Để giáo dục đại học trở nên bền vững hơn

GD&TĐ - Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra buộc các trường đại học trên thế giới phát huy khả năng sáng tạo của mình.

Sinh viên Đại học Hoàng gia London.
Sinh viên Đại học Hoàng gia London.

Họ cần củng cố những kinh nghiệm tốt nhất và khám phá những chân trời mới. Chia sẻ của bà Alice Gast - Hiệu trưởng Trường Imperial College London (Đại học Hoàng gia London) về phương pháp mà các trường đại học cần thực hiện để trở nên bền vững hơn trong tương lai. 

Không né tránh công nghệ

Nhờ đối phó nhanh với những thay đổi diễn ra, các trường đại học về cơ bản đã vượt qua đại dịch Covid-19. Khi nhìn về tương lai, chúng ta cần giữ lại những kinh nghiệm tốt nhất và khám phá những chân trời mới. Khi cả thế giới phải cách ly phòng dịch, các trường đại học đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và chuyển sang dạy học trực tuyến. Đại dịch Covid-19 cũng làm dấy lên một làn sóng sáng tạo. Nó đã mang tới những ý tưởng mới mẻ, sự đột phá trong công nghệ và những phương pháp dạy học mới. Trong quá trình hiện đại hóa dạy học trực tiếp, nhiều trong số những thay đổi này sẽ được giữ nguyên.

Hai năm gần đây, tốc độ chuyển đổi kỹ thuật số diễn ra thật đáng kinh ngạc. Chúng ta đã chứng kiến một số cách tiếp cận thực sự sáng tạo trong việc sử dụng công nghệ để tiếp tục cung cấp các dịch vụ giáo dục, bất chấp những thách thức nặng nề.

Ví dụ, khi bị virus tấn công, sinh viên y khoa không được phép vào phòng bệnh nhân. Nhưng nếu không được khám bệnh thì những sinh viên này làm sao học được? Tuy nhiên, các giải pháp công nghệ mới sẽ trợ giúp họ. Ví dụ, Microsoft HoloLens là một thiết bị ba chiều có thể phát video trực tiếp. Nó giúp sinh viên các chuyên ngành y “có mặt” cùng với các bác sĩ và bệnh nhân. Công nghệ thực tế hỗn hợp này cũng cho phép bổ sung một cách trực quan việc phát sóng trực tiếp lâm sàng bằng thông tin kỹ thuật số. Ví dụ, với sự trợ giúp của ảnh ba chiều, có thể hiển thị các bảng thuốc của bệnh nhân hoặc phim X-quang của họ.

Sinh viên đi thực tế như thế nào khi cả thế giới đóng cửa biên giới do đại dịch Covid-19? Tại Đại học Hoàng gia London đã tiến hành một số chuyến tham quan ảo. Sinh viên của trường đã đến thăm những nơi thực sự không thể tiếp cận được trong thời kỳ đại dịch. Thực ra, hình thức này đã được sinh viên trường thử nghiệm ngay từ trước khi xuất hiện Covid-19, khi họ nghiên cứu bề mặt sao Hỏa trong các tiết học địa lý.

Trường Đại học Hoàng gia London được đầu tư kinh phí lớn để phát triển phòng thí nghiệm.
Trường Đại học Hoàng gia London được đầu tư kinh phí lớn để phát triển phòng thí nghiệm.

Tối ưu hóa sự tương tác giữa thầy và trò

Việc ghi chép bài giảng truyền thống chỉ là một trong những nguồn tiếp thu kiến thức của sinh viên. Một mặt, tác dụng của chúng ở chỗ sinh viên có thể tự xem lại vào thời điểm thích hợp. Mặt khác, bài giảng không thể thay thế hoàn toàn sự tương tác trực tiếp. Thời gian giảng viên và sinh viên ở bên nhau rất quý giá. Vì họ có thể tập trung vào các vấn đề phức tạp, xác định những lỗ hổng kiến thức và tranh luận một cách sáng suốt.

