Nội dung kiến nghị cụ thể: Hội Cựu giáo chức tỉnh Hải Dương đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu xem xét đối với các trường hợp giáo viên tự ý nghỉ việc trước năm 1995 vì lý do gia đình (đã có thời gian giảng dạy trên 20 năm) được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp hoặc hình thức hỗ trợ khác.
Bộ GD&ĐT trả lời như sau:
Ngày 30/1/2018, Bộ GD&ĐT có Công văn số 377/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xin ý kiến về việc trên.
Tổng hợp ý kiến của các bộ/ngành như sau: Theo điểm c khoản 12 mục II Thông tư số 13/NV ngày 4/9/1972 của Bộ Nội vụ hướng dẫn và quy định cụ thể về việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức Nhà nước quy định những trường hợp không do yêu cầu của tổ chức mà công nhân, viên chức tự ý xin thôi việc, quân nhân xin giải ngũ vì hoàn cảnh riêng, sau được trở lại làm việc thì thời gian công tác trước khi nghỉ việc hoặc giải ngũ không được tính là thời gian công tác liên tục mà chỉ được tính là thời gian công tác nói chung (thời gian nghỉ việc không tính).
Căn cứ quy định tại khoản 2 Công văn số 2570/LĐTBXH-BHXH ngày 29/7/2010 của Bộ LĐ-TB&XH thì người lao động có thời gian công tác trong khu vực Nhà nước mà tự ý bỏ việc thì thời gian công tác trước đó khi nghỉ việc không được tính để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Như vậy, đối với các trường hợp giáo viên tự ý nghỉ việc trước năm 1995 vì lý do gia đình mà không do yêu cầu của cơ quan, tổ chức quản lý thì thời gian công tác trước năm 1995 không được tính để hưởng chế độ bảo hiêm xã hội nên không đủ căn cứ xem xét trợ cấp hay hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Tại Văn bản số 795/BGDĐT-VP gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, Bộ GD&ĐT cho biết đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum do Văn phòng Chính phủ chuyển đến tại Văn bản số 810/VPCP-QHĐP.
Nội dung kiến nghị cụ thể: Trong giai đoạn 2006 - 2012, tỉnh Kon Tum đã tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với các đối tượng theo quy định Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/2/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP, trong đó bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 61/2006/NĐ-CP với nội dung: Cho phép nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút sau khi đã hết thời hạn công tác theo quy định. Từ đây, phát sinh vướng mắc trong việc xác định thời hạn luân chuyển của đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp thu hút kéo dài theo Nghị định số 19/2013/NĐ-CP.
Để giải quyết vấn đề trên, UBND tỉnh đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan gồm Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, đồng thời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum khóa XIII đã chuyển kiến nghị này của cử tri lên Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết. Tuy nhiên, đến nay, 2 Bộ vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết nên không có cơ sở để giải quyết chế độ cho các đối tượng thụ hưởng chính sách.
Vì vậy, để có cơ sở thực hiện kịp thời các chế độ chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được cơ quan có thẩm quyền điều động, luân chuyển từ cơ sở giáo dục không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đến công tác tại cơ sở giáo dục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm có văn bản hướng dẫn cách xác định thời hạn điều động, luân chuyển.
Bộ GD&ĐT trả lời như sau:
Ngày 30/1/2018, Bộ GD&ĐT có Công văn số 377/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xin ý kiến về việc trên.
Tổng hợp ý kiến của các bộ/ngành như sau: Do các văn bản quản lý hiện nay chưa đồng bộ nên đã gây khó khăn cho việc thực hiện chế độ chính sách tại một số địa phương nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng. Nhằm tháo gỡ những bất cập này, Bộ Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định chung thay thế Nghị định số 116/2010/NĐ-CP, Nghị định số 61/2006/NĐ-CP, Nghị định 19/2013/NĐ-CP và Nghị định số 64/2009/NĐ-CP để tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện chính sách cho nhà giáo phù hợp hơn.
(Còn tiếp)