Đề án tuyển sinh của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

GD&TĐ - Dưới đây là Đề án tuyển sinh của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Mời bạn đọc quan tâm nghiên cứu và góp ý.

Đề án tuyển sinh của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

1.          Đặt vấn đề

Công tác tuyển sinh là công tác quan trọng đầu tiên trong quá trình tuyển sinh - đào tạo - tốt nghiệp của các trường đại học cao đẳng, có ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. Thực hiện tốt công tác tuyển sinh giúp các trường tuyển chọn được những sinh viên có kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp với mục tiêu của các ngành đào tạo, đồng thời định hướng đúng đắn cho quá trình học tập của học sinh THPT, giúp học sinh có sự chuẩn bị tốt cho quá trình học đại học. Phương thức tuyển sinh thống nhất toàn quốc trong những năm qua về cơ bản đã đáp ứng được một phần mục tiêu này.

Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của xã hội trong những năm gần đây khiến cho giáo dục đào tạo nói chung và tuyển sinh nói riêng chưa theo kịp yêu cầu. Cách tổ chức tuyển sinh vẫn còn có một số điểm hạn chế, như chưa tuân thủ đúng khoa học đo lường đánh giá, tạo ra xu hướng học lệch, gây sức ép cho thí sinh và xã hội.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) đã có một chuyên đề về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong nghị quyết này, một trong những nhiệm vụ đặt ra là đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, đảm bảo trung thực, khách quan. Như vậy, đổi mới tuyển sinh đại học cao đẳng là một nhiệm vụ cấp bách.

Luật Giáo dục đại học ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2012 quy định “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”. Để triển khai các chủ trương trên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG -HCM) đã đề xuất xin được thực hiện đề án thí điểm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục tại ĐHQG-HCM, trong đó đổi mới tuyển sinh là một phần quan trọng.

Trong tình hình hiện tại, việc cải tiến công tác thi và tuyển sinh là việc làm cần thiết, với điều kiện các cải tiến cần được cân nhắc kỹ lưỡng và phải dựa trên nhiều cơ sở khoa học. Lộ trình thực hiện cải tiến cần đảm bảo không gây sự mất ổn định cho hệ thống và không gây khó khăn cho thí sinh.

2.          Mục tiêu

2.1.     Mục tiêu tổng quát

Đề án này đề xuất giải pháp và kế hoạch thực hiện cải tiến công tác tuyển sinh đại học cao đẳng tại Việt Nam, nhằm đưa ra một mô hình tuyển sinh mới tiên tiến, phù hợp và hiệu quả cho ngành giáo dục Việt Nam, trong đó nêu cụ thể về nguyên tắc của quá trình đánh giá năng lực và xét tuyển, các bước chuẩn bị để xây dựng và triển khai hình thức tuyển sinh mới. 

2.2.     Mục tiêu cụ thể

Để thực hiện được mục tiêu tổng quát nêu trên, đề án này đặt ra các mục tiêu cụ thể sau đây:

-        Tổng quan tình hình tuyển sinh đại học ở Việt Nam và trên thế giới.

-        Xây dựng được các nguyên tắc của quá trình tuyển sinh đại học và trên cơ sở các nguyên tắc này, đề xuất mô hình tuyển sinh mới, bao gồm:

*  Phương án tổ chức thi tuyển sinh.

*  Các giải pháp điều chỉnh cách đánh giá năng lực thí sinh.

*  Hệ thống thông tin trong tuyển sinh.

-        Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của mô hình tuyển sinh và lộ trình thực hiện mô hình tuyển sinh.

3.          Tổng quan tình hình tuyển sinh đại học ở Việt Nam và thế giới

3.1.     Tổng quan tình hình tuyển sinh đại học trên thế giới

Thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng là vấn đề được các quốc gia trên thế giới quan tâm và thường xuyên được điều chỉnh, cập nhật và bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển của kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ.

Hầu hết hệ thống các trường đại học đều tổ chức xét tuyển thí sinh dựa trên điểm thi của một hoặc nhiều kì thi khác nhau. Các kì thi được sử dụng như là một công cụ để đánh giá, đo lường mức độ chuẩn bị học đại học của học sinh và được tổ hợp thành ba nhóm chính: kì thi tốt nghiệp phổ thông, kì thi tuyển sinh và kì thi đánh giá năng lực. Việc chọn lựa công cụ đánh giá thay đổi đa dạng theo từng quốc gia do sự khác biệt về các yếu tố như địa lý, triết lý giáo dục của quốc gia, của địa phương và của trường. Nhìn chung, có thể sử dụng một hay nhiều tiêu chí kết hợp để xét tuyển.

Kì thi tốt nghiệp phổ thông hay kì thi tuyển sinh đại học là các hình thức thi khá phổ biến, được thiết kế để đo lường kết quả học tập, kiến thức tích lũy và khả năng học trong một lĩnh vực hay một chương trình cụ thể. Kì thi đánh giá năng lực thông thường để đo lường năng lực gắn kết với các kỹ năng tư duy và cũng được thiết kế để đánh giá khả năng học tập của học sinh.

Không phải tất cả các nước đều dựa vào kết quả kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển đại học. Ở một số nước, kì thi này chỉ được xem như là một chứng nhận đã kết thúc giai đoạn trung học phổ thông và chuyển tiếp lên đại học. Vẫn có một số quốc gia, kết quả kì thi tốt nghiệp là tiêu chí xét tuyển sinh đại học bên cạnh chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Học sinh có thể được yêu cầu sẽ thi kì thi chung, với các môn thi cụ thể đã được chú trọng ở giai đoạn phổ thông hoặc với các môn thi mà họ chú trọng phát triển ở giai đoạn đại học.

Giống như kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kì thi tuyển sinh cũng được tổ chức và điều hành ở cấp quốc gia hoặc cấp địa phương. Hình thức thi, các môn thi sẽ thay đổi theo từng hệ thống quản lý ở mỗi quốc gia. Cụ thể là:

-        Hoa Kỳ: tuyển sinh trên cơ sở xem xét kết quả của thí sinh trong một bài kiểm tra năng lực chuẩn như SAT hoặc ACT. Bên cạnh đó một số trường xem xét thêm yếu tố: kết quả ở bậc trung học, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn, …. Các yếu tố nhân khẩu học và các hoạt động ngoại khóa cũng thường được xem xét.

-        Vương Quốc Anh: điểm thi các kỳ thi tốt nghiệp trung học (A-Level) là yếu tố chính trong quá trình tuyển sinh đại học. Quá trình tuyển sinh được điều phối bởi một tổ chức tập trung - Ủy ban tuyển sinh đại học, cao đẳng (UCAS), các thí sinh nộp hồ sơ cho UCAS: kết quả học tập ở trường trung học, điểm thi A-Level, quá trình làm việc, giới thiệu bản thân, thư giới thiệu, đăng ký các chương trình thí sinh muốn theo học. Các trường xem xét và xét tuyển thí sinh theo các tiêu chuẩn, qui định riêng của trường.

-        Pháp: thí sinh vượt qua kỳ thi tú tài (được tổ chức trên toàn quốc) có thể đăng ký vào hầu hết các cơ sở giáo dục đại học ở Pháp. Tuy nhiên, đối với các trường danh tiếng, thí sinh phải vượt qua kỳ thi tuyển sinh do chính cơ sở này tổ chức.

