Bán vé xem triển lãm: Tham con tép bỏ mất con tôm

GD&TĐ - Bán vé hay không bán vé vẫn là câu hỏi rất khó để giới họa sĩ lựa chọn khi tổ chức triển lãm. Bởi xoay quanh cái lợi trước mắt, có thể là một cái hại lâu dài.

Không giống như bảo tàng bán vé tham quan hiện vật, triển lãm tranh khó thu hút người xem vì hiếm họa sĩ xứng tầm.
Không giống như bảo tàng bán vé tham quan hiện vật, triển lãm tranh khó thu hút người xem vì hiếm họa sĩ xứng tầm.

Gần đây, một vài họa sĩ tổ chức bán vé khi mở triển lãm. Họ cho rằng, đến triển lãm xem tranh phải được coi là một nhu cầu giải trí như đến rạp phim. 

Lợi bất cập hại

Từ trước tới nay, họat động triển lãm mỹ thuật ở Việt Nam thường được coi là sinh họat nội bộ. Có nhiều triển lãm, khách đến xem chỉ là người trong giới và đa số rất nhộn nhịp trong ngày khai mạc. Bạn bè, đồng nghiệp, người thân… đến chúc tụng, nhưng sau đó là những ngày vắng vẻ.

Công chúng có nhu cầu tham quan triển lãm mỹ thuật vốn rất ít ỏi. Mở cửa miễn phí, mời gọi đưa rước cũng chưa chắc có ai đến xem. Bởi vậy, họa sĩ tổ chức bán vé xem tranh, không chỉ thể hiện sự dũng cảm mà còn rất mạo hiểm.

Tuy nhiên, vẫn có những triển lãm bán vé thành công. Năm 2015, triển lãm “Filter - Nghệ thuật đương đại Việt Nam” giới thiệu 30 tác phẩm và bán vé vào cửa với giá cao (250.000 đồng/vé) – thu hút được tương đối người xem.

Nhà tổ chức UrbanArt muốn gửi thông điệp, thưởng thức mỹ thuật không nên là sự miễn phí. Việc đến phòng xem triển lãm tranh phải được coi là một nhu cầu giải trí như đến rạp xem phim, đến nhà hát nghe nhạc.

Có lẽ, từ chính triển lãm này mà tại Việt Nam đã manh nha thêm một số triển lãm khác thu vé vào cửa. Từ đầu năm 2022 đến nay, ít nhất có 2 triển lãm mỹ thuật thực hiện việc này, nhưng kết quả vẫn là ẩn số.

Xung quanh vấn đề này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho rằng: “Xin nói ngay, tôi rất ủng hộ việc bán vé cho các triển lãm, nhưng thực tế thì còn nhiều éo le. Không phải triển lãm nào cũng bán vé được. Vài triển lãm, nói thẳng còn trông mong nhiều người đến xem cho vui”.

Ông Đợi kể, mới đây người bạn của ông đến một triển lãm tại Hà Nội với mục đích là mua tranh. Vừa đến cửa, có người “hiện ra” đòi bán vé 100.000 đồng, nên người bạn đành đi về.

“Bạn tôi về nhắn tin như sau: “Tớ ra cửa hàng xe hơi mua xe mấy tỷ, qua cửa hàng điện máy mua cái tivi vài trăm triệu, mà họ có bán vé đâu? Sao đi mua bức tranh có vài nghìn USD thì bị đòi bán vé? Vậy họ muốn bán tranh hay bán vé?”, ông Lý Đợi cho biết.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi, câu hỏi của người mua tranh không phải là vô lý. Tại TPHCM cũng có vài không gian bán vé xem triển lãm, ý tưởng này nghe rất lành mạnh, văn minh. Tuy nhiên, do nhiều triển lãm và sự kiện chưa xứng tầm để bán vé, nên kết quả phải đóng cửa.

“Cho nên, việc bán vé xem triển lãm thương mại là một con dao 3 lưỡi, rất cần cảnh giác và tỉnh táo khi sử dụng. Đừng vì tham con tép mà bỏ mất con tôm”, ông Lý Đợi nhận định.

Bán vé hay mở cửa miễn phí vẫn là câu hỏi rất lớn với họa sĩ Việt Nam.

