Những con số biết nói
Theo báo cáo tại “Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam” diễn ra ngày 5 và 6/12 tại Hà Nội: Năm 1990, Việt Nam đón 250.000 lượt khách quốc tế và 1 triệu lượt khách nội địa. Sau một thời gian phát triển, ngành Du lịch luôn có sự tăng trưởng vượt bậc, năm sau cao hơn năm trước (cả về số lượng khách và chất lượng phục vụ), góp phần đáng kể cho việc phát triển kinh tế địa phương và đất nước.
Đến năm 2017, ngành du Lịch Việt Nam đón hơn 12,92 triệu lượt khách quốc tế và 73,2 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 510.000 tỷ đồng, đóng góp 7,5% vào GDP. Đây là con số đáng kể, nói lên sự tăng trưởng, phát triển vượt bậc của ngành du lịch Việt Nam.
Năm 2017, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp hạng thứ 6 trong số 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới. Đồng thời được WTA (Đại hội đồng Hiệp hội đô thị khoa học thế giới) bình chọn là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á.
Trong giai đoạn 1990 - 2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, tương đương với 16%/năm và khách du lịch nội địa tăng 72 lần, tương đương với 22%/năm. Để có được những con số biết nói này phải kể đến sự vào cuộc mạnh mẽ của khối tư nhân trong phát triển hạ tầng kỹ thuật du lịch, xúc tiến quảng bá... Họ là những nhà làm du lịch lâu năm, có kinh nghiệm, góp phần không nhỏ và việc tăng trưởng du lịch Việt.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Lê Quang Tùng cho biết: Những năm qua, du lịch phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu và đã có sự tăng trưởng liên tục, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hàng đầu về thu nhập ngoại tệ, về giá trị xuất khẩu và giải quyết nhiều công ăn việc làm cho các lao động dôi dư tại địa phương.
Tổ chức Du lịch thế giới dự báo đến năm 2030, toàn cầu sẽ có 1,8 tỷ khách đi du lịch, trong đó, châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất sẽ tiếp tục là điểm đến thu hút đông khách nhất trong thời gian tới, trong đó có Việt Nam. Các sáng kiến, đóng góp của các chuyên gia, các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại diễn đàn sẽ tạo ra sức sống mới cho ngành du lịch, tìm ra những hướng đi, cách làm hiệu quả, thiết thực.
Đòn bẩy cho du lịch
Tuy nhiên, Báo cáo “Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017” của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam mới xếp hạng 67/136 nền kinh tế, xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời còn nhiều hạn chế: Điểm nghẽn để phát triển du lịch chưa được giải quyết triệt để, như: Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu; sản phẩm du lịch chưa đặc sắc, đa dạng, chất lượng; quản lý còn lỏng lẻo; phát triển du lịch chưa thực sự gắn với bảo vệ môi trường... Do đó, việc tái cơ cấu lại ngành du lịch là hết sức cấp bách và cần thiết để tạo đòn bẩy cho phát triển du lịch.
Để phát triển du lịch Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017, Quốc hội đã ban hành Luật Du lịch 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó đặt ra các nhiệm vụ cho ngành du lịch như: Xây dựng các Đề án chiến lược “Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Đề án tổng thể “Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch”; Đề án “Nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch”; thành lập “Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch”; Đặc biệt là Đề án “Cơ cấu lại ngành Du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”.
Nói về du lịch Việt Nam, ông John Lindquist - Cố vấn cấp cao BCG, thành viên hội đồng cơ quan du lịch Vương quốc Anh cho biết: “Khách quốc tế đến Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng qua từng năm. Từ 8 triệu lượt/năm (năm 2015) và đến tháng 11/2018 con số lên tới hơn 14 triệu lượt. Con số này cho thấy sự tăng trưởng cũng đáng khích lệ, thế nhưng so với các nước trong khu vực và doanh thu từ khách quốc tế vẫn chưa cao. Bởi vậy, Việt Nam cần có các chính sách và giải pháp để tạo ra nguồn cầu về du lịch.
Ông John Lindquist: “Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam chỉ đứng thứ 80 trong danh sách 136 quốc gia về hiệu quả quảng bá cho du lịch. Chỉ số này thấp hơn nhiều các quốc gia khác trong khu vực, đứng sau cả Lào (xếp hạng 53) và Campuchia (xếp hạng 73). Đây là một trong những chỉ số nói lên rằng, Việt Nam có thứ hạng thấp nhất. Bởi vậy, Việt Nam cần có những định hướng mang tính bền vững, gia tăng đầu tư. Đồng thời việc chi cho quảng bá du lịch là hết sức cần thiết. Theo thống kê những năm gần đây, việc chi cho quảng bá của Việt Nam chỉ có 2 triệu USD, trong khi Thái Lan chi 100 triệu USD”.