-        Nga: từ năm 2009, khoảng một nửa các trường đại học ở Nga xét tuyển chủ yếu vào kết quả thi tuyển sinh tập trung do một tổ chức quốc gia tổ chức. Các trường đại học lớn thì đặt tỷ trọng lớn hơn cho các kỳ thi của chính họ tổ chức trong việc lựa chọn thí sinh.

-        Nhật: các thí sinh phải tham gia một kỳ thi tuyển sinh trên toàn quốc gồm 6-7 bài kiểm tra theo các môn thi. Các trường xét tuyển trên mức điểm thí sinh đạt được của kỳ thi này, sau đó thí sinh tham gia vòng tuyển sinh được dành riêng cho cở sở giáo dục. Các trường xét tuyển trên kết quả 2 kỳ thi (tỷ trọng tương đối các điểm số này).

-        Trung Quốc: thí sinh dự thi toàn quốc ở một trong hai mảng: khoa học nhân văn và khoa học kỹ thuật. Tổ chức tuyển sinh tập trung bởi cơ quan cấp nhà nước. Thí sinh xét tuyển vào các trường dựa trên kết quả thi và nguyện vọng của thí sinh.

-        Hàn Quốc: các thí sinh phải tham gia một kỳ thi tuyển sinh trên toàn quốc gồm 01 bài kiểm tra nhiều phần nhỏ kiến thức. Các trường xét tuyển trên mức điểm thí sinh đạt được của kỳ thi này, sau đó thí sinh tham gia vòng tuyển sinh được dành riêng cho cở sở giáo dục. Các trường xét tuyển trên kết quả 2 kỳ thi (tỷ trọng tương đối các điểm số này).

-        Thái Lan: quy trình xét tuyển tập trung được tổ chức bởi một cơ quan cấp nhà nước. Từ năm 2007 đã hoàn thiện một hệ thống xét tuyển chung cho cả nước. Tiêu chí xét tuyển vào các trường đại học ở Thái Lan bao gồm: Kết quả thi O-NET (Ordinary National Education Test) với các nội dung (Tiếng Thái, Tiếng Anh, Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Giáo dục sức khỏe, Văn học + nghệ thuật). Học sinh có thể dùng kết quả  O-NET để đăng ký vào một số trường đại học. Tuy nhiên, đa số các trường yêu cầu sinh viên phải được đánh giá năng 

Đề án tuyển sinh của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1
 

Bảng tổng hợp trên cho thấy, yếu tố kiến thức là tiêu chí cơ bản nhất được sử dụng trong tất cả các hình thức tuyển sinh. Yếu tố kỹ năng (năng lực) cũng dần trở thành yếu tố quan trọng được xét đến trong quá trình tuyển sinh tại các quốc gia khác nhau. Khi sử dụng các kì thi đánh giá năng lực, yếu tố về kiến thức cũng được xem xét thông qua đánh giá về kết quả học tập cũng như kiến thức tích lũy (thông qua điểm học tập trung bình và điểm thi tốt nghiệp phổ thông). Yếu tố về thái độ là tiêu chí khó đo lường nhất, chỉ được sử dụng tại một số ít quốc gia cho một số đối tượng hạn chế.

Ở các quốc gia có nền giáo dục có tính thống nhất cao, chất lượng đồng đều và hệ thống đánh giá giáo dục minh bạch như Anh, Pháp, Đức, Canada, Na Uy thì hình thức xét tuyển đại học chỉ dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông, cụ thể là kết quả của quá trình học hoặc kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Ở các quốc gia có sự chênh lệch nhất định về hệ thống giáo dục tại các vùng miền khác nhau, hoặc muốn bổ sung thêm kì thi đánh giá năng lực để tăng độ tin cậy của quá trình tuyển sinh: Mỹ, Isarel, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Phần Lan…quá trình tuyển sinh dựa trên kết quả học tập phổ thông như là một tiêu chí đánh giá đồng thời kết hợp với một hay nhiều tiêu chí khác như kì thi tuyển sinh cấp quốc gia, kì thi đánh giá năng lực.

Ở các quốc gia có hệ thống giáo dục không đồng nhất, chất lượng không đồng đều tại các vùng miền khác nhau và/hoặc có thể phát sinh sự không công bằng khi chỉ dùng kết quả học tập phổ thông làm tiêu chí xét tuyển sinh như Nga, Georgia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan thì giải pháp tốt nhất là chỉ dựa vào kết quả của kì thi tuyển sinh quốc gia chủ yếu để đánh giá kiến thức, hoặc đôi khi kết hợp đánh giá kiến thức với đánh giá năng lực.

Nếu chỉ sử dụng hình thức đánh giá năng lực như là một tiêu chí xét tuyển sinh mà không chú trọng đến kết quả học tập tích lũy hay kiểm tra kiến thức thì kết quả đánh giá không đảm bảo được tính công bằng đối với tất cả học sinh. Cụ thể, bài thi SAT đầu tiên chỉ đánh giá chủ yếu đến khả năng sử dụng tư duy trong giải quyết vấn đề, nhưng điều này chỉ được xem xét là đánh giá đúng đắn và công bằng đối với các học sinh có tài năng hay năng lực vượt trội. Bài thi SAT không thật sự phù hợp khi đánh giá các đối tượng học sinh có năng lực như nhau, đặc biệt là khi xem xét các đối tượng học sinh đến từ các dân tộc tiểu số, các vùng không có đầy đủ điều kiện,…Do vậy, hiện nay các trường đại học ở Mỹ đã sử dụng thêm hình thức thi SAT II – Subject Test đi kèm với SAT I hoặc SAT I với điểm tích lũy học tập (GPA) để đánh giá đầy đủ các yếu tố về kiến thức, kĩ năng hay năng lực của học sinh khi đăng kí xét tuyển vào đại học.

Nhìn chung, để đánh giá mức độ chuẩn bị học đại học của học sinh là cần phải có một thước đo chuẩn để đánh giá về kiến thức hay kĩ năng. Việc sử dụng thước đo chuẩn thiên về kiến thức hay về kĩ năng hiện vẫn còn đang là yếu tố tranh luận. Tuy nhiên, để đánh giá năng lực học đại học của học sinh một cách toàn diện thì xu hướng chung vẫn là kết hợp hai yếu tố kiến thức và kĩ năng.

Trong quá trình thiết kế, chọn lựa, đánh giá hoặc cải cách quy trình tuyển sinh, có nhiều vấn đề quan trọng cần lưu ý:

Ở tầm vĩ mô cần quan tâm đến việc kiểm soát tổng thể hệ thống giáo dục đại học, tác động của nó đến với xã hội, nền kinh tế, độ tin cậy, tính hợp lệ của các yếu tố khác nhau.

 Ở tầm vi mô cần quan tâm đến các yếu tố kỹ thuật như xây dựng đề thi đảm bảo đánh giá đúng và khách quan năng lực của thí sinh, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, trường đại học, địa phương trong việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và thực hiện quá trình xét tuyển; Các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ cho quá trình thi và tuyển; …

Tính đa dạng và phức tạp hệ thống thi cử trên thế giới cho thấy cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện khi đề xuất mô hình, phương thức và lộ trình cải tiến quá trình  tuyển sinh ĐH, CĐ tại Việt Nam.

