Hành trình ước mơ theo con chữ

GD&TĐ - Điểm trường Phùng Mông, Trường Tiểu học Bản Phùng, xã Bản Phùng (Sa Pa) nằm cheo leo bên sườn núi cao, quanh năm mây phủ, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông, Dao vất vả, thiếu thốn đủ bề. Không thể đếm được những gian nan trên hành trình gieo chữ của những người thầy, người cô ở những nơi điểm trường vùng cao xa xôi, hẻo lánh. 

Hành trình ước mơ theo con chữ

Và cảm phục hơn là những khao khát được đến trường của những đứa trẻ vùng cao vẫn chưa bao giờ vơi bớt.

Khó khăn không ngăn nổi ước mơ

Xã Bản Phùng cách trung tâm huyện Sapa trên 30 km. Bản Phùng hiện có 6 thôn với 290 hộ, dân số gần 2.000 người, là một trong những xã đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ đói, nghèo trong năm 2011 lên tới 65%.

Từ thôn Phùng Mông đến xã Bản Phùng khoảng 35km, vượt chặng đường đầy gian truân đó, mới thấy được nỗi vất vả, nhọc nhằn của đồng bào dân tộc nơi đây cũng như các thầy cô giáo đang mang sứ mệnh “gieo chữ” ở điểm trường.

Ở điểm trường Bản Phùng, có duy nhất 2 giáo viên cắm bản, họ vừa là đồng nghiệp, vừa là bạn, là vợ chồng. Ở nơi này, giữa gió núi, mây ngàn, có hai thầy cô giáo trẻ, chỉ với một mơ ước đem cái chữ đến với trẻ vùng cao. Tình yêu với trẻ đã khiến họ gắn bó hơn với mảnh đất này.

Thầy giáo Hoàng Kim Cương, quê Yên Bái, lên dạy học ở Bản Phùng năm nay là năm thứ 9, mỗi năm thầy được nhà trường luân chuyển đi các điểm trường khác nhau, điểm trường nào cũng xa và khó khăn. Có những khi đêm xuống, không điện, không internet, không cả sóng điện thoại. Nỗi cô đơn nó càng hiện rõ hơn.

Thầy Cương cho biết, điểm trường Phùng Mông năm học này có 26 em học sinh, 100% các em đều là dân tộc Mông. Khi đến trường đứa đi ủng, đứa đi chân đất. Đứa áo lành. Đứa áo rách. Có em sáng sớm đi học phải đưa em đi học mẫu giáo, có em vừa đi học vừa trông em để bố mẹ đi làm nương, sau giờ học các em phải làm việc phụ giúp gia đình như chăn trâu, chăn dê, lấy củi...

Muốn đi học phải bế em theo

Nếu như trẻ em ở thành phố, mỗi sáng đến trường được bố mẹ, ông bà lo sắm sanh sách vở, bút mực, quần áo mới, thì ở các bản làng vùng sâu, vùng xa, nhiều em nhỏ vẫn còn phải vất vả trên hành trình tìm con chữ.

Bé Thào Thị Thi, học lớp 2 thôn Phùng Mông, cứ mỗi buổi sáng, lại cùng các bạn đồng lứa hăm hở cắp sách đến trường. Điểm khác biệt giữa Thi và các bạn xung quanh, là trên lưng Thi còn địu thêm một đứa em nhỏ. Cứ thế, ngày lại ngày khi chị Thi chăm chú tập đọc, tập viết theo cô giáo thì đứa em say sưa ngủ. Dường như em bé đã quen với không khí lớp học nên ngồi cạnh chị ngủ say sưa.

Lúc đầu khi giáo viên đến gia đình vận động cho em đi học, mẹ Thi nói “nó phải ở nhà trông em!”. Giải thích, vận động mãi không được, cuối cùng cô giáo phải “thương lượng” với mẹ Thi và Thi đã được đến lớp học nhưng phải địu cả em theo.

Những ngày trời nắng còn đỡ, chứ những khi mưa gió, hành trình đến lớp của hai chị em vất vả vô cùng. Người ướt rượt, tóc tai, quần áo lấm lem bùn đất. Nhiều lúc cô giáo phải cho lớp tạm nghỉ giải lao để tắm rửa, thay quần áo cho hai chị em.

