Đề nghị quy định trong luật chính sách lương nhà giáo tương xứng với đặc thù nghề nghiệp

Đề nghị quy định trong luật chính sách lương nhà giáo tương xứng với đặc thù nghề nghiệp

Đây là một nội dung đáng chú ý trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) do ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban) trình bày tại Quốc hội chiều nay (8/11).

Theo báo cáo này, chủ trương chính sách tiền lương phải tương xứng với đặc thù nghề, với vị trí, vai trò của nhà giáo là quan điểm nhất quán trong các nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, việc thể chế hoá quan điểm trên trong hệ thống luật pháp còn bất cập, đặc biệt từ sau việc sửa đổi Luật Giáo dục vào các năm 2005, 2009.

Về nội dung này, đa số ý kiến đồng tình với quy định về lương nhà giáo tại Điều 76 của Dự thảo Luật và cho rằng, quy định này đã phù hợp với Nghị quyết số 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Nghị quyết 27 quy định chính sách lương chung cho các ngành, lĩnh vực, chưa tính đến đặc thù riêng của nghề giáo.

Ông Phan Than Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Ông Phan Than Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Cơ bản tán thành nâng chuẩn trình độ GV mầm non

Cũng về quy định liên quan đến nhà giáo, đa số thành viên Ủy ban cơ bản tán thành với quy định nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với GV mầm non từ trung cấp sư phạm lên CĐ sư phạm.

Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ về tiêu chí chuẩn hóa đội ngũ; về phương thức đào tạo nâng chuẩn, các nguồn lực thực hiện chính sách để bảo đảm tính khả thi; đánh giá tác động của chính sách đối với các trường trung cấp sư phạm và số giáo sinh sư phạm đang theo học hệ trung cấp khi chính sách này được thực hiện.

Có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, làm rõ sự cần thiết của việc nâng chuẩn trình độ CĐ đối với GV mầm non, trong khi tình trạng thiếu GV mầm non chưa được khắc phục, điều kiện bảo đảm chất lượng GV mầm non chưa đạt yêu cầu, GV mầm non ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi chủ yếu làm nhiệm vụ nuôi nhiều hơn dạy.

Tán thành không thu học phí đối với HS diện phổ cập

Ủy ban tán thành với việc bổ sung chính sách không thu học phí đối với HS diện phổ cập như trong Dự thảo Luật và ủng hộ việc giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với HS THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với HS THCS trường tư thục; trước mắt ưu tiên triển khai thực hiện chính sách này ở vùng miền núi, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, cần quy định trong Dự thảo Luật điều khoản chuyển tiếp về thời điểm thực hiện, cũng như các chính sách phát triển xã hội hóa tương ứng.

Có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định Chính phủ có lộ trình mở rộng đối tượng, không thu học phí đối với trẻ em dưới 5 tuổi khi cân đối được nguồn lực.

Cơ bản tán thành thực hiện tín dụng sư phạm

Ủy ban cơ bản tán thành với Dự thảo Luật về chính sách tín dụng dành cho HS, sinh viên sư phạm và bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những trường hợp người học không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường vẫn làm trong ngành giáo dục.

Tuy nhiên, để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm và đảm bảo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, chương trình đào tạo, quy mô đào tạo gắn với điều kiện bảo đảm chất lượng; dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm ra trường có cơ hội tìm được việc làm.

Có ý kiến đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho HS, sinh viên sư phạm và chế độ phân công công tác theo kết quả đầu ra để thể hiện chính sách ưu tiên, quy hoạch của Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

Về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Ủy ban cơ bản đồng tình với việc luật hóa các quy định trong Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) GDPT.

Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cơ chế tài chính để bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng SGK, trách nhiệm nhà nước trong đảm bảo cung cấp sách giáo khoa cho vùng dân tộc thiểu số; quy định cụ thể về việc các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; về Hội đồng và quy trình thẩm định, bảo đảm công bằng trong thẩm định, phê duyệt SGK.

Đồng ý quy định về thi, cấp bằng tốt nghiệp THPT trong Dự thảo Luật

Đa số ý kiến Ủy ban cho rằng, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để điều chỉnh việc dạy học và đánh giá kết quả của quá trình GDPT; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục cũng như tuyển sinh đại học.

Ủy ban đồng ý quy định về thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT như trong Dự thảo Luật và đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể trong các văn bản dưới Luật.

Về quy định nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT theo yêu cầu của học sinh, Ủy ban cơ bản đồng ý và cho rằng đây là điều kiện cần để tăng cường thúc đẩy phân luồng, liên thông.

Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể trong Luật cơ chế liên thông giữa các cấp, hệ đào tạo; quy định quy trình bảo đảm việc học sinh sau tốt nghiệp trung cấp nghề có thể tiếp tục học các trình độ cao hơn một cách thuận lợi khi họ có nguyện vọng.

Báo cáo do ông Phan Thanh Bình trình bày cũng đưa ra một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu liên quan đến thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục (Điều 103); về mô hình trường công lập cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao; về chính sách ưu tiên phát triển nhân tài; về việc quy định chi tiết, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và kỹ thuật văn bản.

Ủy ban đề xuất một số nội dung đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, gồm: Về chính sách, trách nhiệm nhà nước đối với phổ cập giáo dục bắt buộc và phổ cập giáo dục (Điều 97); về chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với GV mầm non từ trung cấp sư phạm lên CĐ sư phạm (Điều 72); chính sách lương đối với nhà giáo (Điều 76); đầu tư, tài chính và xã hội hóa giáo dục (Chương VII); mô hình trường công lập cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao.

Ủy ban tán thành việc mở rộng phạm vi sửa đổi và quan điểm xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi) được nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Nội dung sửa đổi đã cơ bản thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện môi trường pháp lý về giáo dục, phù hợp với Hiến pháp 2013.

Việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính dân chủ, tự chủ của các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Đa số thành viên Ủy ban cơ bản tán thành với kết cấu Dự thảo Luật do Chính phủ trình và cho rằng, Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này đã bảo đảm yêu cầu vừa sửa đổi toàn diện, vừa kế thừa cấu trúc của Luật Giáo dục hiện hành. Với 10 Chương, 121 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 75 điều, Dự thảo Luật đã được sắp xếp các chương, mục, điều, khoản khá phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.