Giáo dục ĐH với những giải pháp đáp ứng nhu cầu việc làm

GD&TĐ - So với quốc tế, dù mức độ thất nghiệp và thiếu hụt nhân lực của Việt Nam chưa đến mức độ báo động, song nền giáo dục ĐH vẫn còn khiếm khuyết, cần có nhiều nỗ lực vượt bậc.

Tài chính cho giáo dục đại học là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Ảnh minh họa/ Internet
Tài chính cho giáo dục đại học là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Ảnh minh họa/ Internet

Theo GS Nguyễn Lộc - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - các nỗ lực này cần được triển khai đồng bộ ở ba khía cạnh lớn: Nâng cao hiệu quả chi tiêu và tài chính cho giáo dục ĐH; hoàn thiện quản lý các trường ĐH công lập thông qua thúc đẩy tự chủ, chịu trách nhiệm; tăng cường phối hợp các tác nhân đối với giáo dục ĐH.

Nâng cao hiệu quả chi tiêu và tài chính cho giáo dục ĐH

Cũng như nhiều quốc gia khác, nguồn lực tài chính của Nhà nước dành cho giáo dục luôn khan hiếm. Việt Nam dành cho giáo dục một tỷ trọng cao (kể cả so với GDP hoặc ngân sách), song xét dưới góc độ chi tiêu thực tế trên đầu người học nói chung, sinh viên ĐH nói riêng, nước ta ở mức độ rất thấp. Do vậy, vấn đề hiệu quả chi tiêu và tài chính cho giáo dục ĐH đóng vai trò tối quan trọng, đặc biệt đối với việc tăng cường đáp ứng của nó đối với thế giới việc làm.

Đưa ra nhận định trên, GS Nguyễn Lộc cho rằng, giải pháp này sẽ giúp giảm thiểu nhiều phân cách trong mối quan hệ giáo dục - việc làm như thiếu ngân sách cho nghiên cứu, thiếu học bổng và các biện pháp đảm bảo công bằng giáo dục, giúp giải quyết việc kết nối giữa giáo dục ĐH với phổ thông thông qua học bổng và các khoản vay. Nó cũng có thể giúp giải quyết sự phân cách giữa trường ĐH và công ty/doanh nghiệp trong nghiên cứu và công nghệ bằng cách hỗ trợ tài chính cao hơn cho nghiên cứu trong các trường ĐH.

Đi vào cụ thể, GS Nguyễn Lộc nhắc đến việc thực hiện chính sách tài chính đáp ứng mô hình phát triển giáo dục ĐH chủ đạo của Việt Nam như một nước thu nhập thấp. Mô hình này đòi hỏi phải chú trọng phát triển giáo dục ĐH trên cả hai phương diện quy mô và chất lượng. Về chất lượng, dưới góc độ tài chính, các nghiên cứu cho rằng, Việt Nam sẽ phải huy động đáng kể nguồn lực bổ sung, chủ yếu là tăng chi thường xuyên (khoảng 4 - 5 lần đối với tiền lương, tiếp theo là đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho đội ngũ giảng viên, CBQL). Chi phí cho đầu một sinh viên khoảng 1.500 đô la Mỹ.

Học phí cùng các chi phí khác như phụ phí, sinh hoạt và chi phí chỗ ở được tính toán dựa trên ước tính khoảng 70% thu nhập hộ gia đình cho nhóm nghèo nhất và 30% cho nhóm giàu nhất. Mức học phí này cần được tính lại và tăng đến khoảng 4.000 đô la Mỹ thập kỉ tiếp theo. Theo GS Nguyễn Lộc, các ước tính trên được đưa ra phù hợp với chi tiêu vào giáo dục ĐH của những nước láng giềng và các quốc gia có thu nhập trung bình khác.

Giải pháp tiếp theo về tài chính được GS Nguyễn Lộc nhắc đến là đưa ra các lựa chọn, từ đó xác định ưu tiên phân bổ tài chính. Các ưu tiên cần tính tới sự đáp ứng của cơ sở giáo dục ĐH với lợi ích công (như nghiên cứu), các ngoại tác (như trong STEM), hoặc tính công bằng. Ngân sách chi tiêu công cần được phân bổ theo hiệu quả thực hiện. Hiệu quả thực hiện cần dựa trên các kết quả kiểm định, kết quả xếp hạng trong nước, quốc tế và các thông tin liên quan khác. Cuối cùng, cần tiếp tục khuyến khích đầu tư tư thục vào giáo dục ĐH, nhằm hướng đến một tỷ trọng 1 - 1 trong tương lai gần.

