ảnh có tính minh họa |
Nội dung chất vấn:
Thay mặt rất nhiều cử tri quan tâm đến giáo dục nói chung và chất lượng giáo dục đào tạo sau đại học nói riêng, xin gửi đến Bộ trưởng 03 câu hỏi sau:
1. Được biết, Bộ chủ trương khuyến khích các cơ sở đào tạo tăng tỷ lệ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, cụ thể là năm 2011, tăng tuyển mới đào tạo tiến sĩ 15% và thạc sĩ 10%. Đề nghị Bộ trưởng cho biết chủ trương, chính sách của Bộ đối với bậc học này. Việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh đã được cân nhắc, tính toán như thế nào liên quan đến nguồn lực nhằm đảm bảo Quy chế đào tạo thạc sĩ số 45/QĐ-BGDĐT và Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ số 10/2009/QĐ-BGDĐT ngày 07/5/2009 mà Bộ ban hành? Theo Bộ trưởng, việc tăng quy mô đào tạo như hiện nay có ảnh hưởng đến chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo như công bố của Bộ?
2. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về công tác quản lý đối với bậc đào tạo sau đại học hiện nay? Điều 43 của Quy chế 45 quy định: “Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh, đào tạo trình độ thạc sĩ của các cơ sở đào tạo theo các quy định hiện hành”. Đề nghị Bộ trưởng cho biết công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở đào tạo đã được thực hiện như thế nào trong thời gian qua. Hiện nay, rất nhiều cơ sở đào tạo đang vi phạm nghiêm trọng hai Quy chế đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, Bộ có giải pháp gì?
3. Điều kiện mở ngành đào tạo thạc sĩ, công tác tuyển sinh thạc sĩ, việc tổ chức giảng dạy tại nhiều cơ sở đào tạo hiện nay khá dễ dãi đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo thạc sĩ. Cử tri phản ánh nhiều hiện tượng tiêu cức xảy ra ở nhiều nơi. Đặc biệt, việc liên kết đào tạo thạc sĩ tại các địa phương có chất lượng rất thấp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết đánh giá cũng như giải pháp của Bộ trưởng về vấn đề này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
1. Về việc tăng chỉ tiêu tuyển mới đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ
Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, đã xác định mục tiêu “Xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, phong cách giảng dạy và quản lý tiên tiến; Bảo đảm tỷ lệ sinh viên/giảng viên của cả hệ thống giáo dục đại học không quá 20. Đến năm 2010, có ít nhất 40% giảng viên đạt trình độ thạc sĩ và 25% đạt trình độ tiến sĩ; đến năm 2020 có ít nhất 60% giảng viên đạt trình độ thạc sĩ và 35% đạt trình độ tiến sĩ”.
Theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020, mục tiêu đến năm 2020 đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 tiến sĩ.
Thực hiện mục tiêu đã nêu trong Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương tăng dần chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong các năm tới. Để việc tăng chỉ tiêu đào tạo đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế đào tạo thạc sĩ và Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ, trong đó quy định rõ các điều kiện để được mở chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
Năm 2011, chỉ tiêu tăng số lượng tuyển mới 15% cho đào tạo tiến sĩ và tăng 10% cho đào tạo thạc sĩ so với năm 2010 đã được tính toán trên phạm vi cả nước. Tốc độ tăng nói trên đã được xác định thấp hơn so với tốc độ tăng của vài năm vừa qua. Đối với mỗi trường, tùy vào điều kiện thực tế mà tốc độ tăng có thể cao hơn hoặc thấp hơn chỉ tiêu chung, trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.
2. Về công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra đối với đào tạo sau đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân cấp toàn diện tất cả các khâu tuyển sinh, đào tạo và cấp phát văn bằng cho các cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ từ năm 2000 và cho cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ từ 5/2010.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước: sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; Thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo trong việc thực hiện các qui định của Quy chế, trong đó chú trọng các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm; Giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan; ...
Thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cùng các Bộ, ngành có liên quan soạn thảo ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện cơ chế và tổ chức quản lý giáo dục đại học nói chung và đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nói riêng. Đồng thời, theo kế hoạch ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Bộ Giáo dục Đào tạo và các cơ quan có liên quan đang khẩn trương soạn thảo Luật Giáo dục đại học.
Hàng năm, công tác thanh tra, kiểm tra tuyển sinh sau đại học được tiến hành với sự tham gia thanh tra trực tiếp của cơ sở đào tạo và sự giám sát của các Đoàn Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Quy chế mà Bộ đã ban hành.
