Đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng nhóm được phép thuê nhà ở xã hội

GD&TĐ - Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đề nghị nên mở rộng nhóm được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương)
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương)

Chiều 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, nhiều nội dung trong dự thảo đã được bổ sung, hoàn thiện so với bản dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Góp ý về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị nên mở rộng nhóm được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn đầu tư.

Bởi khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, bước vào giai đoạn vận hành cho thuê mà chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng công nhân, người lao động chưa có nhu cầu thuê hết.

Khi đó, nhà cho thuê vẫn thừa mà nhiều nhóm khác thuộc Điều 76 có nhu cầu nhưng không thể thuê do không thuộc nhóm “công nhân, người lao động”.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, chỉ nên quy định “các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người lao động thuê”.

Quy định điều kiện các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và dự báo nhu cầu thực tế của công nhân, người lao động tại địa bàn đầu tư dự án.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, để đảm bảo sức khỏe, môi trường sống và điều kiện của công nhân, người lao động, cần quy định chặt chẽ các điều kiện về quy mô xây dựng nhà lưu trú, khoảng cách đảm bảo an toàn môi trường.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định “sau khi xét duyệt và cho thuê phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền quản lý theo định kỳ 1 lần/tháng”. Qua đó, nhằm tăng cường công tác quản lý của Nhà nước cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ đầu tư trong việc cho thuê nhà lưu trú công nhân.

Trong khi đó, đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng), dự thảo Luật quy định có 12 nhóm được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp là mục tiêu, định hướng chính sách cũng là tiêu chí quan trọng nhất trong việc xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở của Đảng và Nhà nước.

Đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng).

Đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng).

Ngày 3/4/2023, Thủ tướng đã ký Quyết định số 338 phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Mục tiêu của đề án là đến năm 2030 xây dựng được 1.000.000 căn nhà ở xã hội, trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn.

Căn cứ vào những định hướng chính sách của đề án nói trên, đại biểu cho rằng, quy định như Điều 76 dự thảo Luật là chưa hoàn toàn phù hợp, chưa xác định rõ và chưa đầy đủ nhóm được hưởng chính sách.

Trong đó, chính sách hỗ trợ quan trọng nhất là nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, hiện nay việc xác định thế nào là người có thu nhập thấp chưa được quy định cụ thể.

Do đó, đại biểu đề nghị cần cụ thể hóa tiêu chí người có thu nhập thấp đối với từng nhóm cụ thể.

Qua đó, đảm bảo chính xác, bao quát và công bằng đối với mọi nhóm được hưởng chính sách và có quy định các hình thức hỗ trợ phù hợp...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