Để không cãi nhau vì Tết

Về quê ai ăn Tết, biếu quà sếp hay hai bên nội ngoại thế nào, lì xì ra sao, có nên mời bạn bè tới tất niên... là những lý do vợ chồng dễ mâu thuẫn những ngày cuối năm.

Ảnh minh họa: Counselinglongbeach.com.
Ảnh minh họa: Counselinglongbeach.com.

Năm hết Tết đến, gia đình nào cũng căng như sợi dây đàn. Đủ thứ phải lo, từ chuyện mua sắm đồ đạc trong gia đình đến đi biếu quà cho ai, rồi chi tiêu ra sao để vừa vui vừa tiết kiệm… Những điều này dễ khiến hai vợ chồng mâu thuẫn nếu không tìm được tiếng nói chung.

Hãy xem tổ ấm của bạn có thể gặp những bất đồng nào dưới đây và tham khảo cách tháo gỡ để có một cái Tết yên ấm, hạnh phúc:

Biếu quà Tết

Tết với mỗi gia đình không chỉ là mua sắm đồ đạc ăn uống trong nhà, nhiều cặp vợ chồng còn phải có thêm nỗi lo là biếu quà cho hai bên nội ngoại hay cho sếp. Làm sao cho món quà Tết ý nghĩa, được ông bà, sếp thích mà lại hợp với túi tiền... luôn là nỗi đau đầu với nhiều người. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi chồng thì muốn biếu túi quà kèm theo phong bì, vợ lại tư vấn mua đồ quê ngon và sạch cho ý nghĩa. Với hai cách nghĩ này hai vợ chồng sẽ dễ xảy ra cãi vã do cách suy nghĩ khác nhau. Nhiều đôi xảy ra chiến tranh chỉ vì Tết bên nội ngoại không công bằng hoặc biếu bao nhiêu tiền.

Giải pháp gợi ý: Thay vì mỗi người tự nghĩ theo cách của mình, hãy cùng ngồi lại với nhau để chia sẻ suy nghĩ. Ngoài ra, với chuyện biếu quà sếp, vợ chồng cũng cần học cách tôn trọng sự lựa chọn của nhau bởi không phải cặp nào cũng hiểu rõ ý thích của gia đình vợ/chồng hay làm việc với cùng một lãnh đạo. Vì thế làm sao để có món quà tặng vừa hợp ý chủ nhân, lại làm cho người tặng cũng cảm thấy vui vẻ thỏa mãn mới là điều cả hai nên quan tâm nhất, tránh lãng phí không cần thiết.

Mua sắm đồ đạc

Thông thường, Tết ai cũng muốn nhà cửa thật sạch đẹp, sáng sủa nên nhiều người sẽ không ngại chi tiền mua sắm những vật dụng mới trong gia đình. Tuy vậy, "nửa kia" của bạn chưa chắc đã hài lòng bởi họ quan niệm Tết chỉ có vài ngày, không cần lãng phí đến vậy. Có ông chồng chỉ muốn Tết phải có các món ăn cổ truyền trong gia đình, nhưng vợ lại muốn mua các loại đồ ăn Tây cho đỡ mất công nấu nướng. Những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng lại dễ nảy sinh ra cãi vã do bất đồng ý kiến với nhau dẫn đến cái Tết không hề vui vẻ.

Giải pháp gợi ý: Nếu chồng/vợ đã trót mua sắm đồ đạc về trang hoàng trong nhà thì việc bạn có tức giận cũng không thể làm cho mọi thứ tốt hơn, đồ đạc cũng không thể trả lại cửa hàng được nữa. Khi sống với, nhau bạn cần tìm hiểu rõ tính cách của bạn đời để “chặn trước” ý định của đối phương trước khi họ hành động, hoặc bạn sẽ bàn bạc với anh xã/bà xã là nên mua đồ đạc gì cho Tết này. Đừng mang bộ mặt bí xị khi họ mang đồ về. Hãy nghĩ tích cực rằng, nhờ có họ mà ngôi nhà trở nên đẹp hẳn lên và tốn tiền cho ngày Tết một chút cũng đáng. Còn chuyện ăn uống, bạn cũng không nên khư khư giữ ý kiến của mình vì ai cũng có lý do đúng cả, nhưng hãy thỏa thuận với 50% món ăn của cả hai, như vậy mọi mâu thuẫn sẽ được giải tỏa.