Qua thanh tra tuyển sinh và kiểm tra các cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở đào tạo khắc phục kịp thời những sai sót trong lập danh sách thi; Xử lý kỷ luật những cán bộ coi thi chưa thực hiện nghiêm quy chế coi thi; Tạm dừng tuyển sinh những mã ngành không đáp ứng đủ điều kiện theo Quy chế.
3. Về điều kiện mở ngành và công tác tuyển sinh, đào tạo thạc sĩ, việc liên kết đào tạo thạc sĩ tại các địa phương
a) Việc mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ hiện nay
Căn cứ Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, các trường có đủ điều kiện theo quy định xây dựng Đề án trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng sẽ xem xét và quyết định cho phép đào tạo trình độ thạc sĩ ở các chuyên ngành cụ thể.
b) Công tác tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ:
Theo Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành, công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo sau đại học được tổ chức từ 1 đến 2 đợt trong năm; Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định và chịu trách nhiệm tất cả các khâu trong quá trình tuyển sinh. Ngoài thanh tra tuyển sinh của cơ sở đào tạo theo quy định của Quy chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cử các Đoàn Thanh tra trực tiếp giám sát tại các Hội đồng thi.
Nhìn chung, các cơ sở đào tạo sau đại học đã tổ chức tốt việc đào tạo trình độ thạc sĩ theo đúng các quy định hiện hành; Thủ trưởng cơ sở đào tạo đã chủ động trong việc tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ của đơn vị mình. Tuy nhiên ở một số cơ sở đào tạo, việc quản lý thực hiện chương trình, bố trí giảng viên giảng dạy tại một số lớp đào tạo trình độ thạc sĩ chưa được chú trọng đúng mức; Việc tổ chức đánh giá luận văn tốt nghiệp đôi khi còn chưa chặt chẽ.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp sau:
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản về qui chế đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ theo hướng tăng cường hơn nữa tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo sau đại học; Quy định rõ hơn điều kiện, quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong đào tạo sau đại học.
- Thường xuyên rà soát tiến tới kiểm định chất lượng, nâng cao chất lượng đào tạo các cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở đào tạo trong việc thực hiện quy chế đào tạo và liên kết đào tạo sau đại học để kịp thời phát hiện và xử lý kiên quyết, dứt điểm các sai phạm.
c) Việc liên kết đào tạo thạc sĩ tại các địa phương
Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho phép tổ chức các lớp đào tạo trình độ thạc sĩ liên kết tại các địa phương, trừ một số trường hợp đặc biệt (ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đối với các ngành có yêu cầu đặc biệt). Trên cơ sở xem xét đề nghị của các cơ quan có trách nhiệm, Bộ mới giao một số cơ sở đào tạo sau đại học liên kết với cơ sở đào tạo địa phương để hỗ trợ đào tạo đội ngũ giảng viên, đào tạo nhân lực có trình độ thạc sĩ cho một số địa phương và một số ngành đặc thù, nhưng tất cả các khâu tuyển sinh, tổ chức đào tạo, kiểm tra, đánh giá, cấp văn bằng đều do cơ sở đào tạo sau đại học đảm nhận.
Ngày 27/4/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 2244/BGDĐT-GDĐH gửi các cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ, Bộ chủ quản, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để nhắc nhở và chấn chỉnh về các trường hợp đào tạo liên kết không đúng quy định. Theo đó, các cơ sở đào tạo không được tổ chức các lớp đào tạo thạc sĩ ở bên ngoài cơ sở của mình; Chuyển các lớp đào tạo thạc sĩ đặt ở bên ngoài cơ sở đào tạo chưa được sự đồng ý của Bộ Giáo dục Đào tạo về cơ sở đào tạo để đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
Công vệc đổi mới giáo dục đại học đang được triển khai nên kết quả thu được mới chỉ là bước đầu. Việc xử lý các sai sót, vi phạm của các cơ sở đào tạo sau đại học còn cần phải tiếp tục làm với sự phối hợp tốt hơn với các cơ quan quản lý chức năng và các địa phương để củng cố kỷ cương, kỷ luật trong ngành, nhất là đối với các đơn vị (trong đó phần lớn là ngoài hệ thống của ngành giáo dục đào tạo, thậm chí không có chức năng đào tạo) đã liên kết trái phép với các đơn vị nước ngoài (trong đó nhiều cơ sở không phải là cơ sở đào tạo đại học và chất lượng đào tạo không đảm bảo) để hoạt động trái pháp luật ở Việt Nam.