3.1.     Tình hình tuyển sinh ĐH, CĐ  tại Việt Nam

3.1.1.   Các phương thức tuyển sinh tại Việt Nam qua các thời kỳ

-        Tuyển sinh tại Miền Nam trước 1975: thi tú tài là chính, đậu tú tài xong thí sinh được quyền ghi danh vào trường đại học khoa học cơ bản (Khoa học Đại học đường, Văn khoa, …). Các trường manh tính nghề nghiệp (Y, Bách khoa, Sư phạm,...) có tổ chức thi riêng của từng trường. Tuy nhiên các trường có tính liên thông: sinh viên học xong các "chứng chỉ" cơ bản của một số trường khoa học thì được thi vào các trường nghể nghiệp. Bắt đầu từ năm 1974, kì thi tú tài được triển khai bằng phương pháp trắc nghiệm khách quan độc lập. 

-        Từ năm 1955 đến năm 1965, các trường đại học tự tổ chức tuyển sinh đại học (TSĐH) theo quy định của Bộ Giáo dục.

-        Từ năm 1965 đến năm 1970, Bộ Giáo dục tạm thời bỏ các kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, thành lập các Ban tuyển sinh ở các tỉnh để tuyển chọn học sinh vào ĐH.

-        Từ năm 1970 đến năm 1987, Bộ ĐH và Trung học chuyên nghiệp, tổ chức lại các kỳ thi TSĐH nhưng không thực hiện riêng lẻ ở các trường ĐH mà tổ chức chung tại các địa phương, đề thi chia theo khối A (Toán, Lý, Hóa), khối B (Lý, Hóa, Sinh), khối C (Văn, Sử, Địa).

-        Từ năm 1988, Bộ ĐH và Trung học chuyên nghiệp chủ trương để cho các trường ĐH tự tổ chức TSĐH, chủ động trong 4 khâu ra đề, tổ chức thi, chấm thi và xét tuyển theo các khối A, B, C.

-        Năm 1996, lần đầu tiên một kỳ thi bằng đề thi trắc nghiệm khách quan được triển khai thí điểm tại Trường ĐH Đà Lạt, do Vụ Đại học của Bộ GD&ĐT chỉ đạo. Kỳ thi ra 2 loại đề, tự luận và trắc nghiệm khách quan cho thí sinh tự chọn.

-        Từ năm 2002, Bộ GD&ĐT chủ trương đổi mới TSĐH bằng phương thức 3 chung (đề thi chung, tổ chức thi chung và xử lý kết quả chung).   

3.1.2.   Phân tích chi tiết về phương thức thi tuyển sinh chung hiện nay

Từ năm 2002, Bộ GD&ĐT chủ trương tổ chức thi tuyển sinh đại học (TTSĐH) thống nhất trong cả nước theo hình thứ “3 chung”: thi chung đợt, dùng đề chung, sử dụng kết quả chung, tuy nhiên đề thi vẫn ra theo phương pháp tự luận. Dự định đến năm 2005 sẽ ra đề thi bằng phương pháp trắc nghiệm khách quan và năm 2007 sẽ tổ chức phối hợp kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học. Năm 2003, Bộ GD&ĐT đã thành lập “Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đào tạo” để chỉ đạo và điều phối việc thi cử ở mọi cấp học và hoạt động kiểm định trường đại học. Từ năm 2006, hình thức thi trắc nghiệm bắt đầu được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học với môn Ngoại ngữ. Đến năm 2007, hình thức thi trắc nghiệm được áp dụng thêm cho các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.

3.1.3.   Ưu điểm và hạn chế của kỳ thi “3 chung”

a)      Ưu điểm:

So với trước năm 2002, mỗi trường tổ chức tuyển sinh đại học riêng thì thi “3 chung” là một tiến bộ, hợp với xu thế chung của nhiều nước phát triển trên thế giới. Có thể nêu các ưu điểm sau đây của thi “3 chung”:

-        Tạo sự  bình đẳng về cơ hội dự thi của mọi thí sinh  trong cả nước: thí sinh ở mọi miền đất nước có thể ghi tên dự thi vào một số trường đại học bất kỳ mà họ muốn và thi ở một địa điểm thi gần nhất, tạo cơ hội cho các thí sinh không trúng tuyển vào ngành này, trường này nếu điểm còn cao có thể được xét tuyển sang các trường còn thiếu chỉ tiêu hoặc chưa tuyển đủ.

-        Tăng khả năng đảm bảo chất lượng đề thivì có thể sử dụng nhiều chuyên gia giỏi trong cả nước để chuẩn bị tốt đề thi.

-        Giảm gánh nặng cho các trường đại học cao đẳng, đặc biệt là các trường nhỏ, tuyển sinh ít, vì thông thường các trường này phải bù thêm kinh phí cho tuyển sinh vì lệ phí không đủ chi nếu tự tổ chức thi tuyển sinh riêng.

b)      Hạn chế:

Cách bố trí cứng các môn thi trong các khối thi không đủ mềm dẻo linh hoạt cho khâu xét tuyển của nhiều trường. Nếu thi thống nhất hai hoặc ba môn thi bắt buộc và bổ sung một vài môn tự chọn thì công tác tổ chức thi và tuyển chọn có thể đơn giản hơn.

Việc tổ chức thi chưa được thực hiện theo định hướng áp dụng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại. Cụ thể là chọn phương pháp ra đề thi và quy trình làm đề trắc nghiệm khách quan chưa đạt yêu cầu mong muốn, do vậy kết quả thi chỉ có hiệu lực trong năm tuyển sinh dù việc tổ chức kỳ thi rất nặng nề tốn kém.

Các mẫu câu hỏi trắc nghiệm khách quan được sử dụng chưa cho phép đánh giá tốt các mục tiêu học tập cao, chẳng hạn một số đề chỉ dùng loại câu hỏi nhiều lựa chọn đơn, không dùng loại câu hỏi có bảng số liệu hoặc mô tả thí nghiệm cho phép đánh giá tốt khả năng suy luận.

Đối với các đề tự luận, vì yêu cầu chấm xong trong một thời gian ngắn nên phải huy động nhiều giáo viên từ nhiều nguồn khác nhau và trình độ không đồng đều. Để đảm bảo công bằng, bảng điểm của đề thi thường ra dưới dạng đếm ý để tính điểm, vô hình chung đã biến một đề tự luận (có thể là tốt) thành một đề trắc nghiệm khách quan không đạt chất lượng (vì không được thiết kế từ đầu theo kiểu trắc nghiệm khách quan).

1.          Nội dung phương án tuyển sinh

Căn cứ trên các phân tích đã nêu ở phần tổng quan, trong phần này chúng tôi đưa ra các đề xuất cho việc cải tiến quá trình tuyển sinh ĐH, CĐ tại Việt Nam. Các đề xuất tập trung vào các vấn đề cụ thể như nguyên tắc, phương án, mô hình và lộ trình thực hiện cải tiến tuyển sinh

1.1.  Nguyên tắc của quá trình tuyển sinh

-        Quá trình tuyển sinh gồm 2 phần: đánh giá năng lực và xét tuyển.

