Những tín hiệu vui
Năm học 2015 - 2016, sau hội thảo về nâng cao chất lượng dạy học dân tộc Chứt, Phòng GD&ĐT Hương Khê (Hà Tĩnh) đã chỉ đạo và cho phép nhà trường tổ chức lớp học ghép cho học sinh người Chứt. Lớp ghép sau đó được bố trí tại Trường Tiểu học Hương Liên với 2 nhóm lớp gồm: Lớp 1 - 2 và lớp 3 - 4 - 5.
Từ năm học 2022-2023, 22 học sinh người Chứt tại Trường Tiểu học Hương Liên chuyển sang hình thức học hòa nhập. |
Đến tháng 5/2022, đoàn công tác của Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) có chuyến kiểm tra, khảo sát chất lượng dạy và học lớp ghép. Qua dự giờ, đoàn đề nghị nhà trường xóa lớp ghép, đưa các em trở lại học chung với học sinh toàn khối. Theo đó, có 6 em vào học lớp 1; 5 em học lớp 2; 3 em học lớp 3; 5 em học lớp 4; 3 em học lớp 5.
Ngoài kèm cặp, phụ đạo thêm việc học, GV đã thực hiện nhiều phương pháp để các em sớm thích nghi với môi trường mới như: bố trí các em ngồi xen kẽ với nhau; quan tâm, hỏi han và động viên các em vượt qua sự tự ti, khoảng cách xa lạ giữa các bạn trong lớp. Bên cạnh đó, hoạt động học tập và ngoại khóa, Gv cũng chủ động tăng cường những trò chơi tăng cường sự tương tác, tạo hứng khởi cho các em.
Cô giáo Hoàng Thị Thưu (GV chủ nhiệm lớp 4A1) cho biết, trong lớp có 3 học sinh là người dân tộc Chứt. Thời gian đầu khi các em học hòa nhập còn khá rụt rè, bỡ ngỡ. Nhưng hiện nay, em có sự cải thiện về kỹ năng sống, tăng cường giao lưu, cởi mở hơn với bạn bè.
Em Hồ Thị Kiều Loan (HS lớp 4A1 - người dân tộc Chứt) Trường Tiểu học Hương Liên. |
Em Hồ Thị Kiều Loan (HS lớp 4A1) phấn khởi: “Qua lớp mới em có thêm nhiều bạn hơn, các bạn kể nhiều chuyện em rất vui và cũng rất thích lớp mới”.
“Sau 1 học kỳ học nhập, rất nhiều phương diện của các em đã được có sự thay đổi tích cực, đây là một tín hiệu đáng mừng khi chuyển qua hình thức học mới. Với việc học hòa nhập, tạo môi trường cho các em được tiếp xúc và giao lưu nhiều hơn với các bạn đồng trang lứa, qua đó giúp các em tiến bộ hơn trong tiếp thu kiến thức. Nền tảng tốt từ lớp học ghép đã giúp các em dần bắt kịp chương trình học để kéo gần khoảng cách kiến thức giữa học sinh các vùng miền", thầy Nguyễn Khánh Tùng, phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Liên cho biết.
Những trăn trở
Bên cạnh những niềm vui, việc giáo dục hòa nhập cho học sinh em đồng bào dân tộc Chứt vẫn còn nhiều trăn trở đối với đội ngũ cán bộ GV Trường Tiểu học Hương Liên.
Theo thầy giáo Nguyễn Khánh Tùng, mặc dù nhà trường đang nỗ lực để giúp các em bắt kịp cùng chương trình học nhưng ở nhiều khối lớp, các em tiến bộ rất chậm và gây khó khăn cho giáo viên. Trong đó có các em học sinh lớp 1,2,3 đang theo học Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt là khối 1 và khối 2, GV vừa phải làm công tác tâm lý và theo sát kèm cặp việc học trong khi giáo viên nhà trường hiện còn thiếu chỉ mới đáp ứng được 1,3 GV trên lớp.
Thầy cô vẫn phải đến tận nhà đưa các em học sinh lớp 1 và lớp 2 người Chứt đến trường. |
“Để kèm cặp thêm cho các em học sinh người Chứt, nhà trường đã tổ chức các lớp phụ đạo nhất là về môn Tiếng Việt nhưng không đủ GV để đáp ứng việc dạy học. Tỷ lệ giáo viên văn hóa của nhà trường hiện là 1 giáo viên trên 1 lớp nên không có giáo viên để dạy tăng cường thêm cho các em về Tiếng Việt và các kỹ năng sống. Nhà trường cũng rất mong sớm có đủ giáo viên văn hóa để giúp các em kéo gần hơn khoảng cách “đũa lệch” với các bạn trong lớp”, thầy Đặng Khánh Tùng - Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ.
Trong thời gian tới, BGH nhà trường cũng mong mỏi các cấp ngành chức năng sẽ tăng cường thêm 1 giáo viên dạy văn hóa để có thể bố trí các buổi phụ đạo cho các em, nhất là với học sinh lớp 1, lớp 2.
Việc dạy phụ đạo cho học sinh người Chứt gặp khó do nhà trường không đủ GV để bố trí. |
Bên cạnh đó, theo BGH nhà trường, sau khi chuyển sang dạy hòa nhập, các chế độ phụ cấp của GV lớp ghép cũng không còn, điều này cũng khó khăn cho nhiều giáo viên. Bởi nhiều giáo viên phải đi dạy xa, những lớp có học sinh người Chứt, GV sẽ đảm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ khá vất vả. GV không chỉ đến trường mà còn phải đến tận nhà để vận động các em học sinh đi học. “Nhà trường cũng có văn bản đề xuất gửi cấp trên. Chúng tôi cũng biết việc này rất khó thực hiện bởi hiện nay chưa có văn bản quy định về vấn đề này”, thầy Tùng chia sẻ.