Để học sinh biết sẻ chia và không vô cảm

GD&TĐ - Từ nhiều năm nay, phong trào “lá lành đùm lá rách”... từ các trường học thành phố hướng đến học sinh vùng cao, các trường học ở vùng khó diễn ra khá sôi nổi và hiệu quả. Thông qua sự chia sẻ dù chỉ là những đồ dùng học tập nhỏ như sách, truyện, bút viết, quần áo… nhưng các nhà trường không chỉ thể hiện trách nhiệm với xã hội mà còn là cách giáo dục học sinh biết sống chia sẻ, có tình thương và tránh sự vô cảm trước.

Để học sinh biết sẻ chia và không vô cảm

Giáo dục từ hoạt động thiện nguyện

Hoạt động thiện nguyện đã trở nên thân quen và được nhiều nhà trường đưa vào lịch hoạt động ngoại khóa cho học sinh trong năm học. Tùy theo chương trình, kế hoạch, mục đích yêu cầu hàng năm mà mỗi nhà trường có cách triển khai khác nhau.

Có trường ủng hộ giúp đỡ trực tiếp học sinh nghèo ham học bằng các gói học bổng, tặng xe đạp sách vở… giúp các em yên tâm tới trường.

Nhưng nhiều trường học lại đồng hành cùng học sinh, giáo viên nghèo vùng cao, vùng khó, biên giới hải đảo bằng những món quà thiết thực được quyên góp từ sự tiết kiệm dành dụm của chính học sinh như truyện, sách giáo khoa cũ, quần áo…

Là một trong những đơn vị trường học có nhiều hoạt động giáo dục thông qua thiện nguyện hiệu quả, cô giáo Nguyễn Thị Thuận - Hiệu trưởng trường THCS Tô Hoàng chia sẻ: Tôi vẫn tâm sự với các bạn đồng nghiệp, học sinh trong trường rằng, học sinh ở Hà Nội đang có một cuộc sống quá hạnh phúc và đầy đủ vật chất.

Hàng ngày các em tới trường từ ăn uống, sách vở, quần áo đều được cha mẹ chăm lo, mua sắm với những đồ dùng đẹp và tốt nhất không thiếu thốn thứ gì.

Trong khi đó, biết bao học sinh ở nông thôn, miền núi hay biên giới hải đảo đang hàng ngày phải đối mặt với thiếu thốn khó khăn chồng chất. Trong những chuyến đi thực tế, chúng tôi được chứng kiến nhiều học sinh không có dép để đến trường.

Vào mùa đông giá lạnh quần áo, tất mũ mỏng manh thiếu thốn không đủ để giúp các em chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt…

Chính vì vậy, những giáo viên, học sinh đang có một cuộc sống đầy đủ hơn như chúng tôi cần có ý thức chia sẻ gánh vác khó khăn cùng xã hội, tạo điều kiện để các em học sinh vùng khó bớt nhọc nhằn trên con đường tới trường đến lớp học tập.

Có thể nói, tới nay hoạt động thiện nguyện được không ít trường học coi trọng và duy trì đều đặn ngay cả khi phong trào gặp khó khăn nhất. Điều đó không khó hiểu khi các thầy cô giáo quản lý nhà trường đều cho rằng, việc duy trì hoạt động này hoàn toàn cần thiết.

Bởi thông qua phong trào thiện nguyện, ủng hộ đóng góp… nhà trường sẽ có thêm một phương pháp, cách thức giáo dục học sinh. Các em sẽ có thêm kỹ năng sống khi trực tiếp tự tay đóng gói gửi tới bạn, các em biết phân tích, tổng hợp, quyết định tặng quà gì cho phù hợp với con người và những điều kiện hoàn cảnh sống đặc thù.

Thiện nguyện cũng là cách để giáo dục học sinh biết chia sẻ, cảm thông với hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền đất nước. Khi các em được tận tay viết thư gửi gửi theo những món quà cho các bạn, được xem những hình ảnh đời sống khó khăn của các bạn sẽ giúp các em được thể hiện tình cảm, có thêm cảm nhận, biết cảm thông…

Làm tốt phong trào “Lá lành đùm lá rách”, thiện nguyện là các nhà trường cũng góp phần không nhỏ vào quá trình giáo dục học sinh tránh xa căn bệnh vô cảm đang xuất hiện ngày càng nhiều trong giới trẻ.

Hoạt động thiện nguyện cần được các nhà trường nghiên cứu, tìm tòi cách làm để biến đây thành một cách giáo dục mở đầy hiệu quả và có thể nhân rộng và phát huy trong trường học hiện nay.

Không để phong trào thành bề nổi

Hoạt động thiện nguyện đã và đang được nhiều tổ chức, cá nhân hưởng ứng trong thời gian gần đây. Điều này đáng mừng khi các hoạt động thiện nguyện ý nghĩa đến được với những địa chỉ cần thiết.

