Cách dạy trẻ ngừng bào chữa và biết chịu trách nhiệm

GD&TĐ - Một lời giải thích được coi là sự chịu trách nhiệm cá nhân. Trong khi đó, một lời bào chữa thường có xu hướng đổ lỗi cho người khác.

Cha mẹ cần bình tĩnh khi con đổ lỗi cho người khác.
Cha mẹ cần bình tĩnh khi con đổ lỗi cho người khác.

Do đó, cha mẹ cần có phương pháp dạy trẻ ngừng bào chữa và biết chịu trách nhiệm cho hành động.

Tất cả chúng ta đều muốn nuôi dạy những đứa trẻ có trách nhiệm. Tất cả chúng ta đều muốn sống trong một thế giới mà bất kỳ ai cũng có trách nhiệm. Vậy, làm thế nào để chúng ta nuôi dạy con chịu trách nhiệm về những lựa chọn của chúng?

Theo các chuyên gia, phụ huynh hãy bắt đầu bằng cách coi trách nhiệm là một điều gì đó vui vẻ đối với con, thay vì một gánh nặng. Tất cả trẻ em đều muốn thấy mình là người có khả năng đáp ứng những gì cần làm. Vì vậy, phụ huynh không thực sự cần dạy trẻ trở thành người có trách nhiệm trong thế giới. Thay vào đó, hãy dạy trẻ rằng, con có khả năng đóng góp tích cực nhờ chịu trách nhiệm.

Bình tĩnh

Do đó, các chuyên gia đã gợi ý một số “bí quyết” giúp phụ huynh dạy trẻ ngừng bào chữa và biết cách chịu trách nhiệm cho hành động. Theo bà Amy Morin - nhà trị liệu tâm lý, tác giả sách về nuôi dạy trẻ chia sẻ, trước hết, để con từ bỏ việc bao biện cho hành vi của mình, cha mẹ cần bình tĩnh.

“Tránh tranh cãi với con khi trẻ khẳng định điều gì đó không phải lỗi của chúng. Nếu không, phụ huynh có nguy cơ vướng vào một cuộc cãi vã trong gia đình. Thay vào đó, hãy trả lời một cách bình tĩnh. Nói rõ rằng, việc bào chữa cho hành vi của mình sẽ không có nghĩa là con không phải chịu trách nhiệm”, chuyên gia gợi ý.

Sau đó, cha mẹ cần chỉ ra lý do và nhắc nhở con về trách nhiệm cá nhân. Phụ huynh có thể nói những câu như: “Con chịu trách nhiệm về cách cư xử của mình”. Hoặc: “Hãy tìm cách giải quyết vấn đề đó tùy thuộc vào con”.

Khuyến khích trách nhiệm cá nhân

Bên cạnh đó, bà Amy Morin khuyến khích rằng, các phụ huynh cần dạy con về sự khác biệt giữa lời giải thích và bào chữa. Ví dụ, nói với giáo viên của trẻ rằng, hôm nay con vắng mặt vì bị ốm là một lời giải thích. Trái lại, nếu cha mẹ nói với giáo viên của con rằng, chú cún cưng trong gia đình đã cắn rách bài tập về nhà của trẻ, chắc chắn đó sẽ là một cái cớ.

“Một lời giải thích được coi là sự chịu trách nhiệm cá nhân. Trong khi đó, một lời bào chữa thường có xu hướng đổ lỗi cho người khác. Một lời giải thích nhằm giúp người khác hiểu được tình hình. Trái lại, một lời bào chữa thường được dùng để biện minh cho sai lầm nào đó”, bà Amy Morin giải thích.

Theo nữ chuyên gia này, đôi khi, trẻ em cũng như nhiều người trưởng thành khác. Họ thường gặp khó khăn trong việc nhận ra sự khác biệt đó. Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ nên dành thời gian và nỗ lực để giúp con thấy rằng: Luôn có sự khác biệt lớn giữa đổ lỗi cho người khác và việc nhận trách nhiệm về phía mình.

Một trong những biện pháp hiệu quả khác là cha mẹ có thể đóng vai vào các tình huống khác nhau. Phụ huynh có thể yêu cầu con xác định khi nào cha mẹ đang bào chữa và khi nào là đưa ra lời giải thích. Với việc luyện tập như vậy, con có thể đủ kỹ năng để nhận ra sự khác biệt giữa lời bào chữa và chịu trách nhiệm.

“Khuyến khích con chỉ ra những lời giải thích và bào chữa khi cả gia đình đang xem phim hoặc đọc sách. Khi sự hiểu biết của trẻ phát triển, con sẽ nhận ra nếu mọi người đang cố gắng trốn tránh trách nhiệm cá nhân”, chuyên gia nhấn mạnh.

Việc đổ lỗi cho người khác sẽ không giúp con khỏi chịu trách nhiệm.

Việc đổ lỗi cho người khác sẽ không giúp con khỏi chịu trách nhiệm.

Dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề

Khi con cố gắng đổ lỗi cho người khác về những sai lầm và vấn đề của mình, cha mẹ hãy chuyển sự tập trung trở lại vào những lựa chọn của trẻ trong cách con phản ứng. Ví dụ, khi trẻ nói: “Con bị điểm kém trong bài tập vì giáo viên không giải thích cách làm”. Lúc đó, phụ huynh hãy hỏi: “Con có thể làm gì với điều đó?”. Tiếp theo, cha mẹ cần nói về cách con có thể yêu cầu làm rõ hoặc tìm kiếm sự trợ giúp, thay vì đổ lỗi cho giáo viên bởi điểm số kém.

“Điều quan trọng là con có thể nhận ra rằng, mình có các lựa chọn trong cách phản ứng. Nếu em gái đá con, trẻ không nên đánh em. Thay vào đó, con có thể yêu cầu giúp đỡ, bảo em gái dừng lại hoặc tự thoát khỏi tình huống này. Hãy dạy con rằng, đối với bất kể điều gì xảy ra xung quanh, đến cuối cùng, con vẫn là người phải chịu trách nhiệm về những lựa chọn của bản thân”, bà Amy Morin cho biết.

Nhấn mạnh việc học từ sai lầm

Bên cạnh đó, phụ huynh được khuyến khích dạy con rằng, sai lầm là một cơ hội học hỏi. Khi trẻ coi sai lầm là cách giúp chúng học hỏi, con sẽ ít có khả năng cố gắng che đậy lỗi của mình hoặc đổ trách nhiệm cho người khác. Phụ huynh cần cho trẻ thấy rằng, phạm sai lầm không phải là xấu. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải học hỏi từ những sai lầm đó để bản thân không lặp lại lỗi sai.

Cũng theo nữ chuyên gia này, phụ huynh không nên quên đưa ra những lời khen ngợi con vì đã nói sự thật hoặc chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Khi trẻ nói những câu như: “Con sẽ không đánh em nếu em không làm con nổi điên”, cha mẹ cần nhẹ nhàng nhắc trẻ. Phụ huynh hãy giải thích để con hiểu rằng, không ai bắt con làm bất cứ điều gì. Vì vậy, con hãy tự chọn cách mình cư xử. Sau đó, khi trẻ bình tĩnh, cha mẹ hãy nói về những điều con có thể làm khác đi trong lần tiếp theo nếu tình huống đó tái diễn.

Theo Verywellfamily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.