Những vấn đề cấp thiết cần đổi mới trong quản lý giáo dục phổ thông

GD&TĐ - TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) – chia sẻ quan điểm cá nhân về 4 vấn đề cấp thiết cần đổi mới trong quản lý giáo dục phổ thông hiện nay.

Những vấn đề cấp thiết cần đổi mới trong quản lý giáo dục phổ thông

Tôn trọng quy luật tích cực của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế

Nghị quyết 29-NQ/TW về quan điểm chỉ đạo giáo dục đã khẳng định: “Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển GD&ĐT”.

Để thực thi quản lý cả hệ thống theo quy luật tích cực của cơ chế thị trường, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hệ thống đó phải cực kỳ linh hoạt, chuyên nghiệp, và quan trọng phải phân cấp triệt để cho cơ sở được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước mục tiêu bảo đảm chất lượng toàn diện của mỗi cơ sở.

Nói như Nghị quyết 29/TW là “phải phân định công tác quản lý nhà nước và quản trị của các cơ sở GD&ĐT”. Toàn hệ thống quản lý GD&ĐT phải thay đổi hẳn cách quản lý, không làm thay bất cứ việc gì nếu đấy là việc của cơ sở.

Hệ thống quản lý giáo dục ở các cấp trên cơ sở chỉ tập trung làm chính sách và giám sát hệ thống. Phát hiện những nơi yếu kém, những nơi khó khăn để tập trung nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ.

Tập trung quản lý chất lượng giáo dục và thực hiện chất lượng cao

TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định: Tạo ra chất lượng giáo dục phải là việc làm của cả hệ thống. Nhưng người trực tiếp làm ra chất lượng giáo dục là các cơ sở GD&ĐT thì phải quan niệm chất lượng giáo dục là lẽ sống còn của mỗi nhà trường. Hình thức quản lý theo mục tiêu chất lượng mới là hình thức quản lý phù hợp với mục tiêu quản lý lâu dài của ngành, đồng thời cũng phù hợp sự phát triển khoa học quản lý thời cơ chế thị trường.

Các nhà trường phổ thông hiện nay cần nắm rõ “Thế nào là một cơ sở có chất lượng giáo dục? Để có chất lượng giáo dục các cơ sở giáo dục phải xây dựng, làm tốt những yếu tố cơ bản nào? Và làm thế nào để làm tốt được những yếu tố đó?

Dẫn UNESCO lấy 2 chỉ số cốt lõi để đánh giá chất lượng giáo dục, đó là: Sự phát triển nhận thức của người học; thúc đẩy những giá trị chung và sự phát triển tính sáng tạo và cảm xúc (của người học), TS Nguyễn Tùng Lâm quan niệm đây là những tiêu chí hết sức quan trọng để các nhà giáo đánh giá kết quả giáo dục của mình.

“Lâu nay chúng ta chỉ mới quan tâm học sinh có học giỏi, nắm vững kiến thức SGK, chương trình hay không. Từ tri thức khoa học, học sinh đã trưởng thành như thế nào, nhận thức sâu sắc hơn về đời sống xã hội về tự nhiên và quan trọng các em có sự chuyển đổi, phát triển hơn sau mỗi năm học về phẩm chất năng lực của mình để có thêm khát vọng, ước mơ và mong muốn hoàn thiện bản thân từ việc làm thực tế, thực hành sáng tạo và theo đó là những cảm xúc phong phú, hài hòa và làm nảy sinh những tình cảm đẹp, những ước mong lành mạnh tươi mới của tuổi trẻ.

Đây là 3 nhân tố quan trọng để hình thành và phát triển nhân cách, chương trình giáo dục nào cũng phải luôn hướng tới, đạt kết quả cao nhất đó” – TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.

Một lưu ý khác, các cơ sở giáo dục phổ thông khi hướng tới chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường, không chỉ là danh hiệu thi đua mà thực chất nó là sự phát triển đạt đến một đẳng cấp phát triển bền vững của mỗi cơ sở giáo dục. Nó đòi hỏi sự phát triển liên tục, công tác quản lý, công tác giảng dạy, công tác phục vụ của mỗi nhà trường không chỉ đảm bảo thường xuyên có chất lượng theo quy chuẩn được kiểm tra đánh giá nghiêm ngặt mà còn đòi hỏi phải luôn cải tiến, đổi mới cho phù hợp với đối tượng học sinh luôn luôn thay đổi hàng năm.

Với giáo dục chất lượng cao, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, thực hiện chương trình giáo dục chất lượng cao ở mỗi nhà trường phổ thông là cách làm giáo dục theo cơ chế thị trường, và không phải trường phổ thông nào cũng làm được. Muốn thực hiện chất lượng cao, các trường phổ thông cũng như cha mẹ học sinh phải coi dịch vụ giáo dục chất lượng cao là sự cam kết giữa phụ huynh và CBQL, giáo viên mỗi nhà trường.

Quản lý theo quy chế dân chủ và tự chủ

Nói về dân chủ, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, trong giáo dục, dân chủ là thể hiện cao nhất sự tôn trọng con người. Giáo dục không trên cơ sở tôn trọng con người, không khuyến khích con người cống hiến, con người tự tin, tự trọng, tự chủ trong mọi việc làm của mình, nền giáo dục đó không thể coi là nền giáo dục có chất lượng.

CBQL của mỗi nhà trường phổ thông hiện nay phải nhận thức sâu sắc vấn đề này để chuyển hóa thành những phương pháp quản lý dựa trên dân chủ và quản lý để đạt yêu cầu của dân chủ.

Vậy “quản lý theo hướng dân chủ hóa” ở đây là phải quản lý các cơ sở GD&ĐT như thế nào? Không thể khác là phải công khai minh bạch mọi hoạt động của nhà trường. Cán bộ, giáo viên, học sinh được quyền tham gia xây dựng kế hoạch, tham gia đánh giá kết quả của quá trình đào tạo.

Nói về tự chủ trong các trường phổ thông hiện nay, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh: trước hết các nhà trường phải được phân cấp triệt để về công tác tổ chức và tài chính. Để quản lý nhân sự tài chính công khai, minh bạch, các cơ sở GD&ĐT phải tiến hành đầy đủ các bước:

Xây dựng quy chế chi tiêu, quy chế quản lý tài chính quy chế tổ chức của mỗi nhà trường. Quy chế này phải được thông qua Hội đồng giáo dục, công khai trước cán bộ giáo viên, công nhân viên nhà trường đầu năm học;

Xây dựng kế hoạch tài chính, kế hoạch sử dụng nhân sự theo phân bổ tài chính hàng năm đã được cấp trên phê duyệt. Kế hoạch này cũng phải được công khai trước Hội đồng sư phạm mỗi nhà trường;

Xây dựng kế hoạch thu chi phần ngân sách cha mẹ học sinh đóng trong năm học. Kế hoạch này phải được công khai trước Hội đồng sư phạm và đại diện cha mẹ học sinh;

Hàng năm hệ thống thanh tra tài chính của nhà trường do thanh tra nhân dân mỗi nhà trường phải hoạt động thường xuyên và cứ 3 năm phải có kiểm toán nhà nước kiểm tra một lần, cấm tuyệt đối giáo viên chủ nhiệm không được đưa ra bất cứ một khoản thu nào khác ngoài các khoản thu đã thống nhất giữa Ban giám hiệu và Hội cha mẹ học sinh đầu năm.

Đây là hai yếu tố quan trọng trong quản lý. Các nhà trường phổ thông hiện nay cần được tự chủ, không hình thành nề nếp quản lý này sẽ không có chất lượng bền vững.

CBQL - nhân tố quyết định của đổi mới quản lý giáo dục

Mỗi trường học muốn thành công đều có những cách đi riêng trong việc tổ chức quản lý nhà trường, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ nhà giáo, tập hợp lực lượng, xây dựng nguồn lực cho mỗi nhà trường… Song quan sát những mô hình giáo dục thành công trong nền kinh tế thị trường, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, trong giai đoạn đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT hiện nay, mỗi hiệu trưởng đều phải đững vững và giải quyết đồng bộ cả 3 yếu tố cơ bản, đó là:

Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; Tổ chức và quản lý chất lượng giáo dục; Vận dụng tiến bộ khoa học giáo dục, khoa học quản lý để bồi dưỡng đội ngũ, đổi mới phương thức giáo dục, phương pháp quản lý.

Xây dựng đội ngũ chỉ là một yếu tố cơ bản; yếu tố tổ chức quản lý, vận dụng tiến bộ khoa học giáo dục cùng với điều kiện cơ sở vật chất cũng phải được trang bị, hoàn thiện đồng bộ với những yêu cầu khác của đổi mới giáo dục, hiệu trưởng mới phát huy hết vai trò và đảm bảo thành công.

“Vai trò hiệu trưởng ở đây không chỉ là nhà quản lý đơn thuần mà trước hết họ còn phải là nhà giáo dục, vận dụng thành thạo cả khoa học quản lý lẫn khoa học giáo dục. Hiệu trưởng không chỉ đóng vai trò thủ lĩnh dẫn dắt hội đồng sư phạm; là người biết truyền lửa, khích lệ đội ngũ mà còn phải biết xây dựng văn hóa tổ chức của mỗi nhà trường.

Để mỗi nhà giáo trong mỗi nhà trường hoàn thành trọng trách của mình, hiệu trưởng, chứ không ai khác trong nhà trường phải là người hỗ trợ đắc lực để mỗi nhà giáo thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục” – TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.