Đề nghị Bộ nghiên cứu tổ chức các lớp tập huấn về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giảng dạy, chương trình đổi mới giáo dục, đặc biệt là đổi mới giáo dục ĐH, CĐ.
Tăng chế tài, tránh cơ sở giáo dục cố tình để xảy ra sai phạm
Về xử lý các vi phạm trong quản lý các trường ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết: Để xử lý các vi phạm trong quản lý, điều hành tại các trường ĐH, CĐ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 138/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Bên cạnh đó, khi xây dựng các quy định, quy chế liên quan đến tổ chức và hoạt động của các trường ĐH, CĐ đều có quy định về chế tài xử lý trong trường hợp các cơ sở giáo dục vi phạm.
Bộ GD&ĐT đã giao cơ quan chuyên môn là Thanh tra Bộ và các vụ/cục thuộc thực hiện chức năng giám sát để xử lý các vi phạm trong quản lý, điều hành tại các trường ĐH, CĐ sư phạm.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục thay thế Nghị định số 138/2013/NĐ-CP, theo hướng tăng chế tài để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tránh việc các cơ sở giáo dục cố tình để xảy ra sai phạm.
Tiếp thu ý kiến cử tri, trong bối cảnh cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT tăng trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục ĐH để xã hội giám sát, đồng thời nghiên cứu, rà soát để có phương thức quản lý, giám sát phù hợp, cũng như tổ chức tập huấn cho lãnh đạo và CBQL của các cơ sở giáo dục ĐH nhằm hạn chế các cơ sở giáo dục để xảy ra vi phạm trong quản lý, điều hành.
Về đánh giá chất lượng giáo dục ĐH, đến nay cả nước đã có 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập/cho phép thành lập đi vào hoạt động.
Đến nay đã có hơn 120 cơ sở giáo dục ĐH được đánh giá ngoài và có 119 cơ sở giáo dục ĐH, 3 trường CĐ sư phạm được cấp chứng nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục.
Thông qua hoạt động tự đánh giá và đã đánh giá ngoài, các cơ sở giáo dục ĐH phải xây dựng kế hoạch để hoàn thiện, khắc phục những thiếu sót, điểm yếu của cơ sở giáo dục ĐH trong các mặt hoạt động của nhà trường.
Đẩy mạnh tổ chức tập huấn đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý trường ĐH
Về tổ chức các lớp tập huấn về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đào tạo ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết:
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019), để triển khai Luật có hiệu quả cũng như đẩy mạnh bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ GD&ĐT sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, tổ chức các lớp tập huấn về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giảng dạy, chương trình đổi mới giáo dục, đặc biệt là đổi mới giáo dục ĐH và CĐ sư phạm, như ý kiến của cử tri đã nêu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/01/2019 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, CBQL các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT giai đoạn 2019-2030. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như:
Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị cho CBQL: Tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị ĐH đối với CBQL chủ chốt gồm chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (và tương đương) và đội ngũ CBQL cấp đơn vị trực thuộc của các cơ sở giáo dục ĐH; tổ chức các khóa bồi dưỡng (trong nước và nước ngoài) nâng cao năng lực quản trị đối với CBQL chủ chốt và đội ngũ CBQL cấp đơn vị trực thuộc của các cơ sở giáo dục ĐH.
Bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên: Nghiên cứu, ban hành khung năng lực giảng viên làm cơ sở để xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên; tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên, trong đó chú trọng bồi dưỡng về năng lực phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, nghiên cứu khoa học và năng lực ngoại ngữ, CNTT.