Tăng giá theo ngày, tăng giá theo giờ, mua nhanh kẻo hết - đó là những câu chuyện có thật đang diễn ra trên thị trường mua bán bất động sản trong thời gian gần đây.
Rủ nhau dừng mua nhà
Thời gian ngắn vừa qua, thông tin giá nhà chung cư tăng “chóng mặt” xuất hiện khắp mọi nơi. Căn hộ tăng giá vài trăm triệu, đến cả tỷ đồng, thậm chí có thống kê còn đưa ra con số giá tăng đến 15% chỉ trong một thời gian ngắn.
Trước sự tăng giá “chóng mặt” của thị trường bất động sản Hà Nội, nhiều người dùng Facebook đã lập group “Cộng đồng dừng mua nhà Hà Nội để tránh ngáo giá”. Việc làm này nhằm chia sẻ thông tin và trải nghiệm để mua nhà Hà Nội. Bên cạnh đó, một group có tên “Nhóm dừng bán nhà Hà Nội để chờ tăng giá” cũng xuất hiện, với đa số thành viên là người bán nhà và môi giới, nhằm trao đổi quan điểm mua bán.
Diễn đàn “Cộng đồng dừng mua nhà Hà Nội để tránh ngáo giá” tuy mới thành lập hơn 4 tháng, tính đến nay đã có gần 80.000 người tham gia, chỉ 1 tuần qua đã thêm hơn 20.000 thành viên mới.
Theo ghi nhận, trên các hội nhóm mạng xã hội này có trung bình khoảng từ 5 - 10 bài viết mỗi ngày. Phần lớn các thành viên chia sẻ những câu chuyện thực tế chung cư tăng giá sốc từ phía người mua và người bán.
Tài khoản Quang Đức cho rằng, thời gian qua, giá nhà đất lẫn chung cư tại Hà Nội có thể nói đang tăng phi mã, việc giá nhà chung cư tăng chóng mặt như thời gian qua thật sự là không hợp lý bởi giá tăng không có một cơ sở, căn cứ nào cả.
Tài khoản Lê Phương bày tỏ, kinh tế chưa có những khởi sắc rõ ràng, thu nhập việc làm của người dân thì chưa thực sự ổn định trở lại mà giá chung cư lại xuất hiện tình trạng “phập phù” như vậy là bất thường. Cái bất thường này có thể là do một số nhóm đầu cơ, môi giới đẩy giá, thổi giá…
Chị Trần Gia Thuý, môi giới bất động sản Hà Nội cho rằng, nhiều ý kiến bày tỏ giá bất động sản đang bị thổi, gây sốt… là từ “lời nói” của môi giới, song thông tin này thực sự khiến các “cò” cảm thấy bức xúc.
“Nhiều người nói rằng nhà đất đang bị thổi giá, giá nhà đất sốt... ở mồm môi giới, tôi cảm thấy như môi giới bị oan. Môi giới là người đóng vai trò kết nối, giá bán là do chủ nhà đưa ra, môi giới làm sao thổi được.
Tôi đưa khách đến hôm trước, thỏa thuận cơ bản là đồng ý rồi, hôm sau quay lại chủ nhà bất ngờ tăng giá, thậm chí có chủ nhà còn lắc đầu không bán nữa dù trước đó thì tha thiết bán. Không chốt được giao dịch, môi giới chỉ có chết đói, đến khổ với cơn loạn giá nhà này”, chị Thuý cho biết.
Cần có sự điều tiết thị trường
Theo báo cáo thị trường quý II/2024 của Bộ Xây dựng, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đã tăng trung bình khoảng 5 - 6,5% so với quý trước và tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này không chỉ xuất hiện ở những dự án mới mở bán mà còn xảy ra tại nhiều căn hộ cũ.
Ví dụ: Giá căn hộ tại Khu đô thị Royal City (Thanh Xuân) đã tăng 33% so với năm ngoái. The Pride (Hà Đông) cũng tăng tới 33%, Mỹ Đình Sông Đà - Sudico (Nam Từ Liêm) tăng tới 32%; Vinhomes West Point (Cầu Giấy) tăng 28%.
Một số dự án cũ hơn như Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy), giá chung cư cũng đã tăng 25%; khu chung cư tái định cư tại Nam Trung Yên (Cầu Giấy) cũng tăng tới 20%…
Để tìm kiếm những căn hộ có giá bán tăng chậm hơn, người mua sẽ phải di chuyển đến các khu vực xa trung tâm như dự án Bình Minh Garden Đức Giang (Long Biên); Le Grand Jardin Sài Đồng (Long Biên)... Tuy nhiên, giá bán căn hộ tại các dự án này cũng không dưới 3 tỷ đồng.
Chia sẻ với báo chí, Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc tăng giá một số phân khúc nhà đất tăng giá thời gian gần đây không phải là “sốt đất” mà là dấu hiệu bất thường mang tính cục bộ trên thị trường.
Theo ông Đính, trong bối cảnh bất động sản chưa hồi phục hoàn toàn, các dự án vẫn bị ách tắc, người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn mà vẫn diễn ra hiện tượng tăng giá và lại tăng tại các khu vực không có dự án mới là điều không bình thường. “Nhà đầu tư, người mua nhà ở thực cần thận trọng khi quyết định “xuống tiền” ở thời điểm hiện nay, tránh rơi vào ‘bẫy’ giá cao trên thị trường”, ông Đính khuyến cáo.
Nhiều chuyên gia khác cũng lo ngại giá chung cư tăng quá cao sẽ vượt quá sức mua của người dân. Đồng thời nhận định, việc tăng giá là chiêu trò của nhóm đầu cơ hoặc chủ đầu tư khi trong một dự án chỉ cần đẩy giá 1 - 2 căn hộ là có thể tạo mặt bằng giá mới cao hơn cho cả dự án. Thực chất, nhu cầu người mua không ở những căn hộ có giá “trên trời” nên lượng giao dịch thành công rất ít.
Trước đà tăng giá “phi mã” như trên, Nghị định 96/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/8, đã yêu cầu Bộ Xây dựng phải đề xuất các biện pháp điều tiết, khi chỉ số giá giao dịch bất động sản có sự biến động tăng, giảm trên 20% trong 3 tháng hoặc thị trường có các thay đổi ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.
Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cũng đã nêu rõ các biện pháp mà Nhà nước sẽ thực hiện để điều tiết thị trường bất động sản. Những biện pháp có thể kể đến như điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; điều chỉnh nguồn cung, cơ cấu thị trường; hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi đối với khách hàng, doanh nghiệp kinh doanh các loại hình bất động sản cần được hỗ trợ, ưu tiên phát triển…