Phương pháp áp dụng trò chơi
Cho dù sử dụng phương pháp nào thì trong mỗi tiết lên lớp vai trò của người thầy vẫn hết sức quan trọng. Để HS hào hứng suốt 45 phút của 1 tiết học và hướng các em quan tâm tới các vấn đề địa lý một cách rõ ràng không phải là chuyện đơn giản. Chỉ có những giáo viên (GV) tự làm mới mình mới tạo được hứng thú cho người học ở các khâu.
Một trong những cách mà GV Địa lý hết sức quan tâm và chú ý áp dụng đó là vận dụng trò chơi. Các trò chơi cho dù dùng lời nói hay có ứng dụng CNTT hoặc đơn giản hơn chỉ là biến tấu so với khâu kiểm tra bài cũ đơn thuần luôn mang lại sự sảng khoái và hào hứng cho các em, tăng thêm niềm yêu thích học tập bộ môn. Đó cũng là cơ sở cho việc đổi mới phương pháp, lấy HS làm trung tâm.
Về dữ liệu nghiên cứu trò chơi trong học tập có thể chia ra 3 nhóm trò chơi sau đây. Thứ nhất là nhóm trò chơi dùng lời. Với nhóm trò chơi chủ yếu bằng ngôn ngữ, nhiệm vụ của GV chủ yếu là đọc câu hỏi. Thông qua câu trả lời của người học và GV sẽ là người công bố đáp án, hình thức hỏi - đáp giúp các em tái hiện hoặc củng cố thêm kiến thức.
Ở nhóm trò chơi này, GV phải là người linh hoạt trong việc dùng ngôn ngữ, động tác cơ thể hoặc di chuyển liên tục nhằm thu hút sự chú ý của HS, tạo bầu không khí sinh động cho tiết học. Các dạng trò chơi này rất phong phú và phổ biến như: trò chơi Trả lời nhanh, Đoán từ, Ai là chuyên gia…
Sử dụng phương tiện trực quan
Các phương tiện trực quan trong môn địa lý phổ biến là tranh ảnh, bản đồ, tập bản đồ, phim, sơ đồ, mô hình, sa bàn. Với các phương tiện nhìn thấy bằng mắt này, GV kết hợp dùng lời để mô tả, yêu cầu HS quan sát, nghiên cứu, ghi chép và trả lời nhằm tái hiện kiến thức, đánh giá, phản biện, giải thích các vấn đề địa lý. Tùy theo bài học, đối tượng và mục đích của GV mà phương tiện trực quan có thể sử dụng ở mức độ thời lượng sao cho hiệu quả và đảm bảo phát triển kỹ năng cho các em.
Ví dụ để tham gia trò chơi với Atlat, HS phải sử dụng bản đồ xuyên suốt tiết học. Ở mức độ đọc đơn giản là những câu hỏi ngắn nhằm phát hiện nhanh kiến thức, đối tượng là những câu hỏi chủ đề “Cái gì? Ở đâu?”. Ở mức độ cao hơn, HS phải sử dụng từ 2 trang bản đồ trở lên để tìm kiếm và tổng hợp thông tin nhằm trả lời cho câu hỏi “Tại sao? Như thế nào?”. Dựa vào Atlat, HS có thể ghép bản đồ châu lục và quốc gia để ghi nhớ hình dạng và tên đối tượng, chỉ tên quốc gia trên bản đồ lớn, giải thích đặc điểm tự nhiên của một khu vực lãnh thổ như khí hậu, sông ngòi; so sánh hai vùng lãnh thổ hay hai đối tượng địa lý như so sánh hai trung tâm công nghiệp, hai quốc gia về vị trí và đặc điểm tự nhiên.
Không thể bỏ qua công nghệ
Trong nhóm trò chơi sử dụng công nghệ, GV và HS đều phải sử dụng máy tính, điện thoại thông minh có kết nối mạng để phục vụ cho việc tìm kiếm và tổng hợp kiến thức. Tại Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (quận 7, TPHCM), trò chơi Kahoor rất phổ biến đòi hỏi người chơi nhanh trí lựa chọn đáp án đúng nhất trong 4 đáp án gợi ý theo hình thức trắc nghiệm. Được thực hiện trên máy tính có kết nối mạng, công bằng về mặt thời gian và khuyến khích thông qua điểm thưởng, trò chơi này dành cho cá nhân và cả cặp đôi, nhóm lớn.
Trò chơi lật hình, ghép hình là kết hợp giữa các hình ảnh và câu hỏi, HS phải trả lời các câu hỏi sau khi chọn số/ chọn hình ảnh. Thao tác giở ra từng góc hình và đoán nội dung bị che giấu là điều khiến HS rất hào hứng và còn có tác dụng phát huy khả năng ghi nhớ rất tốt.
Trò chơi ô chữ là thông qua đoán các từ hàng ngang và lắp ghép các từ khóa để đoán được trọng tâm bài học sẽ giúp HS hệ thống kiến thức hiệu quả cũng như giúp HS phát huy tính quyết đoán của bản thân. Việc thiết kế trò chơi ô chữ trên phần mềm Powerpoint mất rất nhiều thời gian bởi sự phức tạp từ các hiệu ứng.
Với môn địa lý việc sử dụng phim đối với nhiều GV còn mang tính minh họa. Tuy nhiên HS rất quan tâm tới việc sử dụng đoạn phim làm học liệu và khai thác thông tin từ các đoạn phim nhằm minh họa, giải thích cho các đơn vị kiến thức. HS làm việc có hiệu quả hơn hẳn so với yêu cầu thông thường khi biến đoạn phim xem và ghi chép đơn thuần thành trò chơi liệt kê thông tin, giải thích sự phát triển.
Qua khảo sát ở Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý có tới 82% HS tỏ ra thích thú được chơi trò chơi trong giờ học. Rõ ràng việc sử dụng trò chơi thường xuyên đã tạo được tác động tích cực đối với HS. 100% HS đều yêu thích học tập bộ môn hơn vì có trò chơi trong môn học và có tới 70% HS hoàn toàn đồng ý với việc hiểu bài hơn nhờ các trò chơi.
Để quá trình thực hiện trò chơi có hiệu quả, yêu cầu GV phải chú ý đến một số vấn đề trong công tác chuẩn bị, khâu tổ chức và phần đánh giá. Ngoài xác định mục tiêu của từng nội dung sử dụng trò chơi, lựa chọn trò chơi hợp lý với nội dung kiến thức, GV phải thiết kế nội dung, luật chơi của từng trò chơi để có một tiết học hoàn chỉnh trọn vẹn.
Phần kết thúc, GV tổ chức cho các em tự rút ra những vấn đề chính thông qua trò chơi như ý nghĩa, nội dung liên quan đến trò chơi, cách chơi như thế nào để có hiệu quả nhất. Thông qua kết quả học tập, GV hướng đến cải tiến phương pháp dạy học, xác định nhu cầu học tập mới, cổ vũ động viên HS tích cực tham gia các hoạt động tiếp theo.