-        Phần đánh giá năng lực cần đánh giá được kiến thức, kĩ năng cần thiết để học đại học của thí sinh.

-        Việc xét tuyển cần có tính toàn diện và thể hiện yêu cầu đặc thù của từng ngành, trường, vùng. Các tiêu chí xét tuyển bao gồm kết quả đánh giá năng lực và các tiêu chí phù hợp khác thể hiện tính tự chủ của các đơn vị trong công tác tuyển chọn.

-        Việc đánh giá năng lực thí sinh cần được thực hiện bởi một đơn vị chuyên trách. Đơn vị này có trách nhiệm xây dựng, quản lý ngân hàng đề thi và chủ trì, phối hợp tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực thí sinh.

Công nghệ tuyển sinh được thể hiện qua sơ đồ sau:

Đề án tuyển sinh của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 2
 

1.1.         Công tác tổ chức thi

a)      Công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi

Với mục tiêu của đề án, ĐHQG-HCM đề xuất thống nhất một kỳ thi trong đó có các môn thi cơ bản (bao gồm kiến thức và năng lực tư duy) để đánh giá năng lực của thí sinh. Công tác tổ chức thi được thực hiện cụ thể theo các bước cơ bản như sau:

-      Bước 1: thông tin về kỳ thi và phương thức thi

* Thông tin về phương thức tuyển sinh: đánh giá và điều kiện xét tuyển.

*  Trường, ngành/nhóm ngành, chỉ tiêu.

-      Bước 2:  thí sính đăng ký dự thi theo mẫu hồ sơ ĐKDT

*  Tại sở Giáo dục và Đào tạo, các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi qua 2 hình thức trực tuyến và nộp hồ sơ giấy.

*  Thời gian: tháng 2 – 3 và tháng 9 -10 hàng năm.

-      Bước 3: tổng hợp cơ sở dữ liệu ĐKDT của thí sinh

*  Sở GD&ĐT phối hợp và truyền dữ liệu với các trường ĐH, CĐ.

*  Tổng hợp thống nhất cơ sở dữ liệu dùng chung dữ liệu các trường cùng thi chung kỳ thi đánh giá năng lực.

-      Bước 4: thông tin đến thí sinh (qua thư điện tử và giấy báo thi)

*  Số báo danh, hội đồng thi, ngày thi.

*  Mã ngành dự thi, xét tuyển (các điều kiện kèm theo).

-      Bước 5: tổ chức thi đánh giá năng lực tại các Hội đồng thi

*  Theo qui chế/qui định chung của đơn vị khảo thí ra đề thi.

*  Thời gian: tháng 7 và tháng 11 hàng năm.

-      Bước 6: chấm thi và xử lý kết quả thi

*  Đơn vị khảo thí ra đề thi phối hợp với các hội đồng thi các trường ĐH,CĐ.

*  Công bố kết quả, sử dụng chung kết quả thi.

-      Bước 7: xét tuyển

*  Theo kế hoạch của từng trường ĐH, CĐ.

*  Dùng chung kết quả thi năng lực làm một trong các tiêu chí xét tuyển.

b)      Điều chỉnh lại phương thức đánh giá năng lực thí sinh  

Việc đánh giá năng lực thí sinh sẽ dựa chủ yếu vào trắc nghiệm thành quả học tập. Các câu hỏi được xây dựng trên cơ sở chương trình trung học phổ thông. Bên cạnh đó bổ sung thêm một phần gồm các câu hỏi trắc nghiệm năng lực.

Các môn thi được cơ cấu lại bao gồm: Toán & Logic, Tiếng Việt, Khoa học tự nhiên (liên quan đến các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học),  Khoa học xã hội (liên quan đến các môn Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân) và Ngoại ngữ (liên quan đến một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung, Nga, Đức).

-        Các đề Toán-logic Tiếng Việt sử dụng phương pháp trắc nghiệm khách quan kèm phần tự luận ngắn. Phần tự luận của đề Toán nhằm đánh giá năng lực suy nghĩ chính xác và kỹ năng tính toán trong các vấn đề toán học. Phần tự luận của đề Tiếng Việt nhằm đánh giá năng lực xây dựng ý tưởng, khả năng diễn đạt cũng như vốn từ ngữ tiếng Việt (sẽ có quy định để thí sinh viết không quá dài).

-        Các đề Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội được ra dưới dạng tích hợp các môn tương ứng Vật lý, Hóa học, Sinh học và Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân, sử dụng phương pháp trắc nghiệm khách quan.

-        Các đề Ngoại ngữ có hình thức câu hỏi trắc nghiệm khách quan.

-        Mọi thí sinh đều phải thi hai môn công cụ là Toán - logic Tiếng Việt, và được chọn một trong ba môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội hoặc Ngoại ngữ tùy theo các lĩnh vực đào tạo, dựa vào quy định của các trường đại học. Sau khi sơ tuyển, thí sinh dựa vào kết quả 3 môn chính nói trên (có thể theo một tổ hợp có hệ số), các trường có thể xét tuyển kết hợp với các thông tin khác hoặc tổ chức thêm một kỳ đánh giá chung tuyển bằng phương pháp tự luận hoặc vấn đáp (vì số thí sinh đã qua sơ tuyển là không quá đông). Nếu 3 môn chính không có môn Ngoại ngữ thì thí sinh có thể thi thêm môn Ngoại ngữ như là môn nhiệm ý, để cộng điểm vào tổng các môn thi.

Các môn thi lựa chọn như trên vừa thỏa mãn được yêu cầu chung của mọi phương hướng học thuật là khả năng sử dụng ngôn ngữ và tính toán thông dụng, vừa đáp ứng được hai hướng lớn quan trọng về ngành nghề là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Phần tự luận ngắn trong hai đề Toán - logic và Tiếng Việt vừa giúp đánh giá thêm khả năng viết và giải quyết vấn đề của thí sinh, đồng thời không đòi hỏi quá tải trong việc chấm các bài tự luận. Việc qui định viết ngắn đối với câu hỏi Tiếng Việt buộc thí sinh phải suy nghĩ cẩn thận nhằm lựa chọn bố cục, cân nhắc chín chắn khi diễn đạt để thể hiện khả năng viết cô đọng. Việc lựa chọn các môn thi như trên cũng làm cho học sinh trung học phổ thông không học lệch, tạo được các định hướng chung nhất về ngành nghề của bản thân trong tương lai.

c)       Công tác xét tuyển

Các trường được tự chủ trong quá trình xét tuyển. Việc xét tuyển được thực hiện dựa trên các tiêu chí:

-        Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.

-        Các tiêu chí khác do từng trường qui định: kết quả học tập THPT, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, thành tích các hoạt động ngoại khóa, bài luận, phỏng vấn, đánh giá của thầy cô, cá nhân hoặc đơn vị về học sinh, …).

Quy trình xét tuyển và thông tin chi tiết phải được công khai và thông tin đến thí sinh trước kỳ thi.

1.2.   Xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi

a)      Áp dụng khoa học đo lường và đánh giá trong giáo dục để xây dựng ngân hàng câu hỏi

Quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm hoặc làm đề thi cho kỳ thi đánh giá năng lực thí sinh phải được thực hiện theo đúng nguyên tắc khoa học, gồm các bước:

-        Xây dựng mục tiêu kiến thức cụ thể cần đánh giá của mỗi môn học qua bảng đặc trưng nội dung/mục tiêu.

