ĐBQH đề nghị bỏ quy định cấm công chứng ngoài trụ sở

GD&TĐ - Nhằm cung cấp dịch vụ công đến với người dân một cách thuận lợi nhất, đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định cấm công chứng ngoài trụ sở.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Chiều 25/10, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Liên quan tới quy định về địa điểm công chứng, đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, việc có quy trình, thủ tục chặt chẽ hay không không liên quan đến việc phải công chứng tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

“Tại sao không thể công chứng hợp đồng tại địa điểm có tài sản là bất động sản được giao dịch (nhất là trong trường hợp cần xác minh) hay tại trụ sở/chi nhánh của ngân hàng trong trường hợp công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản, hợp đồng mua bán bất động sản cần thanh toán qua ngân hàng.

Việc tra cứu thông tin trên cơ sở dữ liệu công chứng cũng không nhất thiết phải diễn ra tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng. Hơn nữa, cho dù công chứng ở đâu thì dự thảo Luật cũng đã yêu cầu “Việc ký văn bản công chứng trước sự chứng kiến của công chứng viên phải được chụp hình và lưu trữ trong hồ sơ công chứng”- đại biểu Nguyễn Trường Giang lý giải.

Từ lập luận trên, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị bỏ quy định cấm công chứng ngoài trụ sở. Việc cho phép công chứng ngoài trụ sở cũng là biện pháp, giải pháp cung cấp dịch vụ công đến với người dân một cách thuận lợi nhất.

Với việc cho phép công chứng ngoài trụ sở cùng với bỏ quy định công chứng giao dịch bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh cũng là giải pháp để cung cấp dịch vụ công chứng đến người dân tại địa bàn chưa có tổ chức hành nghề công chứng, giúp những người dân ở những địa bàn này khi có nhu cầu có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ công chứng.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là mô hình tổ chức văn phòng công chứng (VPCC). Hiện đang có hai phương án: Phương án 1: đề nghị bên cạnh các VPCC được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như: Luật hiện hành, tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập VPCC theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ, VPCC còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Phương án 2: Một số ý kiến tán thành với phương án như Chính phủ trình, đề nghị kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định VPCC được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty hợp danh.

phanmydung-820-6183.jpeg
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An.

Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An tán thành phương án 1. Theo đại biểu, quy định VPCC phải có từ 2 công chứng viên hợp danh trở lên dẫn đến những bất cập, hạn chế mà báo cáo thẩm tra và nhiều ý kiến ĐBQH đã phân tích.

Bên cạnh đó, việc quy định tên gọi của VPCC theo quy định hiện hành phải bao gồm cụm từ “VPCC” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của VPCC cũng tạo ra nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này.

nguyenminhtam-565-2849.jpg
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc quy định theo phương án 1 sẽ mở rộng sự lựa chọn cho công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng, tạo thuận lợi cho việc phát triển Văn phòng công chứng ở những địa bàn vùng sâu vùng xa.

Tuy nhiên, để thuận tiện, thống nhất trong áp dụng, đại biểu tỉnh Quảng Bình đề nghị xem xét để quy định rõ về tiêu chí, nguyên tắc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, dịch vụ chưa phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.