ĐBQH: Ngăn ngừa tình trạng "làm việc cho cây táo nhưng lại đi rào cây sung"

GD&TĐ - Ông cha ta có câu "ăn cây nào rào cây nấy", có một số đại biểu Quốc hội chuyên trách làm việc trước Quốc hội nhưng lại “không ăn cơm” Quốc hội”.

Toàn cảnh phiên làm việc sáng 26/3.
Toàn cảnh phiên làm việc sáng 26/3.

Viện dẫn khi phát biểu trước Quốc hội - sáng 26/3, đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) cho rằng, tình trạng này đang có tác động, ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Việc đề bạt, cân nhắc vẫn do cơ quan Chính phủ trực tiếp quyết định thì làm sao họ có thể toàn tâm, toàn ý hoạt động cho Quốc hội, toàn tâm, toàn ý vì lợi ích của nhân dân.

“Do vậy, tôi đề nghị, khi các đồng chí được chuyển về làm đại biểu Quốc hội chuyên trách thì toàn bộ chế độ, chính sách của đại biểu sẽ được áp dụng như mọi đại biểu Quốc hội chuyên trách khác, để phòng ngừa tình trạng "làm việc cho cây táo nhưng lại đi rào cho cây sung" – đại biểu Phùng Văn Hùng nói.

Đại biểu Phùng Văn Hùng.
Đại biểu Phùng Văn Hùng.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn TP Hà Nội) đề nghị, Quốc hội quan tâm, nghiên cứu thêm về vấn đề hậu giám sát một cách thiết thực, cụ thể, với các tiêu chí định lượng rõ ràng, các chỉ số đo khả tín, tạo niềm tin vững chắc hơn cho cử tri với công tác giám sát của Quốc hội.

Liên quan đến công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, đại biểu đoàn TP Hà Nội cho biết, mặc dù Đảng, Chính phủ các cấp đã rất tích cực xử lý những đơn thư nhưng vẫn còn những vụ việc kéo dài. Rất nhiều vụ việc đã có văn bản ngừng tiếp nhận đơn thư của các cấp, nhưng người dân vẫn tiếp tục gửi đơn, ý kiến và không muốn ra tòa.

“Về việc này, tôi nghĩ cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giám sát việc thực hiện pháp luật hơn nữa; cần nghiên cứu thêm các giải pháp hiệu quả hơn để không làm lãng phí thời gian của người dân, của đại biểu Quốc hội và các cơ quan có trách nhiệm giải quyết; đồng thời tạo thêm niềm tin của cử tri đối với Quốc hội” – đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan.

Đại biểu đoàn TP Hà Nội cho rằng, nên định hướng tăng cường, cân đối thêm thời lượng và phân bổ thời gian để thảo luận trên nghị trường Quốc hội cho các vấn đề quan trọng của đất nước ở tầm vĩ mô, tầm quốc gia, các mô hình tăng trưởng, các chính sách đối nội, đối ngoại của đất nước, các vấn đề cạnh tranh kinh tế, tài chính, địa chính trị; các vấn đề mang tính chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh, vì đây là những vấn đề rất quan trọng đối với một quốc gia, một dân tộc.

Đề cập đến vấn đề giám sát, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh, đây là vấn đề rất quan trọng. “Nhiều lúc tôi chứng kiến những đại án diễn ra nhưng những nhân vật có liên quan, những sự việc có liên quan đã từng tồn tại ở trong thực tiễn, mà nhiệm kỳ Quốc hội ấy không hề đề cập tới.

Đại biểu Dương Trung Quốc.
Đại biểu Dương Trung Quốc.

Vậy thì trách nhiệm của đại biểu Quốc hội ở nhiệm kỳ có xảy ra những sai sót đấy và ai chịu trách nhiệm về việc đó?” – đại biểu Dương Trung Quốc đặt vấn đề, đồng thời cho rằng, nếu chúng ta sáng suốt, phát hiện được thì sẽ ngăn chặn được và sẽ hạn chế thất thoát về tiền bạc, nhân lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