-        Phân công viết câu trắc nghiệm theo các yêu cầu cụ thể về nội dung và mục tiêu đã xác định, ứng với các ô của bảng đặc trưng nội dung/mục tiêu.

-        Tổ chức trao đổi trong nhóm chuyên gia để điều chỉnh các câu hỏi.

-        Tổ chức đọc duyệt, biên tập và đưa các câu hỏi trắc nghiệm lưu vào các kho dữ liệu trong máy tính. Khi người đọc duyệt phát hiện các sai sót về chuyên môn hoặc về quy tắc chế tác câu hỏi trắc nghiệm thì trao đổi lại với tác giả để tác giả chỉnh sửa. Cuối bước này sẽ thu được một tập hợp các câu hỏi trắc nghiệm đã được chỉnh sửa ở mức độ nhất định với nhiều thông số đặc thù gắn với từng câu hỏi và lưu trong máy tính. Tuy nhiên, đó chưa phải là ngân hàng câu hỏi vì các câu hỏi chưa được thử nghiệm và phân tích.

-        Lập các đề trắc nghiệm thử và tổ chức trắc nghiệm thử trên các nhóm thí sinh, các nhóm này là các "mẫu” đại diện cho tổng thể đối tượng thiết kế. "Trắc nghiệm thử" được  hiểu là một khâu trung gian trong quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi, trong thực tế phải tạo tình huống như thi thật để đánh giá chính xác chất lượng các câu hỏi.

-        Chấm và phân tích thống kê các kết quả trắc nghiệm thử để xác định tính chất và phân loại các câu hỏi theo các đặc trưng như độ khó, độ tin cậy, độ phân biệt. Xử lý các câu hỏi chất lượng kém: hoặc là chỉnh sửa, hoặc là loại bỏ nếu chất lượng quá kém không thể chỉnh sửa được. Các câu hỏi được chỉnh sửa xong được đưa vào kho lưu trữ. Qua bước này một ngân hàng câu hỏi bắt đầu hình thành. Việc tổ chức trắc nghiệm thử và tu chỉnh các câu hỏi có thể tổ chức rất nhiều lần, qua mỗi lần một số câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi được chỉnh sửa, hoàn thiện và ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm được bổ sung.

-        Đề thi trắc nghiệm chính thức phải có cấu trúc rõ ràng, thể hiện bởi một bảng đặc trưng nội dung/mục tiêu và phải  được xây dựng trên cơ sở ngân hàng câu hỏi đầy đủ về cả số lượng và chất lượng.

Sau khi thiết kế được một đề trắc nghiệm đáp ứng các nội dung/mục tiêu, từ một đề trắc nghiệm có thể tạo ra nhiều phiên bản đề tương đương có cùng nội dung nhưng hình thức khác nhau nhằm hạn chế tối đa khả năng không trung thực của thí sinh. 

Để khắc phục các hạn chế của phương pháp trắc nghiệm khách quan (không đánh giá được khả năng diễn đạt và  khả năng tư duy sáng tạo ở mức độ cao), đề thi cho hai môn công cụ sẽ có một/một số câu hỏi tự luận ngắn.

Việc thiết kế các câu hỏi tự luận cũng được thực hiện theo các bước từ 1 đến 4 trình bày ở mục 2 để đảm bảo chất lượng. Câu hỏi tự luận sẽ chỉ là một phần trong đề thi của một môn, nên chỉ tập trung đánh giá khả năng suy luận và tư duy sáng tạo ở mức độ cao, không đánh giá các mục tiêu học tập thấp, do vậy trong câu hỏi tự luận cần nêu rõ các mục tiêu học tập cao sẽ được ưu tiên đánh giá. Đi kèm với mỗi câu hỏi tự luận phải có bảng điểm và hướng dẫn tiêu chí chấm điểm. 

b)      Xây dựng đơn vị khảo thí chuyên trách

-        Phương án 1:

*  Xây dựng một trung tâm chuyên trách về khảo thí của quốc gia. Có thể dựa trên nền của Cục khảo thí và KĐCLGD nhưng bổ sung thêm nhân lực và điều kiện cơ sở vật chất, hỗ trợ tài chính để trung tâm này có thể đảm nhận được nhiệm vụ.

*  Trung tâm khảo thí quốc gia sẽ đảm nhiệm việc xây dựng đề thi, tổ chức thi trên phạm vi toàn quốc. Kết quả thi của thí sinh sẽ được sử dụng để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

-        Phương án 2:

*  Tương tự như phương án 1 nhưng giao nhiệm vụ xây dựng trung tâm (cùng với các điều kiện đảm bảo về cơ chế, cơ sở vật chất, tài chính) cho các đại học lớn có năng lực và kinh nghiệm khảo thí tốt, chẳng hạn như Đại học quốc gia.

*  Có thể xem xét xây dựng hai trung tâm tại hai thành phố lớn: TT Hà Nội đảm nhận công tác khảo thí cho các tỉnh khu vực phía Bắc. TT TP. HCM đảm nhận công tác khảo thí cho khu vực các tỉnh phía Nam.

-        Phương án 3:

*  Thành lập các nhóm trường cùng phối hợp tổ chức tuyển sinh, trong đó có một trường làm nòng cốt xây dựng bộ phận chuyên trách về khảo thí, đảm nhận việc xây dựng ngân hàng đề thi, phối hợp với các trường trong nhóm tổ chức thi, chấm thi, xét tuyển.

1.3.  Hệ thống thông tin trong tuyển sinh

a)      Cổng thông tin tuyển sinh ĐH, CĐ

Công tác tuyển sinh ĐH, CĐ là một hoạt động đòi hỏi sự giao tiếp trên diện rộng và liên tục giữa nhà trường và thí sinh. Các trường thường phải tăng cường giao tiếp với thí sinh bằng cách tổ chức một đội ngũ lớn, mất nhiều thời gian chuẩn bị và các hoạt động truyền thông không ít tốn kém. Do đó, việc tin học hóa hoạt động tuyển sinh theo hướng hỗ trợ các giao tiếp giữa nhà trường với thí sinh, gia đình thí sinh và xã hội sẽ làm giảm được nhiều công sức và chi phí chí cho các trường ĐH, CĐ, các thí sinh tham dự các kỳ thi. Xây dựng cổng thông tin tuyển sinh ĐH, CĐ (CTTTS) sẽ là một giải pháp hiệu quả nhất để hỗ trợ các hoạt động trên. CTTTS ĐH, CĐ tuyển sinh sẽ cung cấp cho nhà trường, thí sinh thông tin tuyển sinh nhanh chóng, đầy đủ, chính xác và có thể giảm thiểu những sai sót không mong muốn.

