Để cơ thể phòng thủ chống lại các loại nhiễm trùng khác nhau

GD&TĐ - Hệ miễn dịch như một 'hàng rào phòng thủ' chống lại các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài.

Cúm gia cầm diễn biến bức tạp, ­có nguy cơ lây lan từ gia cầm không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa: INT
Cúm gia cầm diễn biến bức tạp, ­có nguy cơ lây lan từ gia cầm không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa: INT

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nguồn bệnh quá mạnh khiến hệ miễn dịch không chống đỡ nổi. Lúc này tình trạng nhiễm trùng sẽ nguy hiểm cho người bệnh.

Nhiễm trùng là tình trạng sức khỏe rất phổ biến, có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Thông thường, biểu hiện trên lâm sàng là một hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc. Nhiễm trùng có thể tại một vị trí cố định hoặc đi theo đường máu lan khắp cơ thể.

Nguy cơ gây nhiễm trùng

Nhiều bệnh nhân thường xuyên được nghe về “nhiễm trùng” và chỉ hiểu đơn thuần là do vết thương hở, bị viêm nhiễm khuẩn đau nhức, sốt, mủ… Trên thực tế, nhiễm trùng là sự tăng sinh của các vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng... đối với cơ thể dẫn tới các phản ứng tế bào, tổ chức hoặc phản ứng toàn thân.

Người bệnh nội trú dài ngày trong bệnh viện, người có hệ miễn dịch suy yếu, người lớn tuổi, trẻ em và người sống trong môi trường kém vệ sinh sẽ có nguy cơ nhiễm trùng nhiều hơn. Các triệu chứng phổ biến là ho và hắt hơi, sốt, viêm, nôn mửa, tiêu chảy, mệt mỏi và chuột rút. Tất cả các phản ứng trên là cách mà hệ thống miễn dịch cố gắng loại bỏ sinh vật gây bệnh.

ThS.BS Lê Hồng Nhung - Bệnh viện Việt Đức cho biết, các yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng có thể kể đến như: Tiếp xúc giọt bắn của người bệnh khi ho và hắt hơi; Tiếp xúc với người bị nhiễm, với các bề mặt, thực phẩm và nước bị ô nhiễm; Vi khuẩn hoặc virus có thể được truyền qua chạm hoặc bắt tay với một người khác. Chạm tay vào thực phẩm bẩn cũng khiến virus hoặc vi khuẩn lây lan. Chấn thương cơ thể gây các vết xây xước da.

Ngoài ra, dịch cơ thể như máu, nước bọt và tinh dịch, có thể chứa các vi khuẩn, virus gây bệnh, truyền bệnh và lây lan qua con đường dùng chung bơm kim tiêm hoặc quan hệ tình dục. Trường hợp nhiễm virus phổ biến và nặng nhất là viêm gan B và nhiễm HIV/AIDS. Tiếp xúc với sinh vật bị nhiễm bệnh qua vật chủ trung gian, bao gồm cả vật nuôi và các loài côn trùng như bọ chét và ve.

Nhiễm trùng sẽ có nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ, vừa đến nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng. Một số mầm bệnh có thể kháng lại việc điều trị. Theo BS Nhung, những dạng mầm bệnh có thể gây nhiễm trùng gồm virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Các vi sinh vật này khác nhau về kích thước, hình dạng, chức năng, mã gen và cách chúng hoạt động trên cơ thể.

Nhiễm trùng do vi khuẩn và virus đều có thể lây lan. Mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ tùy thuộc vào mầm bệnh. Tuy nhiên, triệu chứng cũng như cách điều trị của hai dạng bệnh nhiễm này có chút khác biệt.

Vi khuẩn và virus không thể nhìn thấy bằng mắt thường, chúng có thể gây ra các triệu chứng tương tự nhau và thường theo những con đường giống nhau. Đây là điểm tương đồng duy nhất giữa vi khuẩn và virus. Việc phân biệt nhiễm trùng do vi khuẩn và virus rất quan trọng cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh.

“Vi khuẩn là một thể duy nhất, tế bào rất phức tạp và có thể tự tồn tại bên trong hoặc bên ngoài cơ thể. Hầu hết các vi khuẩn không có hại. Đơn cử, có nhiều vi khuẩn thường trú trên da và trong cơ thể của chúng ta, đặc biệt là trong ruột giúp tiêu hóa thức ăn.

Virus có kích thước nhỏ hơn và có cấu tạo không phải là tế bào. Không giống như vi khuẩn, virus cần một vật chủ như con người hay động vật để nhân lên. Virus gây nhiễm trùng bằng cách nhập vào nhân bên trong các tế bào khỏe mạnh của vật chủ”, bác sĩ Nhung thông tin.

can trong voi benh nhiem trung phan biet trong chan doan va dieu tri1.jpg
Vết xước nhẹ không được chăm sóc kỹ có thể sẽ bị nhiễm trùng. Ảnh minh họa: INT

Phân biệt các loại nhiễm trùng

TS.BS Trần Quốc Đạt - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phân tích sự khác nhau của một số dạng nhiễm trùng, trong đó nổi bật nhất là nhiễm trùng do virus và vi khuẩn. Virus chứa một đoạn mã di truyền nhỏ và một lớp vỏ của các phân tử protein và lipid (chất béo) bảo vệ chúng.

Virus xâm nhập vật chủ và tự gắn vào một tế bào rồi giải phóng vật liệu di truyền. Vật liệu này buộc tế bào sao chép, do đó virus sẽ nhân lên. Khi tế bào chết, nó giải phóng virus mới để lây nhiễm các tế bào mới.

Tuy nhiên, không phải tất cả virus phá hủy tế bào chủ của chúng. Một số sẽ thay đổi chức năng của tế bào. Một số khác có thể dẫn đến ung thư bằng cách buộc các tế bào sao chép không kiểm soát.

Virus có thể không hoạt động trong một thời gian trước khi nhân lên một lần nữa. Người bị virus có thể đã bình phục hoàn toàn, nhưng sẽ bị bệnh trở lại khi chúng hoạt động trở lại.

Các tình trạng nhiễm virus gồm: Cảm lạnh thông thường, viêm não và viêm màng não, mụn cóc và nhiễm trùng da, do HPV và HSV gây ra, viêm dạ dày ruột, Covid-19. Các tình trạng nhiễm virus khác bao gồm: Nhiễm virus Zika, HIV/AIDS, viêm gan C, bệnh bại liệt, cúm, bao gồm cả cúm lợn, bệnh sốt xuất huyết, Ebola, hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS-CoV).

Thuốc kháng virus có thể giúp làm giảm các triệu chứng bệnh. Chúng có thể ngăn chặn virus sinh sản hoặc tăng cường hệ thống miễn dịch để chống lại tác động của virus. “Thuốc kháng sinh không có hiệu quả trong điều trị nhiễm virus.

Những loại thuốc này sẽ không ngăn chặn được virus và việc sử dụng chúng làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh. Hầu hết các cách điều trị không cần thuốc nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng trong lúc hệ thống miễn dịch chống lại virus”, TS Trần Quốc Đạt nhấn mạnh.

Trong khi đó, vi khuẩn là vi sinh vật đơn bào, rất đa dạng và kích cỡ khác nhau. Vi khuẩn có thể sống trong tất cả môi trường, bao gồm đất, các vùng nước, bên trong hoặc trên cơ thể chúng ta. Một số có thể tồn tại ở nhiệt độ cao hoặc thậm chí phơi nhiễm bức xạ.

Mặc dù có rất nhiều vi khuẩn trong và trên cơ thể, nhưng chúng thường không gây bệnh. Trên thực tế, vi khuẩn trong đường tiêu hóa (lợi khuẩn) còn có thể giúp tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, đôi khi vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể và gây nhiễm trùng.

Một số tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn như: Viêm họng liên cầu khuẩn; nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn (UTI), thường do vi khuẩn coliform gây ra; ngộ độc thực phẩm; viêm mô tế bào; viêm âm đạo; bệnh da liễu; giang mai; bệnh lao; ho gà; viêm phổi do phế cầu khuẩn; viêm màng não do vi khuẩn; dịch tả; ngộ độc; uốn ván…

Nhiễm trùng do vi khuẩn thường được điều trị bằng kháng sinh. Các thuốc này có thể ngăn cản vi khuẩn nhân lên hoặc tiêu diệt chúng hoàn toàn. Có nhiều loại kháng sinh khác nhau và chỉ được dùng khi có chỉ định từ bác sĩ. Việc lạm dụng kháng sinh sẽ khiến nhiều vi khuẩn phát triển đề kháng với chúng, làm bạn bị kháng kháng sinh.

Đối với dạng nhiễm trùng do nấm là một nhóm sinh vật đa dạng, gồm nấm men và nấm mốc. Chúng có ở khắp nơi, bao gồm trong đất, khu vực ẩm ướt như phòng tắm và trên hoặc trong cơ thể chúng ta.

Đôi khi, nấm nhỏ đến mức bạn không thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường. Không phải tất cả các loại nấm đều có thể gây bệnh, nhưng một số có thể gây ra các tình trạng sau: Nhiễm nấm âm đạo; nấm ngoài da; nấm ở bàn chân; bệnh tưa miệng; viêm màng não do nấm…

Ngoài ra còn có nhiễm trùng do ký sinh trùng. Đây là bệnh lý phổ biến thường gặp ở quốc gia có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới do các loại giun, sán, bọ chét, chí, ve, rận… sống ký sinh ở người thông qua các đường lây nhiễm như lây qua đất, qua da, đường tiêu hóa, từ động vật sang người…

Khi ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người, chúng hút máu hoặc chất dinh dưỡng của con người để sinh sôi, phát triển, gây ra nhiều tác hại cho cơ thể như tổn thương gan, não, phổi, thận, suy dinh dưỡng, thiếu máu… nếu không phát hiện, điều trị kịp thời.

TS Trần Quốc Đạt cho biết, không có phương pháp duy nhất để ngăn ngừa tất cả các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, mọi người nên thực hiện các bước sau để giảm nguy cơ lây truyền: Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi chuẩn bị thức ăn hoặc sau khi sử dụng phòng tắm; Làm sạch các khu vực bề mặt và tránh giữ thực phẩm dễ hỏng ở nhiệt độ phòng quá lâu; Cho trẻ tiêm đầy đủ vắc-xin cần thiết.

Bên cạnh đó, chỉ dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ và chắc chắn hoàn thành quá trình điều trị, ngay cả khi các triệu chứng cải thiện sớm hơn. Giảm nguy cơ nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục bằng cách kiểm tra bệnh thường xuyên, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

Tránh dùng chung vật dụng cá nhân, như bàn chải đánh răng, lược, lưỡi dao cạo, kính mắt và dụng cụ nhà bếp. Làm theo lời khuyên của bác sĩ về việc cách ly và nghỉ ngơi trong thời gian điều trị để tránh lây nhiễm cho người khác.

BS Trần Quốc Đạt nhấn mạnh, cần xây dựng một lối sống năng động, chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng có thể giúp giữ cho hệ thống miễn dịch mạnh mẽ và bảo vệ cơ thể phòng thủ chống lại các loại nhiễm trùng khác nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa ICBM Hwasong 15 của Triều Tiên.

Báo Mỹ viết về bóng ma hạt nhân

GD&TĐ - Theo Wall Street Journal, căng thẳng toàn cầu gây lo ngại lớn nhất về bóng ma hạt nhân kể từ sau Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Minh họa/INT

Chốt mục tiêu tấn công

GD&TĐ - Khu vực Trung Đông vẫn chưa hết thấp thỏm về màn trả đũa của Israel nhằm vào Iran trong khi Tel Aviv tuyên bố đã chốt mục tiêu.

Các trường đại học Australia mất đi sức hút trên thị trường quốc tế.

Đại học Australia tụt hạng

GD&TĐ - Giáo dục đại học Australia có nguy cơ giảm cạnh tranh vì gần một nửa ngành học nước này tụt hạng trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới năm 2025.