Bán vé hay mở cửa miễn phí vẫn là câu hỏi rất lớn với họa sĩ Việt Nam.

Giải pháp cho họa sĩ Việt

 “Bán vé có bất lợi là tạo thêm rào cản cho công chúng, khi muốn tiếp cận triển lãm nhưng không đủ kinh phí. Như nhà nghiên Lý Đợi nêu, một số khán giả chưa quen sẽ cảm thấy một sự “chảnh” nhất định và sẽ không đến xem dù họ có khả năng chi trả. Trong số đó có thể có những khách hàng tiềm năng” - Nhà nghiên cứu Ace Lê.

Xung quanh việc bán vé xem tranh, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ace Lê cho rằng, ở các nước, chuyện này được phân định rất rõ ràng. Nếu là triển lãm phục vụ công chúng, được tổ chức bởi các bảo tàng, kinh viện phi lợi nhuận, thì vé vào cửa là một nguồn thu thiết yếu để trang trải cho chi phí tổ chức.

Trong một số trường hợp, họ xin được đủ tài trợ từ các quỹ văn hóa, thì sẽ không bán vé (một số quỹ chỉ tài trợ với điều kiện sự kiện không bán vé).

Nếu là phòng tranh tư nhân, mục đích chính là để bán tranh nên triển lãm của nghệ sĩ do phòng tranh đại diện đều miễn phí. Miễn phí sẽ kéo theo người xem, càng nhiều người vào xem càng tốt - nhất là ở các nước có thu nhập cao và thói quen mua tranh của tầng lớp trung lưu, chứ không chỉ tập trung ở số ít giàu có.

Riêng với các hội chợ triển lãm lớn, thì mặc dù là sự kiện thương mại, họ đều vừa bán gian hàng cho các phòng tranh, vừa bán vé cho khán giả. Cái họ bán ở đây là một kỳ quan tổng hợp vượt trên trải nghiệm đơn lẻ tại mỗi phòng tranh, vì nó được định vị như sự giới thiệu những tác phẩm tốt nhất trong năm.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Ace Lê cho rằng, không thể áp dụng hoàn toàn các mô hình đó tại Việt Nam, nên chúng chỉ mang tính chất tham khảo.

“Ở Việt Nam, The Muse là một phòng tranh tư nhân, tổ chức một triển lãm thương mại cho một nghệ sĩ kỳ cựu như họa sĩ Phan Cẩm Thượng. Việc bán vé là quyền của phòng tranh và nghệ sĩ. Riêng cá nhân tôi thấy quyết định này có cả điểm hay và bất lợi”, ông Ace Lê nhận định.

Theo Ace Lê, điểm hay là ấn định sự tôn trọng với tác giả - tác phẩm và định vị nghệ sĩ ở một hạng mức xứng đáng. Đồng thời, bán vé xem triển lãm cũng sàng lọc khán giả, đảm bảo số lượng người xem vừa đủ và không gian có tính tĩnh, phù hợp với phong thái tranh Phan Cẩm Thượng. Vả lại, The Muse cũng ghi rõ là muốn hạn chế 10 người/lượt.

“Bán vé cũng là một chiến lược truyền thông tốt - chỉ riêng việc chúng ta phải bàn tán về nó cũng là một thành công”, nhà nghiên cứu Ace Lê cho hay.

Vậy thì ở Việt Nam, có nên bán vé xem triển lãm hay không? Ông Ace Lê cho rằng, với các triển lãm thương mại được đầu tư tử tế, để cân bằng nhu cầu hoà vốn tổ chức và quyền lợi khán giả. Các phòng tranh, không gian tư nhân trong tương lai có thể cân nhắc mô hình sau.

Một vài ngày đầu chỉ mở đặc biệt dành cho các khách quen và tiềm năng của phòng tranh tới xem. Đây cũng là cơ hội để các nhà sưu tập tranh (nguồn sống của họa sĩ) “chấm” và mua trước các tác phẩm họ thích nhất.

Phần lớn các ngày triển lãm sau đó bán vé như dự định. Nếu có khách đặc biệt thì vẫn có thể gửi thư mời. Vài ngày cuối mở cửa miễn phí, phục vụ cho học sinh, sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.