Dạy và học VNEN: Cô, trò tự tin, thỏa sức sáng tạo

GD&TĐ - “Mẹ ơi! Hôm nay được đi học chưa? Con không thích nghỉ hè, con thích đến trường, con thích học VNEN…”. Thấy con nằng nặc đòi đi học VNEN, người mẹ trả lời: “Ừ thì mai đi học…”. 

Dạy và học VNEN: Cô, trò tự tin, thỏa sức sáng tạo

Cuộc đối thoại của hai mẹ con chị Đỗ Kim Quy và em Đặng Duy Nam - Lớp 5B Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai) khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Ấy vậy mà chuyện đòi đi học tưởng đùa lại khá phổ biến ở học sinh vùng cao như tỉnh Lào Cai.

Ngạc nhiên khi con đòi đi học….

Trò chuyện với chị Quy tôi mới hay, trường hợp đòi đến trường để học VNEN trong thời gian nghỉ hè như bé Nam không phải là hiếm. 

Chị Quy tâm sự: “Cứ tưởng con tôi “trái khoáy”, ai ngờ khi hỏi chuyện với các phụ huynh khác tôi mới hay, con em họ cũng đòi đến trường ngay sau khi nghỉ hè chưa đầy 1 tuần. 

Hỏi tại sao các con thích đi học, đứa nào đứa nấy đều trả lời: Đi học vui hơn ở nhà, làm bài đúng thì được cô biểu dương trước lớp còn nếu không may làm bài bị sai thì cũng không bị cô mắng phạt, ngoài giờ học trên lớp còn được tham gia các trò chơi, học được nhiều điều bổ ích…”.

Còn chị Phạm Thị Thu Yên – Phụ huynh của học sinh Nguyễn Phương Nhi (lớp 2B Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân) - chia sẻ: “Thoạt đầu tôi cũng khá là ngạc nhiên khi vừa mới nghỉ hè được vài ngày thì con đã đòi đi học. 

Thế nhưng qua tìm hiểu và theo dõi tôi mới hiểu tại sao con mình thích đến trường, thích học VNEN. Đến lớp giờ đây các con không chỉ được học kiến thức, mà còn được vui chơi, được nói lên tiếng nói của mình, được rèn luyện các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình và kỹ năng làm lãnh đạo…. 

Chẳng thế mà giờ đây, em nào em nấy đều tự tin, năng động và nói năng như một MC. Bản thân con tôi giờ đây đã biết nói những lời “có cánh” với mẹ như: Con yêu mẹ nhất trên đời, con sẽ giúp mẹ việc nhà… 

Tôi cho rằng, để con tôi được như thế đó là nhờ vào cách dạy, cách giáo dục của trường học VNEN. Có thể nói, học theo VNEN, phụ huynh chúng tôi hoàn toàn yên tâm vì con em chúng tôi đã thực sự là trung tâm của lớp học, trường học”.

Học sinh tự tin, thỏa sức sáng tạo

Từ câu chuyện của chị Quy và chị Yên, chúng tôi tìm đến Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân. Tiếp đón chúng tôi không phải là các thành viên trong Ban Giám hiệu mà là một nhóm học sinh nằm trong Hội đồng Tự quản của trường. 

Em nào em nấy đều nói năng lưu loát và đặc biệt là nắm rất rõ tình hình về các hoạt động giáo dục của nhà trường. Dẫn chúng tôi đi lòng vòng tham quan các lớp học, rồi các em đưa chúng tôi đến phòng họp. 

Cô Hiệu trưởng Trần Thị Thùy Dung chờ đón chúng tôi. Cô Dung dí dỏm nói: “Ở trường tôi, người to nhất không phải là Hiệu trưởng mà là Chủ tịch Hội đồng Tự quản (HĐTQ) trường”.

Cô Dung kể cho chúng tôi về một câu chuyện khá thú vị. Đó là, cô đã từng thất bại trước một học sinh lớp 3 khi tham gia tranh cử Chủ tịch HĐTQ trường. 

