Để học sinh được thể hiện

GD&TĐ - Học vẹt, học tủ, văn mẫu là nỗi trăn trở, một hạn chế mà nhiều năm nay ngành Giáo dục quyết tâm khắc phục.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn không ít lần nhấn mạnh cần ngăn chặn, chấm dứt việc này, bởi sự ảnh hưởng tiêu cực đến tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thành của học sinh. Dù những năm qua, dạy học, kiểm tra, đánh giá với môn Ngữ văn đã có chuyển biến; nhưng việc giáo viên đọc cho học sinh chép, soạn văn mẫu rồi cho học sinh đọc thuộc (nhất là ở tiểu học), ôn thi theo những bài văn mẫu trong các sách tham khảo… vẫn tồn tại.

Chương trình Ngữ văn 2006 quy định rất chặt chẽ các nội dung cụ thể cho mỗi lớp, học sinh giới hạn được những tác phẩm sẽ được ra trong đề thi (tác phẩm trong SGK) nên có thể “yên tâm” học theo văn mẫu; thầy cô vẫn ôn luyện theo lối học tủ…

Việc ra đề thi Ngữ văn theo hướng mở được lưu ý, thực hiện trong khá nhiều năm trở lại đây là một cách để hạn chế văn mẫu. Đề kiểm tra, đề thi Ngữ văn hiện có yêu cầu đọc hiểu với ngữ liệu là văn bản ngoài SGK, rồi có yêu cầu viết nghị luận xã hội cũng là bước chuyển tích cực trong kiểm tra, đánh giá môn học này. Tuy nhiên, với yêu cầu viết nghị luận văn học (chiếm 5/10 điểm trong đề thi tốt nghiệp THPT) vẫn cơ bản chưa được đổi mới vì chỉ được sử dụng ngữ liệu là các tác phẩm đã học.

Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH, hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Một trong những nội dung được chú ý, trao đổi nhiều là yêu cầu liên quan đến kiểm tra, đánh giá. Theo đó, trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong SGK làm ngữ liệu xây dựng đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của các em…

Hầu hết giáo viên dạy Ngữ văn bày tỏ đồng tình và cho rằng yêu cầu này phù hợp với xu hướng phát triển năng lực học sinh theo Chương trình GDPT 2018. Có thầy cô chia sẻ, nếu chỉ lấy tác phẩm trong SGK thì thực chất đề thi mới ở mức “hiểu”, khó có thể “vận dụng”, “vận dụng cao”, bởi học sinh đã được học, ôn đi ôn lại rất kỹ những nội dung này. Tất nhiên, cũng có ý kiến lo lắng bởi sẽ phải nâng cao kiến thức chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy để có thể đáp ứng.

Tới đây, yêu cầu sử dụng linh hoạt ngữ liệu trong đề thi, kiểm tra môn Ngữ văn sẽ là đương nhiên, bởi Chương trình Ngữ văn 2018 được xây dựng theo hướng mở; thể hiện ở việc không quy định chi tiết nội dung dạy học mà chỉ đưa ra yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp; quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về tiếng Việt, văn học và một số văn bản có vị trí, ý nghĩa quan trọng của văn học dân tộc là nội dung thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc. Do đó, các SGK có thể chọn văn bản khác nhau. Giáo viên trong quá trình dạy học không chỉ dựa theo văn bản trong sách, mà có thể tìm văn bản tương tự, miễn đáp ứng được tiêu chí, yêu cầu của chương trình.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, thay đổi cách sử dụng ngữ liệu không phải là tất cả với đổi mới đề kiểm tra, đề thi Ngữ văn. Việc đổi mới trong cấu trúc đề, cách nêu câu hỏi, nêu vấn đề… vô cùng quan trọng. Dù đánh giá theo hình thức nào, như quy định của Chương trình Ngữ văn 2018 đều phải bảo đảm nguyên tắc học sinh được bộc lộ, thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, văn học, tư duy hình tượng và logic, những suy nghĩ và tình cảm của chính học sinh, không vay mượn, sao chép. Để làm được, bên cạnh tập huấn, bồi dưỡng, thầy cô dạy Ngữ văn cần nỗ lực tự học, làm mới mình không ngừng nhằm đáp ứng yêu cầu mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.