Mời bạn bè dự tiệc tất niên

Đừng nghĩ rằng đây là việc đơn giản bởi không ít các cặp vợ chồng đã mất cả Tết chỉ vì chuyện này. Mời bạn bè đến nhà ăn tiệc là điều nên làm bởi đó thể hiện tình cảm thân thiết và vui vẻ, cũng như rất nhiều người mời bạn đến nhà họ ăn tiệc cuối năm. Nhưng anh xã cũng cần biết nếu mời bạn bè về nhà thì đồng nghĩa với việc gánh nặng nấu nướng dọn dẹp làm cho vợ con mất rất nhiều thời gian và mệt mỏi. Còn chưa kể khi ăn uống nhiều người say sưa quá đà, buộc các thành viên khác trong gia đình phải dọn dẹp hậu quả.

Giải pháp gợi ý: Về phía người vợ: Không nên tỏ thái độ từ chối hay bất mãn mỗi khi anh xã mời bạn bè đến dự tiệc vì ai cũng cần có bạn và tiệc ăn uống là điều khó tránh khỏi. Không nên nếu bạn làm việc đó một cách miễn cưỡng với bộ mặt xầm xì. Học cách chia sẻ khi hai vợ chồng đang thoải mái nói chuyện với nhau, bàn bạc trước xem nên mời ai và vào lúc nào để cả hai chuẩn bị được tốt. Ngoài ra, thống nhất với anh xã nên sử dụng bao nhiêu rượu để khỏi rơi vào tình trạng quá say xỉn. Thậm chí phân công nhau cùng nấu nướng sẽ giúp cho cả hai tránh rơi vào tình trạng quá mệt vì chuẩn bị tiệc tùng.

Về phía người chồng: Cần thông cảm cho những nỗi vất vả, mệt mỏi của vợ dịp Tết, đừng mặc định bạn đời phải phục vụ tiệc tùng cho bạn và các chiến hữu. Hãy thể hiện sự tôn trọng cô ấy bằng cách bàn bạc trước dự định mời bạn và lắng nghe ý kiến của vợ. Khi tổ chức tiệc, hãy tham gia cùng vợ các công đoạn chuẩn bị cũng như dọn dẹp...

Chuyện về quê ăn Tết

Đây là nỗi ám ảnh với rất nhiều cặp vợ chồng ở hai quê khác nhau, nhất là ở nơi xa xôi. Việc ăn Tết ở nhà chồng hay nhà vợ luôn là đề tài dễ gây tranh cãi của mỗi cặp vợ chồng: Chồng buộc vợ phải về quê nội ăn Tết vì quan niệm “thuyền theo lái gái theo chồng”, còn vợ cũng muốn cả hai về quê ngoại bởi lý do bao nhiêu năm không được ăn Tết trọn vẹn ở bên bố mẹ đẻ. Mâu thuẫn trở thành cãi vã và kết thúc là nếu có về bên nào thì cả hai cũng đều miễn cưỡng và thấy bực bội.

Giải pháp gợi ý: Chuyện ăn Tết ở quê là đề tài muôn thủa khó giải quyết. Nhưng bạn cũng cần xác định rằng nếu ai cũng giữ cái tôi của mình thì cả hai sẽ không thể thống nhất được ý kiến chung. Chuyện ăn Tết ở quê ai có còn trở nên quan trọng hay không khi các bạn cần nhất là sự vui vẻ đầm ấm? Nếu ở gần nhau, các bạn có thể bố trí thời gian để về ăn Tết hai nơi, còn quá xa nhau thì hãy bàn bạc trước xem ăn Tết ở quê ai cho phù hợp và tiện lợi nhất. Còn nếu vẫn không thể thỏa thuận được và bạn buộc phải đi theo ý kiến người kia thì cũng cần học cách suy nghĩ tích cực để cho mọi việc được nhẹ nhàng hơn.

Lì xì năm mới

Với các cặp vợ chồng khá giả thì việc này đỡ đau đầu, còn với những đôi có thu nhập thấp thì đây là nỗi lo lớn. Rất nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề lì xì cho con cháu họ hàng bao nhiêu tiền. Vì vậy có không ít cãi vã nảy sinh quanh việc “Tại sao anh lì xì cho cháu anh nhiều thế mà cháu em thì lại ít hơn?”; hoặc “Nhà đã không còn tiền mà anh mừng tuổi nhiều thế, đã nghèo mà còn sĩ”. Sự so sánh, những câu nói gây tự ái sẽ dễ xảy ra lúc bạn căng thẳng.

Giải pháp gợi ý: Đừng để đến khi xảy ra vấn đề các bạn mới tìm giải pháp. Hai vợ chồng nên chuẩn bị sẵn các bao lì xì cho phù hợp từ trước. Các bạn đừng vì tâm lý ăn thua mà cố gồng mình lên để lì xì cho bằng người khác. Mừng tuổi là phong tục thiêng liêng để đem lại sự may mắn và chúc an lành cho người khác. Vì thế, đừng khiến nó trở nên quá phức tạp với việc tranh cãi vì chuyện lì xì ít hay nhiều.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