Tuy nhiên, cũng không trừ sự tồn tại của những phong trào thiện nguyện để quảng bá tên tuổi, quảng cáo cho một đơn vị nào đó.

Chính vì vậy, để hoạt động thiện nguyện trong các trường học không trở thành phong trào mang tính hình thức, bề nổi và tạo được niềm tin của mỗi giáo viên, phụ huynh, học sinh cùng đồng hành ủng hộ đòi hỏi hoạt động này phải hết sức minh bạch, có cách đưa hoạt động giáo dục thông qua thiện nguyện thật phù hợp.

Trước hết, các nhà trường cần tiến hành hết sức cẩn trọng, làm sao để tạo ra phong trào ý nghĩa thực, giúp mỗi giáo viên, phụ huynh, học sinh thấy được tấm lòng và sự dành dụm khuyên góp của họ sẽ đi tới đích.

Ví như, trước khi trường phát động phong trào ủng hộ học sinh nghèo khó khăn, nhà trường có thể in một số những hình ảnh đẹp về địa phương đó cùng hình ảnh về cuộc sống nghèo khổ của các bạn học sinh đang hàng ngày phải trải qua.

Bên cạnh đó, cần giúp học sinh của trường thấy được những ước muốn của các bạn học sinh nghèo (cơm ăn có thịt; quần áo ấm để mặc, sách vở đầy đủ để học…) từ đó các em sẽ có sự cảm nhận cảm thông.

Qua so sánh, chia sẻ và phân tích, các em thấy được mình đã hơn các bạn học sinh nghèo ở đâu, các bạn học sinh nghèo cần gì cho học tập, cuộc sống, và bản thân có thể chia sẻ gì.

Với phụ huynh học sinh, để có được sự đồng lòng và ghé vai gánh vác các nhà trường cần công khai minh bạch các hoạt động từ thiện sẽ tới đâu, ở đó cần gì, ủng hộ theo hình thức nào.

Mặt khác, trong mỗi chuyến đi từ thiện bên cạnh các đoàn thể nhà trường cần mời cả đại diện ban phụ huynh nhà trường cùng tham dự. Được được tận mắt chứng kiến và mang những món quà, đồng tiền của con em mình tiết kiệm ủng hộ tới từng địa chỉ cần thiết sẽ giúp phụ huynh hiểu hết mục đích, ý nghĩa phong trào của trường đang làm.

Thấy được hiệu quả và ý nghĩa thiết thực, chắc chắn các bậc phụ huynh, học sinh, giáo viên sẽ yên tâm, tự nguyện đồng hành với nhà trường trong các hoạt động thiện nguyện.

Tại nhiều trường học, để kêu gọi sự tham gia ủng hộ của học sinh nhưng không mang tới sự phiền hà tồn kém cho phụ huynh, gia đình đồng thời sự ủng hộ đó phải thiết thực là điều BGH luôn suy nghĩ để tìm ra phương thức ủng hộ hợp lý nhất với học sinh.

Vì vậy, khi bắt tay vào bất kỳ một phong trào ủng hộ, các nhà trường đều tìm hiểu cụ thể, chính xác các thông tin về địa chỉ sẽ ủng hộ. Sau đó kêu gọi từ giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, BPH của trường lớp, các tổ chức xã hội có quan hệ với nhà trường cùng tham gia.

Tại trường THCS Tô Hoàng (Hà Nội), khi quyết định ủng hộ tới học sinh vùng khó, nhà trường luôn tìm cách ủng hộ thiết thực nhất để mọi học sinh đều có thể tham gia. Ví như, với học sinh miền núi thiếu thốn quần áo, dày dép tới trường, trường kêu gọi ủng hộ dày dép.

Nếu mỗi học sinh ủng hộ 15 - 20.000 nghìn mua một đôi dép tặng bạn cũng là sự đóng góp không nhỏ, thì nhà trường lại chia nhỏ hai học sinh chung nhau tặng một đôi dép.

Như vậy sự ủng hộ sẽ giảm áp lực kinh tế và mỗi học sinh chỉ cần tiết kiệm trong một tuần lễ thì đã có thể tham gia. Hay với phong trào ủng hộ học sinh nghèo tới trường, tại sân trường những hũ đựng gạo được đặt ra.

Mỗi học sinh chỉ cần xin bố mẹ 1- 2 bát gạo, gói mì tôm cũng có thể tiếp sức cho các bạn học sinh nghèo hơn mình được no ấm hơn. Rồi phong trào vui Tết trung thu cùng học sinh nghèo, mỗi học sinh có thể đóng góp bằng chiếc bánh nướng dẻo, bánh kẹo có sẵn ở gia đình mà không tốn kém về vật chất.

Giáo dục học sinh thông qua những hoạt động thiện nguyện trong nhà trường mang tới những giá trị và hiệu quả lớn. Có thể coi đây như một phương pháp giáo dục thiết thực song cách làm cũng cần được các nhà trường hết sức quan tâm, chú trọng để tránh biến tướng hoặc trở thành phong trào bề nổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