CTTTS ĐH, CĐ là một mô hình trực tuyến cần thiết kế đòi hỏi đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về hướng dẫn thủ tục đăng ký dự thi, biểu mẫu đăng ký, đăng ký trực tuyến, văn bản pháp quy, thu lệ phí, xét tuyển, thống kê dữ liệu và cung cấp kết quả thi thông qua mạng internet. Ngoài ra, CTTTS ĐH, CĐ còn là một hệ thống liên kết dữ liệu tuyển sinh trực tuyến giữa các trường nhằm hỗ trợ thông tin đầy đủ hơn cho các trường để có phương án tuyển sinh hợp lý nhất theo nhu cầu mỗi trường.

b)      Cấu trúc chính của cổng thông tin tuyển sinh ĐH, CĐ

-        Các trang thông tin chính

*  Trang giới thiệu thông tin chung công tác tuyển sinh của trường (tin tức tuyển sinh, thông báo tuyển sinh)

*  Trang quy chế/văn bản pháp qui hiện hành.

*  Trang tra cứu thông tin:

+  Mã trường, mã ngành/khối thi, chỉ tiêu/tỉ lệ chọi.

+  Danh mục quận huyện, tỉnh thành, khu vực, đối tượng

+  Điểm chuẩn, xét tuyển (các ngành xét tuyển trong hệ thống)

+  Biểu mẫu hồ sơ dự thi (hồ sơ giấy).

*  Trang đăng ký dự thi:

+  Đăng ký dự thi trực tuyến.

+  Đăng ký xét tuyển (các ngành xét tuyển trong hệ thống theo từng trường)

+  Tải hồ sơ đã đăng kí dự thi

*  Trang kết quả tuyển sinh:

+  Đề thi, đáp án

+  Tra cứu điểm thi

                                     + Kết quả xét tuyển

-        Trang Quản trị hệ thống:

* Trang quản trị cổng thông tin

*  Trang báo cáo thống kê

1.4.     Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với ĐHQG-HCM trong việc thực hiện đề án TTSĐH

Khi thực hiện Đề án đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng, ĐHQG-HCM đứng trước các cơ hội và thách thức như sau:

a)      hội:

-        Giáo dục đại học nước ta đã phát triển mạnh về quy mô, số lượng thí sinh tham gia tuyển sinh đông, thuận lợi cho việc tổ chức các kỳ thi tuyển sinh tiêu chuẩn hóa quy mô lớn. 

-        Luật Giáo dục đại học quy định “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”.

-        Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI  đã đặt ra cho ngành giáo dục nhiệm vụ: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Đổi mới phương thức tuyển sinh đại học theo hướng kết hợp kết quả giáo dục phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo”.

b)      Thách thức:

-        Tuyển sinh đại học có tác động lớn đến xã hội, những sơ suất khó tránh khỏi dù nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện sau này và uy tín của ngành giáo dục.

-        Muốn tổ chức quá trình tuyển sinh tốt cần nắm vững công nghệ đo lường giáo dục hiện đại và có công cụ để ứng dụng chúng.

c)       Thuận lợi:

-        Hơn 10 năm, dưới sự chỉ đạo chung của Bộ GDĐT, các trường đại học, cao đẳng, Cục khảo thí và KĐCLGD và các đơn vị khác thực hiện tốt kỳ thi tuyển sinh chung trên phạm vi toàn quốc.

-        Hiện nay, ở nước ta đã có một số chuyên gia và đơn vị có nghiệp vụ và công cụ hoạt động trong lĩnh vực đo lường và đánh giá trong giáo dục, có thể huy động cộng tác.

d)      Khó khăn:

-        Hiểu biết của nhân dân, của cộng đồng giáo dục và một bộ phận các nhà quản lý, lãnh đạo giáo dục về đo lường và đánh giá trong giáo dục còn hạn chế, đòi hỏi phải có biện pháp tuyên truyền và thuyết phục về việc áp dụng các công nghệ mới.

-        Đa số giáo viên, giảng viên chưa thành thạo trong việc viết câu hỏi trắc nghiệm khách quan để đo lường các mục tiêu học tập cao, cần phải tổ chức tập huấn, xây dựng lực lượng.

-        Cần đầu tư kinh phí khá lớn để xây dựng đơn vị chuyên trách về thi tuyển, xây dựng ngân hàng câu hỏi, xây dựng các cơ sở hạ tầng cho công tác tuyển sinh. Việc vận hành của phương thức tuyển sinh mới củng đòi hỏi chi phí lớn.

1.5.      Lộ trình thực hiện đề án

Để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện công tác cải tiến tuyển sinh, cần phải từng bước chuẩn bị đề án, có kế hoạch triển khai chi tiết các khâu: nhân sự, qui trình thực hiện, xây dựng ngân hàng câu hỏi, hệ thống văn bản qui chế, qui định, các điều kiện về cơ sở vật chất, các yếu tố đảm bảo chất lượng, sự công bằng của phương thức tuyển sinh đề xuất.

a.       Xây dựng đề án (năm 2014)

-      Hoàn thiện dự thảo đề án.

-      Tổ chức hội thảo về cải tiến tuyển sinh ĐH, CĐ.

-      Hoàn thiện đề án

b.       Xây dựng các cơ sở để thực hiện đề án (năm 2014)

-      Tổ chức bộ máy, nhân sự.

-      Tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ.

-      Xây dựng, đánh giá ngân hàng câu hỏi.

-      Xây dựng hệ thống văn bản quy chế, quy định.

-      Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ tuyển sinh.

-      Tổ chức thi thử, tổng kết và đánh giá.

-      Công bố thông tin tuyển sinh.

c.       Bắt đầu áp dụng hình thức tuyển sinh mới (năm 2015).

-      Bước đầu áp dụng phương thức tuyển sinh mới cho một số ngành/trường.

-      Đánh giá, hiệu chỉnh phương thức mới.

-      Phát triển ngân hàng câu hỏi.

d.       Áp dụng toàn diện phương thức tuyển sinh mới (từ năm 2016)

-      Áp dụng toàn diện phương thức tuyển sinh mới.

-      Củng cố và phát triển ba mảng: quản lý, xây dựng ngân hàng câu hỏi và hệ thống thông tin phục vụ tuyển sinh.

2.          Tính khả thi của đề án

2.1.      Nhân lực

 ĐHQG-HCM có đội ngũ cán bộ, giảng viên mạnh về chất lượng và số lượng trong các lĩnh vực về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn đến các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, kinh tế, quản lý... Hiện nay, ĐHQG-HCM có tổng số cán bộ, viên chức là 5.625 trong đó có 249 Giáo sư – Phó giáo sư, 1.087 tiến sỹ, 1.869 thạc sỹ.

Đối với các môn cơ bản, ĐHQG-HCM cũng là một trong các trung tâm đào tạo lớn, có truyền thống lâu đời với nhiều giảng viên tâm huyết, nhiều kinh nghiệm. Số lượng giảng viên của một số môn cơ bản như sau: Toán (151 GV), Vật lý (189 GV), Hoá học (139 GV), Sinh học (301 GV), Tin học (240 GV), Văn (45 GV), Lịch sử (41 GV), Địa lý (30 GV), Anh văn (59 GV), Pháp (16 GV), Nga (17 GV), Đức (13 GV), Trung (28 GV)… Ngoài ra, các cơ sở đào tạo trong ĐHQG-HCM đều có các Khoa cơ bản, bộ môn ngoại ngữ, trung tâm ngoại ngữ có thể tham gia vào công tác xây dựng đề thi, tổ chức thi, chấm thi (trắc nghiệm, tự luận).

