏi cấp bách và cần thiết
Theo Hội Lữ hành ẩm thực thế giới, hiện có khoảng 25% du khách quan tâm đến ẩm thực du lịch. Còn báo cáo toàn cầu lần thứ hai về du lịch ẩm thực lại cho rằng, có 87% số tổ chức được điều tra xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến; 82% cho rằng du lịch ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch, du lịch ẩm thực là chất xúc tác cho kinh tế địa phương và nhìn chung ẩm thực là nguyên nhân thứ 3 chỉ sau yếu tố văn hoá, điều kiện tự nhiên ảnh hưởng quyết định đến điểm đến của du khách.
Ông Vương Xuân Tình, Phó Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho hay, Việt Nam là quốc gia có nền ẩm thực phong phú, độc đáo. Thế nhưng, trong quá trình hội nhập, người Việt Nam hiện nay đang dần quen với các món ăn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nhiều món ăn truyền thống Việt có nguy cơ biến mất hoặc biến dạng. việc xác định phương thức phát triển du lịch ẩm thực như một loại hình du lịch độc lập là một đòi hỏi cấp bách và cần thiết.
Trong suốt một thời gian dài vừa qua, các nghiên cứu về ẩm thực và thực hành ẩm thực luôn gắn với phát triển du lịch ở nước ta. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, du lịch ẩm thực Việt Nam kém phát triển so với nhiều nước trên thế giới, kể từ chiến lược đến hành động và hiệu quả.
Theo ông Tình, để đẩy mạnh du lịch ẩm thực, nếu chỉ có sự năng động của doanh nghiệp tư nhân, của hệ thống nhà hàng và hiệp hội là chưa đủ. Thời gian tới, cần điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, 2025 và tầm nhìn 2030, đồng thời chuẩn bị xây dựng chiến lược kế tiếp. Theo đó, cần đưa du lịch ẩm thực trở thành một loại hình du lịch ở nước ta.
Trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Ngành du lịch đang chú trọng xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách du lịch, trong đó ẩm thực nổi lên một một sản phẩm đặc thù, mang dấu ấn riêng của du lịch Việt Nam.
Nhiều món ngon của Việt Nam đã làm say mê bao nhiêu du khách quốc tế và lan tỏa ra khắp thế giới. Điều này cho thấy, ẩm thực Việt hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt.
GS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: “Ẩm thực cũng là di sản văn hóa và là văn hóa quan trọng nhất, quyết định sự sinh tồn của chúng ta.
Theo thống kê tại khu quần thể di tích Huế, 2007, ở Huế đã đón được 3 triệu khách, trong đó có 1.8 triệu khách nước ngoài, với tổng doanh thu là 12.000 tỉ. Vì vậy, cần góp phần bảo vệ văn hóa ẩm thực Huế để làm phong phú truyền thống văn hóa ẩm thực ở nước ta, đưa Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới”.
Đồng tình với ý kiến trên, GS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam đề xuất, cần có bộ sưu tập những món ăn truyền thống của Việt Nam, trong đó đưa vào các món tiêu biểu của từng vùng, miền. Sau đó phải quảng bá bằng nhiều hình thức khác nhau để hình ảnh du lịch ẩm thực Việt Nam nổi tiếng trên thế giới.