Hoàn thiện quản lý trường ĐH công thông qua tự chủ, chịu trách nhiệm

Đối với Việt Nam, cơ sở giáo dục ĐH công lập đóng vai trò rất quan trọng, bởi các trường này có tới hơn 80% sinh viên theo học. Toàn bộ khó khăn, phân cách đều liên quan đến quản lý. Ví dụ, ngay cả khi trường nhận được các khoản kinh phí đầy đủ để mời được đội ngũ giảng viên trình độ cao, song nếu mức tự chủ không đủ để chọn nhân viên và quyết định về chương trình đào tạo thì các trường sẽ khó cung cấp những gì mà doanh nghiệp cần. Sự cần thiết của tính chịu trách nhiệm cũng tương tự. Các nghiên cứu cho rằng xu thế chung trong quản lý trường ĐH hiện nay là tập trung vào hoàn thiện cơ chế tự chủ, chịu trách nhiệm.

GS Nguyễn Lộc khẳng định: Tự chủ cùng với giải trình trách nhiệm của trường ĐH có thể mang lại những lợi ích to lớn cho phát triển nguồn nhân lực và đổi mới ở các nước thu nhập thấp như Việt Nam. Tăng cường quyền tự chủ được coi là có thể hỗ trợ kết hợp tốt hơn giữa đầu ra từ các trường ĐH và nhu cầu thị trường lao động.

“Trong 12 nước châu Á được khảo sát thì Việt Nam đứng thứ 11 về mức độ tự chủ, chỉ trên Campuchia. Việt Nam được đánh giá hoàn toàn không tự chủ ở 5/8 tiêu chí, trong đó có tới 4 tiêu chí thuộc nhóm tự chủ hành chính. Giáo dục ĐH Nhật Bản có mức độ tự chủ cao nhất và đạt tự chủ toàn bộ các tiêu chí, trong đó có 2 tiêu chí đạt được bán phần” – GS Nguyễn Lộc dẫn từ một nghiên cứu.

Tăng cường phối hợp các tác nhân với giáo dục ĐH

Theo GS Nguyễn Lộc, các tác nhân có ảnh hưởng mạnh tới việc nâng cao sự đáp ứng của giáo dục ĐH với thế giới việc làm. Đó là các bộ, ngành có liên quan như Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ. Tiếp theo là các trường ĐH tư thục; các tổ chức đào tạo quốc tế; cuối cùng là quan hệ trường - doanh nghiệp. Phối hợp các tác nhân đối với giáo dục ĐH được coi là một cách tiếp cận quan trọng trong giảm thiểu các rào cản giữa giáo dục ĐH với việc làm. Chẳng hạn, nếu các cơ quan quản lý giáo dục ĐH có ít thẩm quyền hơn đối với các trường ĐH tư thục, trường ĐH quốc tế, họ có thể cùng phối hợp để thông qua các quyết định chính sách hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực. Có thể thiết lập mối hợp tác như vậy đối với các doanh nghiệp cũng như giữa các trường ĐH với nhau.

Về khía cạnh phối hợp các cơ quan Nhà nước trong tăng cường mối quan hệ giáo dục ĐH - việc làm, GS Nguyễn Lộc cho rằng chưa có giải pháp hữu hiệu rõ ràng. Nhiều nước, trong đó có Việt Nam đang đi theo hướng thành lập hội đồng quốc gia về giáo dục, bao gồm đại diện rộng rãi từ các tổ chức có liên quan. Các hội đồng này được giao nhiệm vụ đề ra chiến lược phát triển cho giáo dục ĐH, phối hợp, giám sát hoạt động của các tác nhân, thúc đẩy hợp tác trong và ngoài nước. Tuy nhiên việc tìm một cơ chế hữu hiệu hơn đang được đặt ra.

“Về giáo dục ĐH tư nhân ở Việt Nam, do Nhà nước không thể đầu tư trực tiếp vào các trường này, cần áp dụng các cách thức tài trợ gián tiếp như tín dụng cho sinh viên, trợ cấp thuế, quỹ nghiên cứu… Còn góc độ tăng cường hợp tác trường ĐH - doanh nghiệp, cần phát triển theo hướng làm cho đào tạo của giáo dục ĐH phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp thông qua hợp tác trong xây dựng chương trình giảng dạy, khuyến khích tinh thần kinh doanh, thành lập vườn ươm ĐH và thành lập văn phòng cấp giấy phép công nghệ của các tổ chức, phát triển các spin-off.

Cuối cùng, cần tăng cường quản lý các xu hướng ngày càng tăng của giáo dục quốc tế thông qua thúc đẩy chất lượng, công nhận bằng cấp, tăng khả năng tiếp cận và công bằng, khuyến khích tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực” - GS Nguyễn Lộc trao đổi thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.