Để không còn những chiếc container đau lòng (bài 2): Làm sao để cung gặp cầu?

GD&TĐ - Không ít sinh viên ra trường chưa có việc làm trong khi các công ty, xí nghiệp dù tuyển dụng liên tục vẫn rơi vào cảnh “bói” không ra nhân lực. Làm sao để cung - cầu gặp nhau là bài toán cần lời giải từ đơn vị đào tạo, tuyển dụng cũng như sự chủ động nhập cuộc của người lao động và chính sách hỗ trợ từ địa phương.

Người lao động tìm việc tại một Ngày hội việc làm do Trung tâm Dịch vụ Việc làm TPHCM tổ chức. Ảnh: IT
Người lao động tìm việc tại một Ngày hội việc làm do Trung tâm Dịch vụ Việc làm TPHCM tổ chức. Ảnh: IT

Nhà trường, người học cùng thay đổi

Để bắt kịp xu thế, thời gian qua, các đơn vị đào tạo đã chủ động làm mới mình bằng cách đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tăng cường GD kỹ năng cho SV, học viên. Tuy nhiên, vẫn có những chỉ dấu cho thấy hạn chế về năng lực chuyên môn, kỹ năng sống và khả năng ngoại ngữ của người lao động. Có nhiều căn nguyên được đưa ra, khách quan bởi lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp, dẫn đến xác định sai ngành học. Nhưng chủ quan phần lớn đến từ các nhà trường, vẫn chạy theo lối dạy cho hết chương trình, giáo trình mà không mang đến tính thực tiễn của các chương trình đó.

Thực tế cho thấy, sinh viên đại học đều được học ngoại ngữ, trong đó chủ yếu là tiếng Anh. Nhưng học lại không nên đầu nên đũa, không có nhiều sinh viên ý thức việc học và ra trường cần trình độ tiếng Anh tốt. Thêm nữa là kỹ năng mềm, ở một số trường chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Nhưng tiếc rằng số này không nhiều, các bạn sinh viên chủ yếu tự trang bị nếu muốn.

Hạn chế về năng lực, chuyên môn khiến nhiều doanh nghiệp phản ánh, khi họ nhận lao động thường phải đào tạo lại, trong đó kỹ năng mềm và tiếng Anh là những hạn chế thường gặp. Theo nhiều nhà tuyển dụng, một trong các lý do khiến “cử nhân đại học” khó kiếm được việc làm chính là vấn đề chuyên môn, tiếng Anh và kỹ năng mềm.

PGS.TS Lê Văn Thanh – chuyên gia tuyển sinh đến từ Trường Đại học Mở Hà Nội, cho rằng: Hạn chế của sinh viên hiện nay về ngoại ngữ và kỹ năng mềm cũng chính là “điểm yếu” của nhiều nhà trường. “Họ đã không đổi mới trước những yêu cầu thời cuộc trong khi tiếng Anh và kỹ năng mềm đều quan trọng như nhau. Nhưng tiếc rằng, tiếng Anh và kỹ năng mềm nhiều khi không được nhà trường và SV chú trọng. Đơn giản như việc học tiếng Anh, không ít bạn chỉ đối phó chứ không học để hướng đến mục đích sử dụng được”, PGS.TS Lê Văn Thanh chia sẻ.

Nhận diện điểm yếu nên tuy là trường ở top giữa nhưng Trường ĐH Mở Hà Nội có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm khá cao. Lý giải về điều này, TS Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: Các bạn sinh viên đã ý thức đúng đắn về nghĩa vụ và trách nhiệm học tập của mình. Có thể vào trường các bạn không phải là những người có điểm xuất sắc nhất. Nhưng tốt nghiệp thì các bạn nỗ lực trở thành những người xuất sắc nhất. Trong thành công đó có vai trò hỗ trợ, giúp đỡ của các giảng viên nhà trường.

Một dẫn chứng khác là Trường Đại học Trà Vinh, một trường của địa phương đã tạo nên tiếng vang không nhỏ. PGS.TS Phạm Tiết Khanh – Hiệu trưởng nhà trường, trao đổi: Chúng tôi nỗ lực tạo mọi điều kiện hoạt động gắn với phát triển chuyên môn. Các câu lạc bộ kỹ năng mềm, tiếng Anh và vườn ươm khởi nghiệp được thành lập thu hút đông đảo sinh viên tham gia.

Mừng là các bạn đến và sinh hoạt như một nhu cầu thiết yếu. Tiếng Anh và kỹ năng mềm đã giúp các bạn trưởng thành rất nhiều. Để tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên, chúng tôi tiến hành xây dựng một hệ sinh thái mở trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, kết nối doanh nghiệp và hội nhập quốc tế. Từ đó, sinh viên được giao lưu, học hỏi và tự hoàn thiện mình bằng chính những kết nối thông minh đó. Điều này lý giải vì sao sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm tốt.

