Dạy và học Ngữ văn online – Góc nhìn người trong cuộc

GD&TĐ - Năm học 2021 - 2022 được coi là năm lịch sử bởi nó được bắt đầu bằng hai chữ Online và duy trì cũng bằng hai chữ Online.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dạy và học Ngữ văn online có những khó khăn hay thuận lợi gì? Đây là câu hỏi ai cũng trả lời được ngay nhưng dưới góc nhìn của người trong cuộc (người dạy Ngữ văn và người học Ngữ văn) thì có gì đáng lưu tâm?

Thay đổi để tồn tại là suy nghĩ ban đầu của giáo viên. Chúng tôi đã bắt tay vào công cuộc thay đổi để phù hợp với việc dạy học Ngữ văn theo hình thức online. Đặc thù của môn học là lượng kiến thức trong một bài học thường dài, giáo viên cần dạy học sinh thiên về kỹ năng: Phân tích, khai thác các đơn vị kiến thức bài học viết đoạn văn, bài văn…. thật không dễ để đạt được hiệu quả khi dạy online. Chúng tôi coi đây là khó khăn và bắt buộc phải biến khó khăn này thành thử thách và chúng tôi đã làm được.

Những tiết học truyền thống đã được thay bằng những tiết học đầy sáng tạo, hứng khởi. Thầy cô tận dụng tối đa các nền tảng online để hỗ trợ cho việc dạy và học. Giáo viên thiết kế nội dung hướng dẫn tự học đẩy lên nền tảng online (LMS, GG chat, Quizizz, Inbox...), học sinh nghiên cứu bài học trước khi vào giờ học (đây là lần vỡ bài đầu tiên của học sinh). Trên lớp, giáo viên chia lớp thành các nhóm có cùng đặc điểm, thế mạnh và phân chia nhiệm vụ phù hợp (phân hóa theo đối tượng (có thể theo cấp độ của thang bloom, theo thuyết đa trí thông minh…)). Học sinh được trao đổi, thảo luận, thể hiện quan điểm cá nhân của mình (đây là lần vỡ bài thứ 2 của học sinh).

Trong quá trình hoạt động nhóm, trình bày của học sinh, giáo viên sẽ đưa ra những câu hỏi gợi dẫn, khuyến khích trò tư duy phản biện để hiểu nội dung bài học được sâu hơn. Giáo viên và học sinh sẽ nhận xét và chốt kiến thức bài học. Nếu tiết học chỉ dừng lại ở đây liệu học sinh có nhớ kiến thức lâu và có thể vận dụng được vào các bài thi, kiểm tra hay cuộc sống sau này?

Sẽ thật khó nếu không có hoạt động sau giờ học. Giáo viên sẽ giao nhiệm vụ học tập sau giờ học phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của học sinh (đây được xem là lần vỡ bài thứ 3). Với quy trình chặt chẽ như vậy, các em nắm chắc kiến thức môn học không kém gì khi học trực tiếp tại lớp. Thậm chí, với học sinh yêu thích công nghệ, quản lý thời gian tốt lại thấy hứng thú với mô hình học online như thế này. Đây là tín hiệu vui và cho thấy chúng tôi đã biến khó khăn thành thử thách một cách thành công.

Về phía người học có nhiều thay đổi tích cực. Tính chủ động của học sinh đã thay đổi rõ rệt. Điều này rất quan trọng đối với người học Ngữ văn. Với vai trò của những công dân số, các em chủ động tìm tòi, sáng tạo, rèn luyện được nhiều kỹ năng học Ngữ văn hiệu quả. Một trong những kỹ năng đó là khai thác nội dung văn bản và kỹ năng viết. Đây cũng chính là hai kỹ năng quan trọng của người học Ngữ văn. Nhờ đó, giờ học Ngữ văn online không còn nhàm chán mà vui vẻ, hứng thú.

Thế giới đang thay đổi từng giờ, điều đó yêu cầu giáo viên dạy Ngữ văn và người học phải không ngừng phấn đấu, nỗ lực. Thay đổi để thành công thay vì thay đổi để tồn tại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