Nắm kiến thức chủ đề 3: Thực hiện pháp luật
Theo cô Thắng, khi ôn thi cho học sinh ở chủ đề này, ở hoạt động 1, cô cho các em khái quát kiến thức cơ bản bằng phương pháp vấn đáp, đàm thoại. Các em cần nắm được: các loại vi phạm pháp luật; các loại trách nhiệm pháp lý; phân biệt được các loại vi phạm pháp luật; nhận diện được các loại vi phạm pháp luật trong đời sống thực tiễn.
Cụ thể, các loại vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý:
Vi phạm hình sự: là hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị coi là tội phạm được quy định tại bộ luật hình sự: Vi phạm hình sự phải chịu trách nhiệm hình sự;
Từ đủ 14 tuổi đến dưới 16: chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý;
Từ đủ 16 trở lên: Chịu trách hình sự về mọi tội phạm.
Vi phạm hành chính: là hành vi vi phạm pháp luật có mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn tội phạm, vi phạm các quy tắc quản lý của nhà nước: Vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm hành chính;
Từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi: chịu trách nhiệm về những vi phạm hành chính do cố ý;
Từ đủ 16 tuổi trở lên: chịu trách nhiệm về mọi vi phạm hành chính.
Vi phạm dân sự: là hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân: Vi phạm dân sự phải chịu trách nhiệm dân sự; Từ đủ 18 tuổi trở lên: Chịu trách nhiệm về mọi vi phạm dân sự;
Đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi: giao dịch dân sự phải có người đại diện hợp pháp đồng ý.
Vi phạm kỷ luật: là hành vi vi phạm quan hệ lao động, công vụ nhà nước: Vi phạm kỷ luật phải chịu trách nhiệm kỷ luật; Các hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, hạ lương, chuyển công tác, buộc thôi việc.
Cô Thắng cùng học trò lớp 12 lưu lại những kỉ niệm đẹp dưới mái trường. |
Ở Hoạt động 2, học sinh học cách sơ đồ hoá kiến thức. Các em làm việc cá nhân, thiết kế sơ đồ tư duy, ghi chép sơ đồ tư duy bài học, trao đổi sơ đồ tư duy theo cặp đôi, góp ý và giúp nhau hoàn thiện sơ đồ.
Hoạt động 3, cô giáo giới thiệu các mức độ tư duy cần đạt thông qua câu hỏi trắc nghiệm theo từng mức độ. Ở hoạt động này, những câu hỏi vận dụng cao được nêu ví dụ, phân tích cụ thể từng thành vi của từng chủ thể qua sơ đồ. Học sinh nắm chắc kiến thức và cách lập luận chắc chắn sẽ đạt điểm cao nếu bài thi vào phần kiến thức của chủ đề này.
Hoạt động 4, học sinh xây dựng các câu hỏi theo mức độ tư duy cần đạt. Ở hoạt động này, cô giáo hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức đã có, xây dựng các câu hỏi trắc nghiệm ở mức độ tư duy khác nhau. Sau đó, giáo viên thu bài của một số học sinh để nhận xét, rút kinh nghiệm và chốt kiến thức cơ bản.
Bí quyết đạt điểm cao
Cô Thắng cho rằng, điều kiện đầu tiên giúp trò làm bài tốt môn GDCD cũng như các môn thi khác là các em phải nắm vững kiến thức cơ bản. Ngoài việc nắm vững khái niệm, nội dung trong SGK, học sinh cần biết vận dụng kiến thức bài học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn đời sống.
Chẳng hạn với chủ đề thực hiện pháp luật, quá trình ôn luyện, cô Thắng cho học sinh củng cố lại các kiến thức đã đã học, nắm chắc các kiến thức cơ bản. Đồng thời các em ý thức vận dụng những kiến thức đó trong cuộc sống. Học trò cũng cần được trang bị kỹ năng tổng hợp, hệ thống hóa một cách chính xác, khoa học các kiến thức cần nhớ và vận dụng kiến thức để làm bài tập trắc nghiệm theo các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng.
Trường THPT Lương Thế Vinh có 195 học sinh lớp 12. Ngoài kế hoạch ôn tập theo thời gian quy định, nhà trường phân loại học sinh và học bổ trợ nhóm. Với môn GDCD, cô Thắng thường củng cố kiến thức chắc và nâng cao cho nhóm học sinh khá, giỏi; những em chưa vững kiến thức nền thì cô bổ trợ, kèm miễn phí.
Cô Thắng chia sẻ bí quyết giúp trò đạt điểm cao môn GDCD. |
Cô Thắng chia sẻ, bí quyết giúp trò học tốt bộ môn GDCD cũng như đạt điểm cao qua các kì thi là các em phải nhớ đủ và hiểu đúng kiến thức cơ bản. Nghe giảng, ghi chép, gạch chân từ khóa; hiểu từ khóa, xây dựng chuỗi hoặc bảng hệ thống từ khóa và lưu giữ trong bộ nhớ theo bài, chủ đề; hiểu các ví dụ thầy cô lấy và tự lấy được ví dụ.
Các em biết vận dụng kiến thức cơ bản để làm bài tập trắc nghiệm. Việc nhớ và hiểu từ khóa giúp các em làm tốt câu hỏi nhận biết. Hiểu đúng kiến thức cơ bản giúp các em làm tốt câu hỏi thông hiểu, gắn từ khóa với hành vi, việc làm được đưa ra trong các lựa chọn để chọn được đáp án đúng. Thêm kỹ năng phân tích hành vi của chủ thể trong câu hỏi vận dụng cao (tình huống có nhiều chủ thể) – làm theo cách cô giáo hướng dẫn trên hoạt động 3 của mỗi bài học.
Sau khi đã nắm được kiến thức, các em phải làm bài tập trong SGK sau mỗi giờ học, giờ ôn, tìm và giải càng nhiều càng tốt các đề kiểm tra học kì, đề thi thử của Sở GD&ĐT và các đơn vị giáo dục khác. Đặc biệt, nguồn đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT trong một vài năm gần đây cũng vô cùng bổ ích để học sinh có thể khắc sâu kiến thức, hình thành kĩ năng và nắm kĩ cách thức làm bài thi.
Khi vào phòng thi, nhận đề, các em bình tĩnh kiểm tra toàn bộ bài thi. Sau khi hình dung được cấu trúc bài thi, các em ước tính thời gian làm bài cần cho mỗi câu hỏi theo mức độ từ dễ đến khó. Các em tránh bỏ sót câu hỏi. Với câu dễ làm dứt điểm để có thời gian chuyển sang câu hỏi khác, không dành nhiều thời gian ở một câu hỏi. Sau khi làm xong, các em nên kiểm tra lại bài một lần nữa.