Để học sinh thêm yêu môn Lịch sử

GD&TĐ - Hiện nay, một bộ phận học sinh có biểu hiện "quay lưng" với môn Lịch sử. Theo TS. Vũ Thu Hương - Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, có một số căn nguyên cụ thể dẫn đến hiện tượng này, đồng thời cũng đưa ra một số giải pháp nhằm tạo thêm hứng thú cho học sinh với môn học, thêm tự hào về cội nguồn và lịch sử dân tộc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TS. Vũ Thu Hương kể rằng: "Cách đây gần 30 năm, khi còn là một đứa trẻ lớp 8, tôi cũng đã gặp vấn đề lớn khi học môn Lịch Sử. Tôi nhớ, ngày đó mẹ tôi đã phải đến trường gặp giáo viên dạy Sử vì tôi không học bài.

Với một gia đình có cả bố lẫn mẹ là tiến sĩ, giảng viên đại học, việc này quả là khủng khiếp. Trái với sự chờ đợi đòn roi của tôi, mẹ tôi đã cư xử rất nhẹ nhàng, mẹ dỗ tôi học, chịu đựng nghe cô giáo mắng vì tôi. Lý do sau này tôi mới hiểu: mẹ tôi nghĩ tôi bị cô giáo dọa nạt sợ quá nên bị bệnh tâm lý, không thể học nổi.

Có vẻ vừa đúng vừa sai với lý do trên. Tôi nghĩ, mặc dù tôi cũng bị cô giáo nghiêm khắc thật nhưng cũng có phần oan ức cho cô. Bởi vì, không hiểu sao, toàn bộ học sinh lớp 8 của tôi hồi đó đều ghét môn Lịch sử."

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống và gắn bó với môn Lịch sử, ông ngoại là một nhà nghiên cứu Lịch sử và rất say mê với công việc của mình, mẹ là một giáo viên và cũng rất yêu thích Sử, TS. Vũ Thu Hương cũng thử tìm hiểu môn Lịch Sử khi đã trưởng thành và đã tìm được nguyên nhân trẻ con không yêu thích môn Lịch sử.

Về nội dung kiến thức

Theo TS. Vũ Thu Hương, hãy đặt chúng ta vào tình huống cần trả câu hỏi "bạn có thích Lịch sử không?" khi câu hỏi kiểm tra của môn học thường gặp nhất là:

- Trận đánh đó ta đã diệt được bao nhiêu xe tăng và bao nhiêu tên địch?.

- Ý nghĩa lịch sử của trận đánh đó?.

- Hãy mô tả lại chiến dịch...?

Trẻ con nói riêng và con người nói chung ai cũng cần sự bình an. Với trẻ nhỏ, những trận đánh liên miên và các chi tiết lặp lại quá nhiều chắc chắn không thể nào hứng thú cho nổi.

Ngoài ra, phần lớn chương trình Lịch sử phổ thông hiện nay nhấn mạnh vào Lịch sử Việt Nam từ năm 1930 đến nay. Điều này làm học sinh giảm hứng thú.

Học sinh không phải không thích học Sử hiện đại, nhưng có lẽ cần cho chúng biết thêm kiến thức về Lịch sử phong kiến, hãy cho chúng học nhiều hơn về nguồn gốc loài người và biết thêm về Lịch Sử thế giới, các cuộc di dân, các chi tiết lịch sử thú vị khác...

Về phương pháp giảng dạy

TS. Vũ Thu Hương cho rằng: Nếu như mọi kiến thức Lịch sử được gắn với cuộc sống, với những hoạt động học tập thú vị, sẽ chẳng ai ghét Sử. Nhưng với Lịch sử hiện nay thường là những bài giảng chán ngắt, những giờ học thuộc lòng, những tiết kiểm tra căng thẳng vì quên mất các con số.

Nếu phương pháp học Sử là tái hiện lại sự kiện bằng phương pháp Đóng vai, xây dựng tiến trình lịch sử cho từng giai đoạn trên giấy thông qua các hình vẽ, hoặc đơn giản chỉ là trả lời các câu hỏi thú vị bằng cách tìm kiếm thông tin qua các trang sách, đảm bảo giờ Lịch sử không thể nhàm chán.

Đó là chưa kể, thầy cô nên tổ chức cho học sinh các chuyến đi đến từng địa phương, nhìn ngắm từng địa danh, nghe và ghi chép lại để hoàn tất bài tập Lịch sử thì chắc chắn môn Sử sẽ là môn học đáng yêu nhất.

Môn Lịch sử, đó là một trong những môn học tạo nên một phần gốc gác con người Việt. Tầm quan trọng của nó thì có lẽ không cần bàn thảo nhiều. Nếu học sinh chán học Lịch Sử, thiết nghĩ, cần xem lại nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá...

Sử là môn học gốc, cần phải học, buộc phải học. Và các chuyên gia giáo dục, chuyên gia chuyên ngành Lịch sử có trách nhiệm phải tìm ra các phương cách để biến môn học này thành môn học hấp dẫn mọi trẻ em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