Doanh nghiệp tham gia đào tạo

Không dừng lại ở việc cấp phát học bổng, mối quan hệ giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp tại nhiều địa phương đã đi vào chiều sâu: Doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo để có thể sàng lọc và tuyển dụng được nhân sự giỏi.

 Để chuẩn bị nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, FPT Software chủ động kết nối với các trường ĐH trong đào tạo. Trong chương trình liên kết với nhà trường, FPT Đà Nẵng luôn chủ động theo sinh viên từ năm thứ nhất để đưa ra những định hướng trong học tập và cùng nhà trường tạo nền tảng kỹ năng nghề, xây dựng được văn hóa doanh nghiệp ngay từ đầu. Có những chuyên đề chuyên môn do chính FPT Software đề xuất và cử chuyên gia giảng dạy trong trường ĐH. 
Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Software chi nhánh Đà Nẵng

Bà Mai Trang Thanh – Chủ tịch Công ty Honeywell tại Thái Lan và khu vực Đông dương nói: Trong 6 năm qua, Honeywell đã tuyển dụng các kỹ sư tốt nghiệp các chuyên ngành dầu khí, sinh học từ các Trường: ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Bách khoa và Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. “Chúng tôi chủ động kết nối với các trường ĐH trong đào tạo và tuyển dụng để có được nguồn lao động chất lượng cao của các trường đại học kỹ thuật của Việt Nam, giúp kỹ sư có khả năng thích ứng cao trong các môi trường làm việc có sự thay đổi nhanh về công nghệ và các kỹ năng đáp ứng nền kinh tế số” - bà Trang Thanh cho biết.

Tương tự, Công ty DINCO mỗi năm đều tài trợ 100% chi phí học tập cho khoảng 7 - 8 sinh viên từ năm thứ 3 trở đi của khoa Xây dựng dân dụng & công nghiệp (Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng) để tuyển chọn và bồi dưỡng những sinh viên tiềm năng về công tác tại công ty sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, Công ty DINCO còn tạo điều kiện cho những sinh viên chưa hội đủ điều kiện nhận học bổng về làm việc bán thời gian tại công ty.

Rất nhiều doanh nghiệp muốn lựa chọn nhân sự bắt đầu từ việc tham gia vào buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp của sinh viên. Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng đều cung cấp lịch bảo vệ đồ án tốt nghiệp của sinh viên để Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp có sự kết hợp chặt chẽ với các khoa, phòng khác trong nhà trường có thể hỗ trợ ở mức tối đa cho doanh nghiệp và cả sinh viên trong kết nối tuyển dụng.

Địa phương vào cuộc

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM, nhận định: “Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra mức lương khá hấp dẫn, môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người lao động như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, lương tháng 13, thưởng Tết… để thu hút người lao động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thông báo tuyển dụng lao động gần 1 tháng nhưng số lao động đến phỏng vấn hầu như không có. Điều này khiến các công ty may mặc, giày da liên tục rơi vào tình trạng khan hiếm nhân lực.

Nhằm tháo gỡ bài toán nhân lực giúp các doanh nghiệp, Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM - Trung tâm giới thiệu việc làm tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đã phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Thành phố tăng cường thông tin rộng rãi nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đến người lao động. Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cũng tiến hành khảo sát, thu thập, phân tích dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, hướng nghiệp, tư vấn nhân lực phục vụ đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Tại Bình Dương, Sở LĐ,TB&XH tỉnh tăng cường thực hiện việc kết nối nguồn lao động với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương liên kết với các Trung tâm Dịch vụ ở các địa phương để tìm kiếm nguồn lao động cho các doanh nghiệp. Sở cũng chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động để tăng năng suất lao động. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục làm đầu mối kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, góp phần tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn nhân lực, qua đó cung cấp sớm các thông tin tuyển dụng đến học sinh, sinh viên các trường nghề.

Nhiều cơ sở đào tạo đã tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối thông qua ngày hội việc làm, tạo điều kiện cho sinh viên đã hoặc sắp tốt nghiệp và nhà tuyển dụng gặp gỡ, trao đổi các yêu cầu với mục đích người lao động sớm có việc làm, còn doanh nghiệp tuyển được đúng, đủ nhân lực. Trần Thùy Lan, sinh viên mới tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM cho biết: Em và các bạn cùng khóa tìm được việc làm tại Ngày hội việc làm do trường tổ chức. Hiện Thùy Lan và một số sinh viên cùng lớp được doanh nghiệp nhận vào làm với mức lương tương đối hấp dẫn.

Trước tình cảnh khan hiếm nguồn tuyển nhân lực, nhiều cơ quan ban ngành của địa phương đã vào cuộc để hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp với người lao động, các nơi cung ứng nhân lực, cơ sở đào tạo... 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