ĐHQG-HCM cũng có đội ngũ chuyên gia mạnh về công nghệ thông tin, thiết kế các phần mềm phục vụ công tác tổ chức thi, chấm thi, xét tuyển…

Ngoài ra, ĐHQG-HCM cũng có mối quan hệ, hợp tác chuyên môn với đội ngũ cán bộ, giảng viên của Sở Giáo dục & Đào tạo và các trường THPT tại Tp.HCM như: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Trường PTTH Nguyễn Thượng Hiền, Trường THPT Gia Định,… Đội ngũ cán bộ, giảng viên này có thể tham gia vào các bộ phận chuyên môn của đề án: xây dựng đề thi, tổ chức thi, chấm thi (trắc nghiệm, tự luận).

2.2.     Cơ sở vật chất và trang thiết bị 

Với điều kiện cơ sở vật chất hiện tại, ĐHQG-HCM đủ năng lực thực hiện đề án cải tiến tuyển sinh: phòng làm việc, máy tính, các phần mềm chuyên dụng và nhiều máy chấm thi trắc nghiệm đang được sử dụng tốt tại các đơn vị thành viên, trực thuộc.

Trong thời gian tới, theo kế hoạch triển khai của đề án, ĐHQG-HCM tiếp tục đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, các phầm mềm chuyên dụng phục vụ tốt nhất cho công tác đổi mới tuyển sinh.

ĐHQG-HCM sẽ xây dựng và cung cấp các điều kiện làm việc cần thiết cho Ban điều hành, các bộ phận liên quan của đề án:

-      Phòng làm việc cho Ban điều hành đề án và các bộ phận chuyên môn.

-      Các phòng được trang bị phương tiện làm việc như bàn, ghế, máy tính nối mạng, ...

-      Phòng họp và thảo luận nhóm.

-      Máy quét và chấm bài trắc nghiệm, phần mềm chuyên dùng trong công tác biên soạn, xử lý thống kê, chấm thi trắc nghiệm,...

2.3.     Nguồn lực tài chính

Trong giai đoạn xây dựng Đề án, ĐHQG-HCM có đủ nguồn lực về tài chính để trang trải cho các hoạt động từ khâu chuẩn bị đến các khâu triển khai công tác tuyển sinh của Đề án. Lãnh đạo ĐHQG-HCM đã cam kết hỗ trợ kinh phí để Đề án hoạt động.

Về lâu dài, để có đủ kinh phí đảm bảo cho hoạt động công tác tuyển sinh, ĐHQG-HCM sẽ thực hiện nguyên tắc lấy thu bù chi, đảm bảo đáp ứng đủ kinh phí cho hoạt động tuyển sinh. Các nguồn thu này có thể lấy từ các nguồn kinh phí sau đây:

-           Các khoản lệ phí tuyển sinh từ các thí sinh tham gia thi tại ĐHQG-HCM.

-           Sự hỗ trợ về tài chính từ các trường ĐH, CĐ phối hợp thực hiện đề án.

Như vậy, ĐHQG-HCM có đủ nguồn lực về tài chính để đảm bảo triển khai hoạt động tuyển sinh theo phương thức mới, sử dụng tối đa nguồn tài chính có được để xây dựng và phát triển một cách tốt nhất và mang lại hiệu quả trong quá trình triển khai hoạt động tuyển sinh của ĐHQG-HCM theo lộ trình  tuyển sinh mới.

2.4.     Kinh nghiệm áp dụng thi trắc nghiệm khách quan

Tại ĐHQG-HCM, Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo được thành lập năm 1999. Ngay từ ngày đầu thành lập, Trung tâm này đã bắt tay vào nghiên cứu, xây dựng, ứng dụng thi trắc nghiệm trong khảo thí nói chung và tuyển sinh nói riêng. Kết quả đã xây dựng được ngân hàng các câu hỏi trắc nghiệm khách quan cho 11 môn học (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Anh, Pháp, Nga, Trung), mỗi môn học có 500 câu hỏi trắc nghiệm. Ngân hàng này đã chuyển giao cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục năm 2003.

Các trường đại học thành viên của ĐHQG-HCM cũng tích cực áp dụng thi trắc nghiệm khách quan trong công tác đào tạo. Đội ngũ ra đề, quản lý đề thi, quy trình ra đề, quản lý đề, quy trình chấm thi, lưu trữ đã được triển khai và chuẩn hóa ở hầu hết các trường đại học thành viên của ĐHQG-HCM.

Có thể thấy, kinh nghiệm của ĐHQG-HCM  trong việc áp dụng thi trắc nghiệm khách quan là rất phong phú, và chắc chắn kinh nghiệm này sẽ giúp ĐHQG-HCM triển khai thành công mô hình tuyển sinh mới.

3.          Kết luận và kiến nghị

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Luật Giáo dục đại học, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đảng bộ Đại học Quốc gia TPHCM, ý thức được tầm quan trọng của công tác tuyển sinh, ĐHQG-HCM đã xây dựng Đề án cải tiến tuyển sinh đại học cao đẳng. Với những nghiên cứu tổng quan và phân tích tình hình tuyển sinh đại học ở Việt Nam và thế giới, trên cơ sở lý thuyết đo lường giáo dục hiện đại, Đề án đã đưa ra được các nguyên tắc cơ bản của quá trình tuyển sinh, đề xuất mô hình tuyển sinh mới với công tác tổ chức, các giải pháp điều chỉnh đánh giá năng lực thí sinh và hệ thống thông tin tuyển sinh. Đề án cũng đã phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của mô hình tuyển sinh được xây dựng và lộ trình thực hiện mô hình tuyển sinh này.

Những phân tích trên cho thấy mô hình tuyển sinh mới là một mô hình tiên tiến, phù hợp và hiệu quả; mô hình này có thể áp dụng không chỉ trong công tác tuyển sinh của ĐHQG-HCM, mà có thể áp dụng trong phạm vi rộng lớn hơn nhiều, như quy mô vùng, hoặc cả nước hoặc áp dụng mô hình này cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, tiến đến một kỳ thi chung dùng kết quả để xét tuyển cho nhiều trường ĐH,CĐ trên cả nước.

Đại học Quốc gia TPHCM sẽ ghi nhận và xem xét tất cả các ý kiến đóng góp xây dựng cho đề án, đồng thời tin tưởng vào sự ủng hộ của xã hội, của các chuyên gia, của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với đề án này.

Đại học Quốc gia TPHCM trân trọng báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.     

KT. GIÁM ĐỐC

PHÓ GIÁM ĐỐC

Nguyễn Hội Nghĩa

Phụ lục

Phụ lục 1: Kế hoạch triển khai đề án cải tiến tuyển sinh đại học, cao đẳng

1.   Xây dựng đề án

Đề án tuyển sinh của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 3
 

2.  Xây dựng các cơ sở để thực hiện đề án (năm 2014)

Đề án tuyển sinh của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 4
 

3.  Bắt đầu áp dụng hình thức tuyển sinh mới (năm 2015)

Đề án tuyển sinh của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 5
 

4.   Áp dụng toàn diện phương thức tuyển sinh mới (từ năm 2016)

Đề án tuyển sinh của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 6
 

Phụ lục 2: Số ngành, chuyên ngành và trình độ đào tạo của ĐHQG-HCM

Với định hướng phát triển ổn định về qui mô đào tạo trình độ đại học đến 2015, ĐHQG-HCM đang đào tạo ở 89 ngành/nhóm ngành, có 84 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 108 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.

