Dạy trẻ hiếu kính ông bà

GD&TĐ - Chuyện người già nên hay không nên sống cùng con cháu là một trong những chủ đề được quan tâm bàn luận trên các diễn đàn gia đình. Đáng ngạc nhiên, ở đó ghi nhận một bộ phận không nhỏ người già chỉ thích ở riêng.

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Người già thích “ra riêng”

Trong khu chung cư tôi đang ở, có cặp vợ chồng già được xóm giềng ca tụng là “bố mẹ chồng quốc dân” bởi ông bà luôn thể hiện sự thương quý con cháu với tất cả những ân cần.

Chỉ có một người con trai nhưng bà Thi, ông Lam chọn cách sống riêng mặc dù con dâu, con trai đều rất thoải mái và mong muốn ở cùng bố mẹ. Khi mua nhà, ông bà chọn một căn hộ nhỏ hơn cùng toà nhà để mong đỡ đần con cháu phần nào.

Hàng ngày ông bà đảm nhiệm nấu cơm, dọn 2 nhà, đưa đón cháu nhỏ đi học. Vợ chồng con trai đi làm về, cùng ăn uống với bố mẹ rồi về căn hộ của mình nghỉ ngơi. Ông bà làm mọi việc cho con cháu mà luôn vui vẻ, không một lời phàn nàn hay chê trách.

“Tôi cũng từng làm dâu nên rất thấu hiểu những bất tiện của việc sống chung. Vì thế mà vợ chồng tôi thống nhất quan điểm con lấy vợ là cho ra ở riêng ngay, tránh những mâu thuẫn, bất đồng không đáng có, gây sứt mẻ tình cảm”, bà Thi chia sẻ.

Khi con có điều kiện tốt hơn, dọn đến nơi ở mới, ông bà vẫn chọn ở lại căn hộ cũ. Bà Thi tâm sự: “Chúng tôi không tính toán với con cháu, mà mình nghĩ cho chúng nó. Cách sinh hoạt, lối sống của 2 thế hệ hoàn toàn khác nhau, sớm muộn cũng xảy ra mâu thuẫn. Con đẻ ở cùng bố mẹ cũng đã có những “lệch pha” khó dung hoà. Giờ có thêm con dâu, sống chung lâu ngày rồi sẽ sinh ra chuyện. Lúc đó tính sao cũng thành khó xử”.

Dịp các cháu học trực tuyến, bà Thi lại hàng ngày đến trông nom cơm nước cho các cháu. Thỉnh thoảng cuối tuần, đại gia đình lại cùng nhau tụ tập ăn uống ở nhà ông bà hoặc nhà con trai để thay đổi không khí.

Ông bà quan điểm rõ ràng, không can thiệp vào việc dạy dỗ con cái của các con vì hiểu biết của thế hệ ông bà có thể đã lỗi thời. Vì vậy, nếu ở chung, thường xuyên chứng kiến cách giáo dục mới có khi lại nảy sinh bất đồng chỉ vì chuyện nuôi dạy trẻ. Mặt khác, không vì sống xa nhau mà các cháu ít quấn quýt ông bà, ngược lại các cháu vô cùng hiếu thuận, vâng lời khiến ông bà rất an lòng.

Thực tế, trường hợp như gia đình bà Thi, ông Lam không còn là hiếm trong xã hội phát triển ngày nay.

Theo PGS.TS Lê Ngọc Văn (cố vấn cấp cao Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), tác giả một số cuốn sách về văn hoá gia đình Việt Nam: “Nếu so với gia đình truyền thống trước đây, xu hướng một bộ phận người cao tuổi không muốn sống chung với con cháu và ngược lại một bộ phận con cháu trưởng thành có vợ có chồng muốn sống riêng tách khỏi cha mẹ, ông bà là có thật và vì nhiều lý do khác nhau.

Trước hết, nó phản ánh sự tôn trọng của cha mẹ với quyền tự do riêng tư của con cái, không can thiệp sâu vào quyền quyết định và sự tự chủ của con cái trong cuộc sống. Mặt khác, những người cao tuổi còn khỏe mạnh, có thu nhập bảo đảm, không phụ thuộc vào con cái về kinh tế cũng có nhu cầu sống riêng để được thoải mái hơn”.

Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Không sống chung, cách nào gắn kết thế hệ?

Cũng có một số quan điểm cho rằng, bên cạnh những bất cập từ sống chung thì vẫn còn ưu điểm lớn đó là sự gắn kết thế hệ. Lý tưởng nhất là mọi thành viên đều tuân thủ nguyên tắc “kính trên nhường dưới” sẽ khiến mọi việc trở nên tốt đẹp, cuộc sống luôn thoải mái.

Tuy nhiên, nếu điều lý tưởng không xảy ra, việc sống chung nhiều mâu thuẫn sẽ khiến hậu quả trở nên rất khôn lường. Nó ảnh hưởng vô cùng xấu tới việc phát triển và hình thành nhân cách, lối ứng xử của con trẻ trong gia đình.

Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh (Mạnh Linh school psychology): Trong các gia đình, dù sống chung dưới một mái nhà hay sinh hoạt riêng, điều quan trọng để dạy trẻ về lòng hiếu thuận, sự tôn kính người cao tuổi vẫn thuộc về những người lớn trong nhà, cụ thể là các bậc cha mẹ.

“Cha mẹ cần thể hiện sự yêu thương, tôn trọng đấng sinh thành, không ăn nói hỗn hào, không coi ông bà của trẻ là những “cục nợ” kể cả khi họ già nua, ốm yếu. Khi trẻ thấy cha mẹ mình luôn thưa gửi, chăm sóc ông, bà và những người bề trên một cách tôn kính, ân cần, sẽ in sâu vào tâm trí và tích luỹ dần vào vốn đạo đức của trẻ”, chuyên gia Mạnh Linh nhận định.

Xã hội ngày càng hiện đại, quan niệm truyền thống bắt đầu có những dịch chuyển mạnh mẽ. Người già và người trẻ đã có những gặp nhau trong cách nghĩ “ở gần chứ không ở cùng” để luôn giữ được không gian riêng và hoà khí. Con trẻ cũng không vì chuyện không sống cùng ông bà mà mai một tình cảm. Ngược lại, mọi thành viên sẽ trân quý hơn những thời gian gặp gỡ vui vẻ, tạo thêm ý nghĩa cho cuộc sống.

TS Tâm lý Mã Ngọc Thể, Trung tâm Tư vấn tâm lý và giáo dục phát triển cộng đồng cho rằng, để dạy con luôn kính trọng người lớn tuổi, cha mẹ cần dạy trẻ biết lễ phép với người lớn, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, sống không đòi hỏi. Tối kị nhất là nói xấu, hoặc phê phán công khai ông, bà trước mặt con cái.

Mặc dù trẻ không hiểu được hoàn toàn, nhưng dần dần chúng sẽ cảm nhận sự bất kính ẩn sau những lời nói. Những hành vi, lời nói xúc phạm và thiếu tôn trọng ông, bà sẽ tác động không tốt tới trẻ và làm phát sinh những thói xấu, gây tác hại trầm trọng cho trẻ từ lúc bé tới khi trưởng thành.

“Trong gia đình Việt Nam hiện nay, người cao tuổi có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc thu xếp nơi ở. