Chuẩn bị cho nguồn nhân lực này, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng.
Nhiều thách thức
Theo thông tin từ PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng từ 10 - 15 nghìn giáo viên bộ môn làm công tác kiêm nhiệm đã được cấp chứng chỉ tư vấn học đường. Đáng chú ý, số giáo viên được đào tạo chính quy về tâm lý học và công tác xã hội còn rất hạn chế, chủ yếu tập trung tại các trường tư thục. Tình trạng này đặt ra nhiều thách thức về chất lượng tư vấn học đường.
Thứ nhất, đa số giáo viên được cử đi đào tạo vốn là giáo viên bộ môn, không có nền tảng chuyên môn về tâm lý học đường. Mặc dù, họ được trừ số tiết giảng dạy theo quy định khi kiêm nhiệm công tác tư vấn, việc cân bằng hai vai trò vẫn là thách thức không nhỏ. Nhiều người tham gia khóa học không xuất phát từ nguyện vọng cá nhân mà do sự phân công của nhà trường, ảnh hưởng đến động lực học tập và hiệu quả ứng dụng.
Thứ hai, sự chênh lệch về độ tuổi và kinh nghiệm trong đội ngũ giáo viên tạo ra khoảng cách về khả năng tiếp thu và vận dụng kiến thức. Trong khi nhóm giáo viên trẻ thiếu kinh nghiệm thực tiễn, nhóm giáo viên gần tuổi nghỉ hưu lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận phương pháp mới.
Thứ ba, chất lượng đào tạo không đồng đều giữa các cơ sở do sự khác biệt về năng lực giảng viên. Chương trình học 120 tiết được đánh giá là chưa đủ để trang bị đầy đủ kỹ năng tư vấn chuyên sâu. Nội dung đào tạo cũng cần cập nhật để bắt kịp những vấn đề tâm lý học sinh trong thời đại số như: Tác động của mạng xã hội, học trực tuyến và áp lực học tập.
Từ thực tiễn triễn khai, PGS.TS Đinh Thị Hồng Vân - Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế chia sẻ một số thách thức, khó khăn. Đó là tâm lý học đường chưa được coi trọng đúng mức ở các trường phổ thông. Việc thực hành nghề ở các trường phổ thông gặp khó khăn do thiếu mô hình chuyên nghiệp và sự chưa rõ ràng trong quy trình hỗ trợ học sinh. Các nhà trường cũng chưa có kế hoạch chuyên sâu triển khai tâm lý học đường.
Về hoạt động bồi dưỡng, khối lượng kiến thức và thời lượng là 8 mô-đun, 240 tiết (16 tín chỉ) chưa đủ giúp giáo viên có thể triển khai các hoạt động tâm lý học đường; bồi dưỡng mới tập trung vào một số hoạt động phòng ngừa và bước đầu hỗ trợ cho học sinh có những vấn đề tâm lý.
Để bảo đảm chất lượng nhân lực làm công tác tư vấn học sinh, PGS.TS Đinh Thị Hồng Vân đề xuất cần tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành đào tạo (tâm lý học giáo dục, tâm lý học trường học…). Đồng thời, bồi dưỡng thường xuyên cho các lãnh đạo và giáo viên về tư vấn tâm lý cho học sinh; có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn cho các trường phổ thông.
Cần làm gì để nâng cao chất lượng?
Để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn học đường, PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho rằng, cần có cơ chế giám sát chất lượng chặt chẽ hơn, đồng thời xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả sau đào tạo một cách bài bản. Việc thu hút và đào tạo đội ngũ chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp, đặc biệt cho khối trường công lập, cũng cần được đặt ra như một ưu tiên trong thời gian tới.
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội thì nhấn mạnh đến yếu tố chương trình đào tạo và cho rằng, chuẩn đầu ra chương trình đào tạo phải được đối sánh vị trí việc làm và chuẩn quốc tế.
Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo đồng thời phải bao phủ các lĩnh vực: Đánh giá các vấn đề tâm bệnh học; tham vấn can thiệp; tư vấn hướng nghiệp, tư vấn giáo dục; xây dựng và triển khai chương trình phòng ngừa, sơ cứu tâm lý; công tác xã hội cá nhân, nhóm, đối tượng chuyên biệt; giám sát, điều phối, quản lý chuyên môn; đạo đức hành nghề. Nội dung chương trình đào tạo phải đối sánh với yêu cầu kỹ thuật của chức danh tâm lý lâm sàng, tăng cường thực hành và người giảng dạy các chương trình đào tạo này phải là nhà lâm sàng.
PGS.TS Trần Thành Nam cũng nhấn mạnh việc vị trí tư vấn học sinh phải là chuyên trách; tốt nghiệp trình độ cử nhân trở lên các chuyên ngành phù hợp (như tham vấn tâm lý, tâm lý học lâm sàng). Nếu tốt nghiệp cử nhân ngành khác (như tâm lý học, tâm lý học giáo dục, công tác xã hội), phải bắt buộc học thêm chứng chỉ bồi dưỡng.
Được bồi dưỡng nâng cao năng lực thường xuyên cập nhật kiến thức về khám chữa bệnh, đạo đức chuyên môn và 11 nhóm năng lực (trong tư vấn giáo dục và học tập; công tác xã hội học đường và tham vấn tâm lý, sức khỏe tâm thần). Người giám sát phải là thạc sĩ, tiến sĩ tâm lý học lâm sàng (đang thực hành nghề nghiệp)…
Chương trình bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh đã được Bộ GD&ĐT ban hành kèm theo Quyết định số 1876/QĐ-BGDĐT ngày 12/5/2018. Chương trình gồm 8 mô-đun:
Một số vấn đề chung về tư vấn cho học sinh và nhu cầu tư vấn của học sinh; một số kỹ năng cơ bản trong tư vấn cho học sinh; tìm hiểu, đánh giá khó khăn tâm lý của học sinh; tư vấn học sinh gặp khó khăn tâm lý; tư vấn học sinh có hành vi lệch chuẩn; tư vấn học tập và hướng nghiệp; tư vấn giới tính và sức khỏe sinh sản; thực hành và kiểm tra cuối khóa. Tổng thời lượng bồi dưỡng 240 tiết (tương ứng với 16 tín chỉ).