Cô cho biết: Trong ngày tranh cử, mỗi ứng viên đều có một bài diễn thuyết để kêu gọi sự ủng hộ cho mình. Một số học sinh sau khi bỏ phiếu còn phê bình cô hiệu trưởng nói thì rất hay nhưng dài quá và có từ khó hiểu, như từ tầm nhìn…. 

“Lần đầu tiên tôi “thua” trước học trò của mình nhưng từ trong sâu thẳm tôi thấy niềm hạnh phúc dâng trào và một niềm vui vô bờ bến vì học sinh của mình rất thông minh, năng động và tỏa sáng” – Cô Dung trải lòng.

Cũng theo cô Dung, học theo VNEN, học sinh rất tự tin và mạnh dạn đề xuất những hoạt động chung của lớp và của trường. “Các chương trình như: Lê Ngọc Hân Got Talent, liên hoan Tiếng hát cha mẹ học sinh… đều từ ý tưởng đề xuất của các em học sinh. 

Đặc biệt, các em đã đề xuất xây dựng bể bơi mini trong trường và đã nhận được sự đồng thuận của giáo viên, phụ huynh toàn trường. Đến nay bể bơi đã đi vào hoạt động và nhà trường cũng đã đưa dạy bơi vào môn học chính khóa” – Cô Dung cho biết.

Tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Lào Cai), học sinh cũng tự tin, năng động không kém. Chúng tôi đến thăm trường khi các em có một tiết học kỹ năng sống. 

Làm xong cốc hoa quả dầm sữa chưa, Thu Ngân - Học sinh lớp 5A1 - mời chúng tôi thưởng thức. Lân la câu chuyện, chúng tôi thực sự “choáng” về hàng loạt chiến lược kinh doanh mà em đưa ra. 

Em còn đề xuất với nhà trường về việc xây dựng khu vui chơi an toàn cho học sinh, xây dựng bể bơi có mái che để có thể tận dụng tối đa công suất hoạt động, xây dựng khu vệ sinh 5 sao, robot để dọn dẹp trường lớp… 

Có những đề xuất của các em đã được phụ huynh và nhà trường đáp ứng như khu vui chơi, khu tưởng niệm trong trường, bể bơi…, có những đề xuất như: khu vệ sinh 5 sao, robot để dọn dẹp trường lớp thì chưa thể đáp ứng được.

Trao đổi với chúng tôi, cô Bùi Kim Chi – Hiệu trưởng - cho biết: “Để các con tự tin, thỏa sức sáng tạo và nói lên suy nghĩ của mình, ngoài việc dạy học kiến thức, chúng tôi còn đặc biệt chú trọng đến dạy những kỹ năng mềm cho học sinh; đồng thời vận động chính quyền địa phương và phụ huynh cùng chung tay xây dựng môi trường giáo dục toàn diện”.

Bước tiến mới

Qua tìm hiểu được biết, Lào Cai là một trong những địa phương triển khai thành công nhất mô hình trường học VNEN. Sau hơn 2 năm thực hiện, mô hình này đã khá thành công và có được bước tiến mới. 

Cô Trần Thị Minh Thu - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Lào Cai) - cho biết: Điểm nhấn ở đây là các em học sinh đã thực sự: Tự giác, Tự quản, Tự học, Tự đánh giá, Tự trọng, Tự tin. Còn đối với giáo viên thì họ đã hoàn toàn tự tin để thiết kế tài liệu, bài giảng và chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động.

Theo cô Thu, để có được kết quả trên, một trong những giải pháp hữu hiệu của Lào Cai là xây dựng các mô hình trường học gắn với điều kiện thực tế của địa phương như: mô hình Trường học Nông trại tại Trường Tiểu học Bản Xen, mô hình Trường học Sinh thái tại Trường Tiểu học Lùng Vai (Mường Khương), Trường học Du lịch tại Trường Tiểu học Tả Phìn (Sa Pa)… 

“Chúng tôi muốn các trường phát huy thế mạnh của địa phương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Trong quá trình xây dựng mô hình trường học, chúng tôi đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, đề cao tư tưởng, ý tưởng của học sinh, của cộng đồng cùng tham gia xây dựng kế hoạch, hợp tác cùng thực hiện” – Cô Thu cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