Công tác tư vấn học sinh trong nhà trường: Điều kiện cần và đủ

GD&TĐ - Cần những giải pháp đồng bộ để triển khai tốt công tác tư vấn học sinh trong nhà trường; trong đó tiên quyết là nhân lực, nâng cao nhận thức...

Tư vấn học sinh tại Trường Tiểu học Đại Lai (Gia Bình, Bắc Ninh). Ảnh: websites phòng GD&ĐT huyện Gia Bình
Tư vấn học sinh tại Trường Tiểu học Đại Lai (Gia Bình, Bắc Ninh). Ảnh: websites phòng GD&ĐT huyện Gia Bình

Yếu tố tiên quyết là nhân lực

Nhân lực là khó khăn chung của các nhà trường trong triển khai công tác tư vấn học sinh hiện nay.

Là trường nằm trên địa bàn khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, hiện nay Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn) còn thiếu nhiều giáo viên, một số giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Theo thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Năm, nhà trường đang mong mỏi có đủ viên chức ở các vị trí việc làm, tuyển dụng đủ giáo viên, sau đó mới bố trí được vị trí việc làm tư vấn học sinh.

“Với Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT, tư vấn học sinh là vị trí việc làm mới và mỗi trường tiểu học, THCS, THPT được bố trí 1 người ở vị trí này; trường hợp không bố trí được biên chế thì hợp đồng lao động hoặc giáo viên kiêm nhiệm. Quy định này giúp tháo gỡ khó khăn nhân lực tư vấn học sinh hiện nay. Tuy nhiên, với Trường THPT Quan Sơn, hiện nay vị trí này vẫn là kiêm nhiệm”, thầy Nguyễn Trọng Năm cho hay.

Trường THCS Thường Thới Tiền (Hồng Ngự, Đồng Tháp) hiện cũng chưa có cán bộ chuyên trách về tư vấn học đường mà chỉ có giáo viên kiêm nhiệm. Thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Phước Thuận cho biết, giải pháp khắc phục của nhà trường là luôn tạo điều kiện để giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn có cơ hội học tập, bồi dưỡng.

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục, mô hình hay, hiệu quả hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, có thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội và hoàn thiện nhân cách; phát hiện, tham vấn giúp đỡ học sinh có hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra.

“Hiện nay, thuận lợi là đã chính thức có vị trí việc làm tư vấn học sinh. Mong rằng sẽ có thêm văn bản hướng dẫn cụ thể trong thực hiện công tác tư vấn tâm lý, đặc biệt là các chế độ, chính sách, nhân lực. Ví dụ như, làm rõ việc ngoài giáo viên kiêm nhiệm thì các thành viên khác trong tổ tư vấn học sinh có được hưởng định mức giảm tiết dạy hay không? Số tiết giáo viên kiêm nhiệm được giảm định mức tiết dạy có chia đều cho giáo viên trong tổ tư vấn không?”, thầy Nguyễn Phước Thuận đề xuất.

Chia sẻ mong muốn nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư vấn học sinh trong nhà trường, điều đầu tiên được cô Phạm Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Từ Sơn (Bắc Ninh) chia sẻ là củng cố và tăng cường đội ngũ nhân viên tư vấn chuyên nghiệp.

Theo đó, cần có một vị trí chuyên trách về tư vấn học sinh trong mỗi trường học; với các trường có đông học sinh, nên có nhiều hơn một chuyên viên tư vấn để đảm bảo mỗi học sinh đều được quan tâm, hỗ trợ đầy đủ.

Cùng với đó, cần tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo chuyên môn cho nhân viên tư vấn và giáo viên chủ nhiệm về kỹ năng tư vấn, tâm lý học đường, kỹ năng xử lý các tình huống phức tạp; mời chuyên gia đến chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật các phương pháp hỗ trợ học sinh hiện đại nhất.

“Bên cạnh tăng cường cơ sở vật chất và không gian tư vấn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tư vấn; mở rộng các chương trình giáo dục kỹ năng sống và sức khỏe tinh thần, tăng cường sự hợp tác giữa nhà trường, gia đình, xã hội, nhà trường cũng mong muốn có chính sách sách hỗ trợ tài chính ổn định, giúp công tác tư vấn học sinh hoạt động liên tục, không bị gián đoạn. Có chế độ đãi ngộ hợp lý nhằm giữ chân nhân sự tư vấn và thu hút thêm các chuyên gia có kinh nghiệm”, cô Phạm Thị Thu Cúc đề xuất.

dieu-kien-can-va-du3.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Nâng cao nhận thức là then chốt

Nêu quan điểm về điều kiện cần và đủ để triển khai tốt công tác tư vấn học sinh trong các nhà trường, cô Trương Hoàng Mai - Chuyên viên Tâm lý học cấp THCS & THPT The Dewey Schools Tây Hồ Tây (Hà Nội) cho rằng, đầu tiên phải là xây dựng một đội ngũ chuyên viên tư vấn tâm lý có chuyên môn vững vàng và được đào tạo bài bản. Nhà trường cũng cần trang bị cơ sở vật chất phù hợp, tạo ra một không gian tư vấn an toàn, thoải mái, nơi học sinh có thể cảm thấy an tâm khi chia sẻ những vấn đề của mình.

Ngoài ra, sự ủng hộ từ lãnh đạo nhà trường, giáo viên, phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả công tác tư vấn. Chính vì vậy, nâng cao nhận thức cho tất cả các bên là yếu tố then chốt.

Đối với học sinh, cần tạo môi trường cởi mở, không phán xét để các em có thể chia sẻ, trao đổi về những vấn đề của mình mà không cảm thấy e ngại. Việc thường xuyên tổ chức các buổi trò chuyện, giao lưu về sức khỏe tinh thần sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn về các dịch vụ hỗ trợ sẵn có và cảm thấy tự tin khi tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết.

Thêm vào đó, công tác truyền thông với phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức về công tác tư vấn tâm lý. Phụ huynh cần được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về vai trò của chuyên viên tâm lý trong trường học, giúp họ có cái nhìn cởi mở, thoải mái hơn về việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh. Điều này sẽ giúp xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa phụ huynh và chuyên viên tâm lý, từ đó nâng cao hiệu quả hỗ trợ học sinh.

Đối với nhà trường, việc hiểu đúng, đánh giá đầy đủ vai trò của chuyên viên tâm lý là yếu tố then chốt để triển khai công tác tư vấn hiệu quả. Nhà trường cần chú trọng phát triển các chương trình đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho các chuyên viên tư vấn, đồng thời tạo ra môi trường hỗ trợ tinh thần để họ có thể làm việc hiệu quả hơn.

Ngoài ra, sự hiểu biết đúng đắn về vai trò của chuyên viên tư vấn sẽ giúp nhà trường phối hợp công việc với chuyên viên tâm lý một cách nhịp nhàng, hiệu quả hơn. Khi các giáo viên, cán bộ quản lý hiểu rõ nhiệm vụ, chuyên môn của chuyên viên tâm lý, họ sẽ chủ động hơn trong chia sẻ thông tin và phối hợp trong các tình huống hỗ trợ học sinh. Điều này không chỉ giúp phát hiện sớm các vấn đề tâm lý của học sinh mà còn đảm bảo các em nhận được sự hỗ trợ kịp thời và phù hợp trong môi trường học đường.

Ngày 30/10/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập; trong đó quy định vị trí việc làm tư vấn học sinh.

Ngày 18/9/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