Cần xem xét lại cách phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục

GD&TĐ - Đại biểu Nguyễn Trường Giang – đoàn Đắc Nông đề xuất như vậy.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang – đoàn Đắc Nông. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Trường Giang – đoàn Đắc Nông. Ảnh: quochoi.vn

Liên quan đến báo cáo quyết toán năm 2017, Đại biểu Nguyễn Trường Giang – đoàn Đắc Nông đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ và việc tổ chức thực hiện thu chi năm 2017 cũng như các kết quả đã được nêu trong báo cáo quyết toán cũng như báo cáo của kiểm toán và báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị nội dung liên quan đến chi cho giáo dục. Theo đại biểu, trong báo cáo Kiểm toán nhà nước đã nêu, chi cho giáo dục không đạt mức mà Quốc hội đã đặt ra là ít nhất 20%. Báo cáo kiểm toán chỉ ra là đạt 15,1%, cho khoa học công nghệ mới đạt được 0,68%.

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan có liên quan giải trình lý do. Liên quan đến việc bố trí không đủ vốn cho chương trình mục tiêu, tức là chỉ đạt 53%. Vấn đề này, đại biểu Giang cũng đề nghị các cơ quan báo cáo rõ nội dung này, tại sao lại như vậy.

Liên quan đến chi ngân sách cho giáo dục, tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) ngày 21/5, đại biểu Nguyễn Trường Giang cũng có góp ý: Tại Điều 93 dự thảo Luật quy định ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Đại biểu cho rằng, việc dành tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục trong thời gian qua cũng như thể hiện trong dự thảo luật, đó là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cho sự nghiệp giáo dục.

Tuy nhiên, theo đại biểu, thực tế trong thời gian qua, ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục rất khó khăn để đạt con số tối thiểu là 20%. Theo báo cáo kiểm toán nhà nước trong năm 2017 chỉ đạt được 88,2%. Cách phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục cần xem xét lại.

Đối với những tỉnh, thành phố khả năng xã hội hóa cao, cơ sở vật chất tương đối ổn định, thì nhu cầu đầu tư từ ngân sách Nhà nước không cấp bách bằng một số lĩnh vực khác. Trong khi đó, nhiều tỉnh nghèo, khó khăn trong việc xã hội hóa thì nhu cầu đầu tư cho giáo dục từ ngân sách Nhà nước rất lớn nên rất khó khăn.

“Tôi cho rằng, không nên luật hóa tỷ lệ chi từ ngân sách Nhà nước cho giáo dục mà nên quyết định cụ thể ngân sách Nhà nước cho giáo dục trong từng thời kỳ, ổn định ngân sách Nhà nước hàng năm. Luật này chỉ quy định nguyên tắc Nhà nước ưu tiên, bố trí ngân sách Nhà nước cho giáo dục” – đại biểu Giang đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