Còn nhiều rào cản tư vấn tâm lý học đường

GD&TĐ - Nhận thức chưa đầy đủ, khó khăn về nhân lực có chuyên môn... là những rào cản đối với công tác tư vấn học sinh trong nhà trường hiện nay.

Tư vấn học sinh tại Trường THPT Thuận Thành số 1 (Bắc Ninh). Ảnh: NTCC
Tư vấn học sinh tại Trường THPT Thuận Thành số 1 (Bắc Ninh). Ảnh: NTCC

Nhận thức chưa đầy đủ về tư vấn tâm lý học đường

Là chuyên viên tâm lý học cấp THCS & THPT The Dewey Schools Tây Hồ Tây (Hà Nội), cô Trương Hoàng Mai cho rằng, trong xã hội hiện đại, khi công nghệ và mạng xã hội phát triển vượt bậc, cuộc sống của trẻ em và thanh thiếu niên trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.

Không chỉ đối mặt với áp lực học tập và kỳ vọng cao từ gia đình, các em còn chịu tác động mạnh mẽ từ những hình ảnh “hoàn hảo” trên mạng xã hội - nơi vẻ bề ngoài, thành công thường được lý tưởng hóa. Điều này dẫn đến sự so sánh không ngừng, cảm giác chưa đủ tốt, đôi khi là nỗi lo âu, cô đơn khi các em cố gắng sống theo những chuẩn mực không thực tế.

Với những thách thức ấy, việc cân bằng cảm xúc và xây dựng các mối quan hệ lành mạnh trở thành một khó khăn lớn, khiến công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Đây không chỉ là một biện pháp hỗ trợ mà còn là yếu tố nền tảng để đảm bảo sức khỏe tinh thần, sự phát triển toàn diện của học sinh.

Tuy nhiên, theo cô Trương Hoàng Mai, hiện nay công tác tư vấn tâm lý học đường trong các nhà trường gặp không ít khó khăn. Một trong những vấn đề lớn là nhận thức của nhà trường, phụ huynh, học sinh về vai trò của công tác tư vấn tâm lý chưa đầy đủ và hoàn toàn đúng đắn.

“Khi nhắc đến “tâm lý”, không ít người vẫn liên tưởng đến những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần. Cách hiểu này tạo ra tâm lý e dè, thậm chí né tránh, khiến nhiều phụ huynh ngần ngại tìm đến phòng tư vấn, lo lắng rằng điều đó có thể đồng nghĩa với việc con mình “có vấn đề”.

Kết quả là, sự hợp tác giữa phụ huynh và nhà trường có thể ít sự cởi mở, thiếu sự chia sẻ thông tin cần thiết để giúp học sinh phát triển toàn diện. Ngoài ra, bản thân học sinh cũng có những sự e dè và chưa thật sự thoải mái khi tìm kiếm sự hỗ trợ khi gặp khó khan khi nhiều em lo sợ rằng việc đến gặp chuyên viên tâm lý sẽ khiến mình bị bạn bè đánh hay nhìn nhận mình một cách tiêu cực”, cô Trương Hoàng Mai chia sẻ.

Đối với nhà trường, công tác của chuyên viên tâm lý đôi khi chưa được hiểu đúng và đánh giá đầy đủ, dễ dẫn đến những hiểu lầm về phạm vi công việc và đặt ra những kỳ vọng chưa thật sự phù hợp với chuyên môn của họ.

Theo cô Trương Hoàng Mai, việc thiếu sự thấu hiểu về các khó khăn đặc thù của công việc tư vấn tâm lý cũng khiến nhà trường chưa thể hỗ trợ, đồng hành một cách hiệu quả, tạo điều kiện để các chuyên viên phát huy tối đa vai trò của mình.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về đào tạo chuyên môn, chăm sóc sức khỏe tinh thần và cân bằng trong công việc hiện chưa được chú trọng đủ, khiến nhiều chuyên viên dễ gặp áp lực, căng thẳng, ảnh hưởng đến sự gắn bó lâu dài với nghề và chất lượng hỗ trợ học sinh mà họ có thể cung cấp.

tu-van-tam-ly-hoc-duong7.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Thiếu nhân lực có chuyên môn

Để đảm bảo thực hiện tốt công tác tư vấn học sinh, hàng năm trên cơ sở văn bản chỉ đạo của ngành và tình hình thực tế, các trường học trên địa bàn tỉnh Bến Tre thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh; quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp, chỉ đạo và xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động tư vấn cho học sinh; trong đó chú trọng những nội dung trọng tâm, cấp thiết cần thực hiện.