Điều quan trọng nữa là làm sao để sinh viên tiếp tục học tập thông qua kinh nghiệm thực hành. Tiếp thu thông tin một cách thụ động là không đủ. Một trong những thách thức lớn nhất của đại dịch Covid-19 là tìm ra phương pháp giúp sinh viên có thể học thực hành mà không cần phải đến trường. Một nhóm sinh viên và cán bộ có tinh thần sáng tạo của Đại học Hoàng gia London đã xây dựng “Phòng thí nghiệm trong hộp” và chuyển tận tay cho sinh viên để họ học tập tại nhà. Đây là một phát minh thực sự. Nhờ đó, sinh viên có thể tiến hành các thí nghiệm ở nhà gần như là trong điều kiện phòng thí nghiệm, giúp cho việc giảng dạy của giảng viên trở nên mềm dẻo và phù hợp hơn. Vài năm trước, điều này thậm chí không thể có trong ý tưởng. Chúng ta phải chuyển nhiều quy trình học tập hơn nữa đến sinh viên.

Bà Alice Gast, Hiệu trưởng Đại học Hoàng gia London.
Bà Alice Gast, Hiệu trưởng Đại học Hoàng gia London.

Cá nhân hóa nội dung dạy học

Dạy học trực tuyến tạo ra nhiều điều kiện sử dụng phân tích dữ liệu để tìm hiểu nhu cầu học tập của cá nhân và điều chỉnh quá trình dạy học phù hợp với chúng. Chúng tôi thấy cách tiếp cận này trong các phần mềm dạy học ngoại ngữ. Ví dụ, nền tảng Duolingo sử dụng trí thông minh nhân tạo và máy học để xác định vốn từ được người học sử dụng nhiều hơn. Điều tương tự cũng có thể được thực hiện trong các lĩnh vực dạy học khác. Phải làm sao để nội dung phát triển nhanh hơn nhiều cùng với sinh viên.

Việc kết hợp các bài giảng trực tuyến với các thành phần tương tác kèm theo sự trợ giúp của cá nhân có thể đẩy nhanh quá trình dạy học. Phân tích dữ liệu là một công cụ mạnh mẽ có thể giúp các giảng viên xác định những lĩnh vực học sinh cần quan tâm nhiều hơn.

Tiếp cận được nhiều người học hơn

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy dạy học trực tuyến có thể tiếp cận một số lượng người học lớn hơn nhiều. Đầu năm 2020, vài tuần sau khi trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện, một nhóm nhà dịch tễ học và các chuyên gia sức khỏe cộng đồng hàng đầu tại Viện Nghiên cứu bệnh tật và phân tích khẩn cấp mang tên Abdul Latif Jameel (Viện Jameel-J-IDEA) thuộc Đại học Hoàng gia London đã mở một khóa học trực tuyến về SARS-CoV-2. Hơn 140 nghìn người đã đăng ký khóa học để tìm hiểu rõ hơn về loại virus này và con đường lây lan của nó.

Tại Đại học Hoàng gia London, một trong những trường đại học quốc tế lớn nhất, trong thời gian cách ly, những sinh viên sống ở các múi giờ khác nhau đều học trực tuyến. Đáp lại, trường đã mở một lớp học trực tuyến suốt ngày đêm để giúp những sinh viên đang gặp khó khăn trong học tập do khác múi giờ, hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc wifi kém.

“Dân số thế giới đang thay đổi. 20 năm sau, sinh viên của chúng tôi sẽ đến từ các vùng khác so với hiện nay. Chúng tôi hy vọng nhìn thấy sự gia tăng nhu cầu về giáo dục đại học của sinh viên từ châu Phi và Ấn Độ. Nhờ công nghệ, càng ngày chúng tôi càng dễ kết nối hơn trên phạm vi toàn cầu và làm cho quá trình dạy học trở nên phù hợp hơn. Nếu chúng ta kết hợp công nghệ, tối ưu hóa các mối quan hệ qua lại giữa người với người và cá nhân hóa, các dịch vụ giáo dục mà chúng ta cung cấp sẽ phù hợp và đáp ứng nhu cầu ngay cả khi có những thay đổi phía trước” - bà Alice Gast nói.

Theo báo Nga

Tin tiêu điểm

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

Thế giới
GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.

Đừng bỏ lỡ