Có lẽ đây là những hình ảnh cõng em đến trường không hiếm ở điểm trường vùng cao. Cô giáo Vũ Thị Khuyên, giáo viên tại điểm trường Phùng Mông kể lại rằng, trước đây khi dạy học tại điểm trường Nậm Si, có một em học sinh tên là Cáo, gia đình rất khó khăn, nhà cách xa trường học, bố mẹ em thường xuyên đi làm xa nên bắt cậu bé nghỉ ở nhà trông em. Thế nhưng vì thích đến trường nên cậu bé đó đưa cả em gái đến lớp để học. Hàng ngày, khi cậu bé chăm chỉ học hành thì cô em gái mình chìm vào giấc mơ với những tiếng đọc bài ê a.

Chính sự hồn nhiên và khát khao theo đuổi cái chữ của các em học sinh chính là động lực để cô thêm nghị lực, tình yêu để truyền dạy kiến thức cho những đứa trẻ vùng cao.

Niềm vui gieo chữ

Cô Khuyên cho biết, ở vùng cao, đời sống của bà con các dân tộc còn nghèo khó, thiếu thốn, phần lớn các phụ huynh trước đây không được đi học đến nơi đến chốn nên nhận thức của họ hạn chế là điều tất yếu. Việc lo kiếm cái ăn cho gia đình khỏi đói đã chiếm hết cả thời gian và suy nghĩ của họ nên một bộ phận thờ ơ, không quan tâm đến việc học tập của con em mình cũng là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, phần lớn phụ huynh khi đã cho con em mình đi học thì những vấn đề còn lại như chăm sóc, bảo ban, dạy dỗ đều “bàn giao” luôn cho thầy, cô giáo.

Nghèo khó nên nhiều em đến lớp học với bộ áo quần rách vá, chân đất, mùa rét không có áo ấm. Còn việc thầy, cô giáo tích trữ bánh, kẹo, thậm chí mua thuốc cảm, thuốc hạ sốt cho các em là chuyện thường ngày ở các xã vùng cao.

Gần 8 năm đứng lớp cắm bản dạy dỗ, gieo chữ cho những đứa trẻ vùng cao, nhưng hai con của vợ chồng Khuyên đều gửi về quê nhờ ông bà nội chăm sóc.

Vậy là, một cách thầm lặng, để có những tiếng bi bô đọc sách nơi vùng núi xa xôi, đó là sự hi sinh thầm lặng của những người thầy cô giáo cắm bản.

Họ đang tạm gác lại niềm riêng, vượt khó vì một điều giản dị để những em bé đang ngày đêm miệt mài đèn sách hi vọng ngày nào đó rời bản xuống núi để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ con chữ.

“Những nụ cười trong trẻo của các em đã tiếp thêm cho chúng tôi động lực để bám bản, để quên đi những khó khăn. Niềm vui là khi nhìn những thành quả của hành trình “trồng người” mà mình đã dày công vun trồng đang “đơm bông kết trái”, đó là nhận thức của các em học sinh của người dân nơi đây về việc học từng bước được thay đổi, “cái chữ” đã đến được với các em nhỏ”, cô Khuyên tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Leicester City bị sa thải

HLV Leicester City bị sa thải

GD&TĐ - Leicester City vừa ra thông báo về quyết định sa thải đối với huấn luyện viên Steve Cooper sau chuỗi thành tích kém cỏi ở Ngoại hạng Anh

Binh lính Ukraine ở hậu cứ theo hướng Pokrovsk, vùng Donetsk. Ảnh: Getty Images.

Báo Anh: Hầu hết binh lính mất tinh thần

GD&TĐ - Quân đội Ukraine ngày càng cởi mở hơn với viễn cảnh nhượng bộ lãnh thổ và ngừng bắn trong bối cảnh tinh thần sa sút và áp lực ngày càng tăng.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính trình bày về tác phẩm chủ đạo trong triển lãm gốm 'Hiện linh'.

Gốm của 'kỳ nhân'

GD&TĐ - Triển lãm gốm nghệ thuật 'Hiện linh' của tác giả Ngô Xuân Bính đã thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước.