Để dạy học cả ngày ở trường tiểu học được bền vững

GD&TĐ - Chủ trương học cả ngày ở trường tiểu học được Bộ GD&ĐT triển khai để tăng thời lượng học cho học sinh với một chương trình, nội dung khoa học, phù hợp với sự phát triển toàn diện của học sinh. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bên cạnh kết quả, chất lượng giáo dục có những thay đổi tích cực thì cũng xuất hiện những vấn đề cần giải quyết để việc dạy học cả ngày tại các trường tiểu học sau này được triển khai trên toàn quốc được thực hiện một cách bền vững. 

Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trao đổi với TS Trần Đình Thuận - Giám đốc Ban quản lý Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này.

Xin ông cho biết mục tiêu của việc tổ chức học cả ngày đối với cấp tiểu học ở nước ta?

Thực hiện học 2 buổi/ngày là cơ sở ban đầu và vững chắc để vươn tới đích là học sinh được học cả ngày ở trường, nhằm mục tiêu để học sinh có nhiều thời gian học tập, rèn luyện, trải nghiệm, tạo môi trường để các em phát triển toàn diện theo nhu cầu và khả năng của mình.

- Việc tổ chức cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày tại các vùng có điều kiện đã được thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng đối với những vùng khó khăn thì công việc này đang gặp nhiều trở ngại và thách thức. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định tổ chức dạy học cả ngày cho cấp tiểu học ở trường là chiến lược lâu dài. 

Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có khái niệm học 2 buổi/ngày, còn trên thế giới thì học sinh tiểu học đã đi học là cả ngày ở trường. 

Mô hình dạy học cả ngày theo các phương án T30, T33, T35 mà Chương trình đang thực hiện sẽ đem lại lợi ích gì cho học sinh?

- Chương trình SEQAP tổ chức dạy học cả ngày theo 3 phương án cơ bản. Phương án T30 (dạy học 30 tiết/tuần tương ứng với 5 buổi sáng và 2 buổi chiều trong tuần), tập trung vào tăng cường, củng cố môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng dân tộc. Phương án này áp dụng cho những vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều học sinh dân tộc thiểu số. 

Phương án T33 (dạy học 33 tiết/tuần tương ứng với 5 buổi sáng và 3 buổi chiều) là bước quá độ để chuẩn bị cho mô hình hoàn thiện T35. Hiện nhiều trường ở những vùng khó khăn đã và đang thực hiện được theo phương án T33. 

Phương án T35 (dạy học 35 tiết/tuần tương ứng với 5 buổi sáng và 4 buổi chiều) là mô hình hoàn chỉnh, tức là học sinh học tập và rèn luyện ở trường cả ngày. Học sinh được học tập đầy đủ các môn học và tham gia các hoạt động trong nhà trường. 

Ngoài ra còn bố trí thời gian để tăng cường các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng dân tộc và môn tự chọn (như Tin học, Ngoại ngữ…) và các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các môn năng khiếu, các câu lạc bộ…

Sở dĩ, SEQAP phải xây dựng 3 phương án như trên để có thể áp dụng thực hiện trong từng thời kỳ, từng lộ trình sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng vùng miền khác nhau. 

Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện một cách rộng rãi mô hình T35 ở các địa phương, với mục đích để phát triển toàn diện cho học sinh tiểu học. 

Nhất là các hoạt động ngoài giờ lên lớp để học sinh có thể tự củng cố và trải nghiệm qua các nội dung như: giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức và lối sống; vệ sinh, an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn thương tích....

Chương trình SEQAP đã được triển khai tại nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế, xã hội còn khó khăn. Vậy với cách làm này có giải quyết được những khó khăn trước đây như: Cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên…. khi triển khai dạy học 2 buổi/ngày không, thưa ông?

- Chương trình SEQAP đang triển khai sẽ cố gắng tập trung giải quyết những khó khăn này. Cụ thể: Về cơ sở vật chất, chúng tôi xây dựng bổ sung các phòng học cho những trường còn thiếu để đảm bảo mỗi lớp sẽ có một phòng học; xây thêm công trình vệ sinh để đáp ứng cho sinh hoạt; xây các phòng học đa năng phục vụ cho các hoạt động trong nhà trường để có thể sử dụng linh hoạt phòng học này để dạy các môn như mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, hay sinh hoạt chuyên đề.

Dạy học cả ngày đòi hỏi có đủ giáo viên, loại hình và đạt chuẩn, các giáo viên cần có trình độ, tâm huyết, sáng tạo, năng động trong việc tổ chức dạy học. Phương châm của SEQAP không chỉ thiên về dạy “chữ” mà còn phải chú trọng đến dạy “người”.

Dạy học cả ngày cũng đòi hỏi nhà quản lý giáo dục phải có kiến thức, năng động, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm cao.

Về chương trình, nội dung và việc tổ chức các hoạt động cũng cần phải được đổi mới. Chương trình SEQAP đã chuẩn bị tài liệu, các nội dung cơ bản, hệ thống văn bản hướng dẫn làm cơ sở cho các trường thực hiện dạy và học cả ngày...

Thưa ông, dù việc dạy học cả ngày đã đạt được kết quả tốt song có nhiều ý kiến của các nhà quản lý, thầy cô giáo mong muốn được hỗ trợ khi họ phải làm tăng giờ, làm kiêm nhiệm việc cho học sinh ăn, ngủ trưa. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trước mắt, Chương trình chưa có chế độ nào cho cán bộ quản lý, giáo viên tổ chức dạy học cả ngày. Tuy nhiên, trong phần nghiên cứu về chế độ chính sách thì SEQAP đã nghiên cứu và đề xuất các phương án để tạo hành lang pháp lý cho việc chuyển các trường sang dạy học cả ngày, trong đó có chế độ cho những người tham gia. 

SEQAP cũng đang nghiên cứu về mô tả vị trí, chức danh, việc làm cho từng vị trí trong nhà trường, cũng như số lượng giáo viên dạy học cả ngày để sau này đề xuất với Bộ GD&ĐT ra các văn bản quy định về chế độ đối với các giáo viên trực tiếp dạy như thế nào; chế độ cho người hỗ trợ về tiếng dân tộc, người tổ chức ăn trưa, quản lý học trò buổi trưa tại trường … thì mới có thể triển khai việc dạy học cả ngày một cách bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