Phát biểu tại phiên họp ngày 28/10 - Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng, nếu nhìn nhận giá đất theo biến động thị trường, không hẳn giá đất cao là không tốt, giá đất thấp là tốt, mà còn tùy vào mức độ cao thấp với từng phân khúc để phân tích, có phản ứng chính sách phù hợp giúp tăng thu ngân sách, đầu tư một cách tập trung và hợp lý.
Đại biểu nêu quan điểm, cần quan tâm và có chính sách tập trung vào phân khúc đất, nhà ở từ 2,5 tỷ đồng trở xuống, tránh đầu tư dàn trải.
Cần đảm bảo công khai, minh bạch trong thị trường, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các giao dịch bất động sản.
Về mặt thuế, chúng ta đã đề xuất nhiều lần về việc thiết lập thuế đối với cá nhân sở hữu nhiều nhà, nhiều tài sản, giờ đây là thời điểm chín muồi để áp dụng loại thuế này.
Về việc nguồn cung thấp, giá thành cao, đại biểu cho rằng, cần phân tích, đánh giá cụ thể nguyên nhân từ việc ách tắc liên quan đến thủ tục pháp lý; đồng thời bày tỏ hy vọng các luật có liên quan đến đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản cùng các văn bản pháp quy liên quan sẽ góp phần cải thiện tình trạng này.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) kiến nghị cần tập trung làm rõ các nguyên nhân, thực trạng đối với các dự án bất động sản đang có vướng mắc, bị đình trệ.
Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh, nguyên nhân của các dự án bất động sản đang bị đình trệ như: Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý thị trường bất động sản được ban hành tương đối đầy đủ, tạo khung pháp lý cho phát triển thị trường.
Tuy nhiên, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật chậm được ban hành, chất lượng chưa cao, chưa dự báo hết các vấn đề phát sinh và một số quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tế.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng nguyên nhân của các vướng mắc, tồn tại có thể do thiếu khung pháp lý, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện ở địa phương hoặc công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần đặt trọng tâm nhiệm vụ xem xét, tháo gỡ vướng mắc pháp lý đối với các dự án đang bị đình trệ. Không nên hợp thức hóa sai phạm, nhưng cũng cần nghiên cứu cách xử lý phù hợp đối với các công trình, dự án đã xảy ra sai phạm, tránh lãng phí nguồn lực.
Chính phủ cần đưa ra khung pháp lý đối với từng nhóm vướng mắc, giao thẩm quyền cho địa phương trong xử lý các dự án cụ thể, kể cả điều chỉnh quy hoạch để đưa các dự án vào khai thác, sử dụng phù hợp.
Tại Phiên họp, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng, nếu giá đấu giá không thực chất sẽ trở thành công cụ để lũng đoạn và thị trường buôn bán trở thành nơi để trục lợi và "chúng ta cần phải nghiêm trị".
Để khắc phục tình trạng bỏ cọc, trục lợi đối với thị trường bất động sản, đại biểu Dương Văn Phước đưa ra giải pháp cần tăng giá tiền đặt cọc theo từng vòng, theo lũy tiến để buộc người đấu giá phải cân nhắc khi bỏ cọc.
Cần phải có chế tài mạnh để cấm các doanh nghiệp tiếp tục đấu giá trên một số lĩnh vực. "Ví dụ như đấu giá vật liệu xây dựng, không cho họ đấu giá nữa. Có như vậy, chúng ta mới hạn chế được các trường hợp bỏ cọc", đại biểu Dương Văn Phước nói.