Dạy trực tuyến: Nỗ lực của những nhà giáo sắp nghỉ hưu

GD&TĐ - Dịch Covid-19 kéo dài, thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường không ngừng việc học”, các trường phổ thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chuyển sang dạy học trực tuyến.

Cô Nguyễn Thị Tuyết chụp ảnh lưu niệm cùng học trò trước khi ra trường.
Cô Nguyễn Thị Tuyết chụp ảnh lưu niệm cùng học trò trước khi ra trường.

Với giáo viên trẻ, việc chuyển hệ vất vả một thì với giáo viên lớn tuổi, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, gian nan gấp đôi, gấp ba. Thế nhưng vì sự nghiệp chung, vì chất lượng và tiến độ học tập của học sinh, nhiều thầy cô giáo lớn tuổi đã hết sức cố gắng để bắt nhịp.

Nỗ lực thích ứng

Chỉ còn thời gian ngắn nữa, cô Nguyễn Thị Tuyết, Tổ trưởng Bộ môn Lịch Sử - Địa lý - Giáo dục công dân của Trường THPT Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) sẽ về hưu. Thế nhưng, để thích ứng với dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19, cô vẫn nỗ lực, ra sức học tập trao đổi kiến thức để đứng vững với những bài giảng online.

Cô Tuyết thừa nhận, những ngày đầu tập giảng dạy trực tuyến thật mệt mỏi và mất nhiều thời gian. “Với gần 30 năm kinh nghiệm giảng dạy, giáo án và bài giảng đã nằm sẵn trong đầu, lên lớp là dạy liền mạch. Bắt đầu dạy học online với tôi không phải dễ chịu, khi phải thể hiện trên trình chiếu. Mà đâu phải chỉ mỗi có chữ, còn phải cả hình ảnh nữa”, cô Tuyết tâm sự.

Soạn giảng online đòi hỏi giáo viên phải đầu tư nhiều. Cô đã nhiều tuổi, công nghệ thông tin và những phần mềm ứng dụng không rành nên lúng túng. Để bắt kịp công nghệ, cô phải cố gắng rất nhiều.

Để soạn ra được những tư liệu đưa vào bài giảng, một giáo viên trẻ có trình độ kiến thức về công nghệ thông tin có thể mất 2 đến 3 ngày mới xong một bài. Cô Tuyết phải mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ tổ công nghệ thông tin, các đồng nghiệp trong tổ và sự ủng hộ từ gia đình, từ từ cô cũng thích ứng và vượt qua. “Dạy học online thì người lớn tuổi dựa vào các bạn trẻ nhiều. Kinh nghiệm giảng dạy và phương pháp có thể đồng nghiệp trẻ không bằng mình, nhưng về công nghệ mới chắc chắn mình sẽ phải dựa vào các bạn”, cô Tuyết chia sẻ kinh nghiệm.

Với sự năng động, nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc, từ những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay cô Nguyễn Thị Tuyết không chỉ vững vàng với mỗi bài giảng online mà còn góp phần cùng tổ chuyên môn đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. “Rút kinh nghiệm từ dạy trực tuyến năm học trước, năm học này không chỉ riêng cô Tuyết mà cả tổ bộ môn thuộc cô quản lý nay đã đi vào bài bản, ứng dụng nhiều hơn các phần mềm và kết hợp các phần mềm trong giảng dạy”, cô Nguyễn Di Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Tuyết trong giờ dạy trực tuyến.
Cô Nguyễn Thị Tuyết trong giờ dạy trực tuyến.

Xóa rào cản tuổi tác và công nghệ

Cô Trần Thị Tuyết Lan - Giáo viên bộ môn Địa lý, Trường THCS An Thới, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) trở thành động lực phấn đấu của nhiều nhà giáo vì những nỗ lực không mệt mỏi trong ứng dụng công nghệ thông tin dạy học.

Trước đây, cô Tuyết Lan chưa tiếp cận tin học, chiếc máy vi tính lại càng xa lạ. Trước yêu cầu đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, cô không ngừng học hỏi, dù chỉ còn vài tháng nữa là được nghỉ hưu. Cô cho hay những gì mình chưa biết, chưa tiếp cận được thì tìm học, không chỉ học tập trên mạng Internet, đồng nghiệp, cô còn học tập từ chính học trò của mình.

Cô Lan chia sẻ: “Có gì đâu mà ngại, mình không biết thì cứ hỏi học trò, các em chỉ cho mình rất nhiệt tình… Hiện giờ có em ra trường, có em đi học ở nước ngoài. Khi gặp lại cô trò vui mừng, cũng không quên kỷ niệm cô trò cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm tin học”.

Sau khi “phổ cập” công nghệ thông tin, cô Lan vận dụng hiệu quả vào quá trình dạy học. Dần dần cô cảm thấy đam mê và xem ứng dụng công nghệ trong dạy học là một phần không thể thiếu. Cô Lan cho biết, những hình ảnh và clip về phong cảnh của Việt Nam khi được trình chiếu sẽ thu hút học trò, giúp tiết dạy trở nên sinh động hơn. Từ đó giúp các em tiếp thu và in sâu kiến thức hơn so với cách dạy bình thường. Vì học trò, cô luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo các phương pháp giảng dạy mới.

Cô Trần Thị Tuyết Lan trong giờ dạy online.
Cô Trần Thị Tuyết Lan trong giờ dạy online.

Cô Lan kể về những phần mềm mới, lúc đầu không biết nên cô nhờ các trò, nhất là học trò về tập sự tại trường. Nhờ đó mà kiến thức về công nghệ cũng được nâng lên... Nhờ đam mê, cô Lan vừa tự học, vừa tìm tòi qua mạng Internet, từng bước quen dần với việc giảng dạy ứng dụng công nghệ và luôn đi đầu trong việc xây dựng bài giảng điện tử.

Cô Lam Mỹ Linh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cô Lan sẽ được nghỉ hưu trong vài tháng tới. Cô cống hiến rất nhiều đối với ngành Giáo dục, đặc biệt là môn Địa lý và dạy bồi dưỡng học sinh giỏi. Năm nào cô cũng có học sinh giỏi đạt giải cấp thành phố. Cô luôn đi đầu trong công nghệ, từ giáo án điện tử, đến hỗ trợ các đồng nghiệp về sử dụng công nghệ trong giảng dạy. Cô có nhiều bài giảng công nghệ rất hay, thu hút học sinh. Học sinh của cô đỗ vào trường chuyên (lớp chuyên Địa lý) rất nhiều. “Cô Lan dạy học trò vững vàng kiến thức nhờ ứng dụng công nghệ. Những clip, hình ảnh minh hoạ đều được cô đưa vào bài giảng, qua đó thu hút học sinh say mê, sáng tạo trong học tập”, cô Mỹ Linh chia sẻ.

Theo nhà giáo Lê Thị Hường - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, những giáo viên lớn tuổi, đặc biệt như cô Lan đã đóng góp cho ngành Giáo dục rất nhiều. Bản thân gần nghỉ hưu nhưng cô vẫn nỗ lực học tập, cống hiến hết mình, không ngại tuổi tác, là động lực cho giáo viên trẻ noi theo. Các giáo viên trẻ cần học tập ở giáo viên lớn tuổi đức tính chịu khó và chịu học để thành công với nghề…

“Chuyển qua một hình thức dạy mới bao giờ cũng sẽ có trở ngại, đó là điều tất yếu. Giáo viên phải tâm huyết, tâm lý không được chủ quan và chuyển tải thông điệp tích cực đến học sinh”, cô Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên Trường THPT Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ).  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.