Đại biểu Cao Thị Xuân – đoàn Thanh Hóa viện dẫn khi phát biểu thảo luận tại hội trường sáng nay (30/5).
Đại biểu cho biết, cơ sở vật chất các trường dân tộc nội trú xuống cấp, chậm được bố trí kinh phí đầu tư mới. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án củng cố phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú của giai đoạn 2011 - 2015 đề ra, mục tiêu sẽ xây mới 48 trường phổ thông dân tộc nội trú tại 22 tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Nhưng kết thúc giai đoạn thực hiện đề án mới chỉ hoàn thành 20 trường, 19 trường đang xây dựng dở dang, còn lại còn chưa được đầu tư. Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét giải quyết vấn đề này.
Cũng theo đại biểu Cao Thị Xuân, đối với phân luồng giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm, nếu đọc các số liệu về đào tạo nghề vẫn được địa phương cập nhật thường thấy tỷ lệ đẹp nhưng thực tế lao động nông dân, dân tộc thiểu số được đào tạo chủ yếu tập huấn, bồi dưỡng kèm cặp kiến thức dưới 3 tháng.
“Nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo nghề nhưng không ít trong số đó là đào tạo qua loa, lý thuyết, không gắn với thực hành, đào tạo không đi liền với sử dụng” – đại biểu Cao Thị Xuân nói.
Theo đại biểu, nếu tính trung bình những năm gần đây, ở vùng dân tộc thiểu số mỗi năm có khoảng trên 400.000 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó có khoảng 130.000 học sinh người dân tộc thiểu số. Phần lớn các em lại trở về bơ vơ giữa bản làng với công việc lao động chân tay đơn thuần, đối diện với nguy cơ nghèo đói và tệ nạn xã hội rình rập.
Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ để thực hiện phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS của vùng dân tộc thiểu số có cơ hội được đào tạo nghề.