Thống kê số lượng ngành/chuyên ngành đào tạo của ĐHQG-HCM năm 2014

Stt

Đơn vị

Trình độ Tiến sĩ

Trình độ Thạc sĩ

Trình độ Đại học

Trình độ Cao đẳng

ĐHQG-HCM

84

108

89

2

1

Trường ĐH BK

29

35

16

1

2

Trường ĐH KHTN

31

31

13

1

3

Trường ĐH KHXH&NV

13

25

27

4

Viện MT&TN

4

2

5

Trường ĐH KT-L

4

7

13

6

Trường ĐH CNTT

2

2

7

7

Trường ĐH QT

1

6

12

8

Khoa Y

1

 

Phụ lục 3: Danh mục các nguồn lực (cơ sở vật chất, đội ngũ) của ĐHQG-HCM

a.  Điều kiện về đội ngũ giảng viên

Thống kê đội ngũ giảng viên theo trình độ tính đến 31 tháng 12 năm 2013

Thông tin

2010

2011

2012

2013

Tổng số quản lý

1500

2020

2172

2218

Tổng số cán bộ giảng dạy

2595

2793

2565

2608

Tổng số cán bộ nghiên cứu, kỹ sư, kỹ thuật viên

450

530

777

799

Tổng số

4545

5343

5514

5625

Trong đó,

Thạc sỹ

1393

1589

1769

1869

Tiến sĩ

726

831

1008

1087

GS-PGS

190

209

215

249

Năm 2013, tổng số cán bộ giảng viên và viên chức của ĐHQG-HCM là 5.625 người, trong đó có 249 Giáo sư – Phó giáo sư, 1.087 tiến sỹ, 1.869 thạc sỹ. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo hiện đang có đội ngũ cộng tác viên, chuyên gia có kinh nghiệm thực tế, tham gia trực tiếp giảng dạy các môn cơ sở ngành, chuyên ngành, thực hành, thực tập…

Bảng số liệu cán bộ, giảng viên một số môn cơ bản tại các trường thành viên, khoa trực thuộc ĐHQG-HCM

Stt

Môn

Số lượng giảng viên

1

Toán

151

2

Vật lý

189

3

Hoá học

139

4

Sinh học

301

5

Tin học

240

6

Văn

45

7

Lịch sử

41

8

Địa lý

30

9

Tiếng Anh

59

10

Tiếng Pháp

16

11

Tiếng Nga

17

12

Tiếng Đức

13

13

Tiếng Trung

28

ĐHQG-HCM tổ chức công tác tuyển sinh với số lượng ĐKDT, đảm bảo số lượng phòng thi, số lượng cán bộ coi thi, cụ thể qua các năm 2011 – 2013:

Stt

Trường

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

ĐKDT

Phòng thi

CBCT

ĐKDT

Phòng thi

CBCT

ĐKDT

Phòng thi

CBCT

1

ĐH BK

11.952

298

627

14.375

345

947

15.751

366

908

2

ĐH CNTT

1.987

65

159

2.347

74

167

3.712

120

265

3

ĐH KT-L

9.276

243

486

12.301

320

640

10.086

264

541

4

ĐHQT

3.445

133

176

4.044

146

320

3.887

142

284

5

ĐH KHTN

14.594

397

799

17.908

455

934

17.813

491

999

6

ĐH KHXH&NV

11.087

388

1.090

12.410

425

1123

13.907

479

1.278

7

Khoa Y

1.816

42

94

1.310

38

78

1.453

40

80

8

ĐHQG-HCM

54.157

1.566

3.431

64.695

1.803

4.209

66.609

1.902

4.355

b.  Điều kiện cơ sở vật chất

ĐHQG-HCM được xây dựng theo mô hình đô thị đại học hiện đại với diện tích 643,7 hecta tại khu quy hoạch Thủ Đức – Dĩ An.

Thống kê điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác triển khai đề án

Đơn vị

Tổng diện
tích đất (m2)

Diện tích sàn xây dựng Theo TT57

Tổng DT phòng đọc trong thư viện/T.tâm học liệu

Tổng số (m2)

DT HT, GĐ, Phòng học (m2)

DT Th.viện, TT Học liệu (m2)

DT PTN, TH, TT, XTH, Nhà tập ĐN (m2)

ĐH BK

412.300

107.107

53.320

2.263

51.524

1.836

ĐH KHTN

353.596

99.498

56.231

2.100

41.167

1.650

ĐH KHXH&NV

242.400

26.889

17.095

2.658

7.136

2.195

ĐH KT-L

108.968

13.582

12.481

740

361

740

ĐH CNTT

107.620

10.431

4.692

1.266

4.473

1.266

ĐHQT

53.900

7.820

5.564

278

1.975

278

Khoa Y

-

2.400

600

-

1.800

20

ĐHQG-HCM

1.278.784

267.727

149.983

9.305

108.436

7.985

c.   Kinh nghiệm công tác in sao đề thi tại ĐHQG-HCM từ 2010 - 2013

Sao đề thi hai đợt tuyển sinh đại học cho tổng cộng khoảng 60 trường đại học cao đẳng  trong đó có các trường trực thuộc ĐHQG-HCM và các trường khác trong khu vực TPHCM và Miền Đông Nam bộ.

Số lượng in sao đề thi tại ĐHQG-HCM từ 2010 – 2013, cụ thể như sau

Năm

Đợt 1

Đợt 2

Đợt 3

Cộng

Ghi chú

2010

103.300

93.363

105.580

302.243

đạt 101% so với 2009

2011

108.369

92.348

95.486

296.203

2011 đạt 98% so với 2010

2012

99.216

90.505

76.670

266.391

2013 đạt 90% so với 2011

2013

122.691

110.587

63.287

296.565

2013 đạt 111% so với 2012

d.  Kinh nghiệm công tác chấm thi trắc nghiệm và tự luận

Chấm thi trắc nghiệm: hàng năm được thực hiện tại các đơn vị có đầu tư máy, thiết bị sau

Stt

Đơn vị

Số lượng máy

Tên máy

Công suất

Nhân sự tham gia
(người)

Ghi chú

ĐHQG-HCM

9

1

TTKT&ĐGCLĐT

ĐHQG-HCM

2

CANON DR 5010C

50 tờ/phút

10

2

ĐHBK

2

FUJITSU FI-6140

40 tờ/phút

6

KODAK I2600

50 tờ/phút

2013

3

ĐH CNTT

1

KODAK I1210 PLUS SCANNER

60 tờ/phút

3

4

ĐHQT

1

CANON DR 5010C

50 tờ/phút

2

5

ĐH KHTN

2

CANON DR 5010C

50 tờ/phút

5

CANONDR 7550C

100 tờ/phút

6

ĐH KT-L

1

HP N9120

60 tờ/phút

2

Chấm thi tự luận: thực hiện nghiêm túc theo đúng qui trình, qui định.

XEM TOÀN VĂN ĐỀ ÁN TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