Chia sẻ điều này, nhưng theo ông Võ Văn Bé Hai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, công tác tư vấn học sinh trong nhà trường hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhất là nhân lực. Do tình hình biên chế nên nhà trường không có nguồn nhân lực chuyên môn, thường phân công giáo viên thiếu giờ hỗ trợ kiêm nhiệm công tác này.

Giáo viên chỉ qua các lớp tập huấn ngắn hạn, chương trình tập huấn chưa thật sự phong phú nên kỹ năng tư vấn hạn chế; trong khi đó nhu cầu cần tư vấn trong học sinh rất đa dạng, ở nhiều lĩnh vực. Bản thân giáo viên kiêm nhiệm cũng chưa thật sự tâm huyết với công việc tư vấn học sinh nên hiệu quả không cao.

Cũng nhắc đến khó khăn tương tự, thầy Nguyễn Hữu Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành số 1 (Bắc Ninh) cho biết, các thành viên của tổ tư vấn thường là giáo viên kiêm nhiệm, chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng để thực hiện tư vấn cho học sinh. Học sinh thì chưa mạnh dạn tìm đến thầy cô để được tư vấn và hỗ trợ.

“Mặc dù đã có vị trí việc làm tư vấn học sinh, nhà trường cũng đã thông tin tuyển dụng, nhưng hiện chưa có nhân lực để thực hiện; một phần do không có người được đào tạo, một phần bởi chế độ tiền lương chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống”, thầy Nguyễn Hữu Thanh chia sẻ.

Trường THPT Chuyên Trần Phú (Hải Phòng) đã thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh theo từng năm học. Thành phần của tổ gồm đại diện lãnh đạo nhà trường làm tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, đại diện cha mẹ học sinh.

Về hình thức thực hiện, nhà trường xây dựng các chuyên đề về tư vấn tâm lý cho học sinh lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt Đoàn; tổ chức dạy tích hợp nội dung tư vấn tâm lý cho học sinh trong các môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Đồng thời, các buổi nói chuyện chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, diễn đàn, tọa đàm về chủ đề liên quan đến nội dung cần tư vấn cho học sinh cũng được tổ chức. Cùng với đó, thực hiện tư vấn, tham vấn riêng, tư vấn nhóm, trực tiếp tại phòng tư vấn; tư vấn các vấn đề chung trực tuyến qua mạng nội bộ, trang thông tin điện tử của nhà trường, mạng xã hội, điện thoại và các phương tiện thông tin truyền thông khác.

Công tác phối hợp trong tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý được Trường THPT Chuyên Trần Phú triển khai hiệu quả. Trong đó có phối hợp trong nhà trường (thành viên tổ tư vấn với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn…); phối hợp giữa nhà trường với các lực lượng bên ngoài, như phối hợp với cha mẹ học sinh, các chuyên gia tư vấn tâm lý, cơ sở y tế…

Bên cạnh kết quả đạt được, cô Nguyễn Thị Ngà, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ khó khăn khi thành viên tham gia công tác tư vấn đều là kiêm nhiệm, được giao nhiệm vụ tùy theo yêu cầu công việc của nhà trường từng năm học. Các thành viên này đa số thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về công tác tư vấn. Bên cạnh đó, tổ tư vấn hoạt động hàng ngày trong suốt năm học nhưng không có cơ chế kinh phí cho các thành viên trong tổ, nên không động viên được người làm việc.

Ở Việt Nam, công tác thực hành tâm lý học đường còn hạn chế do thiếu một hệ thống quy chuẩn chuyên nghiệp. Hiện vẫn chưa có các chuẩn mực đạo đức, quy định rõ ràng về bằng cấp hay các tiêu chuẩn hành nghề cụ thể, dẫn đến bất cập trong đảm bảo chất lượng dịch vụ tâm lý học đường.

Bên cạnh đó, các quy trình hỗ trợ tâm lý chưa được xây dựng bài bản, thiếu những mạng lưới kết nối để phối hợp hiệu quả với các cơ sở tâm lý lâm sàng. Điều này khiến công tác chuyển tuyến, hỗ trợ chuyên sâu cho những học sinh có nhu cầu đặc biệt trở nên khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường. - Cô Trương Hoàng Mai

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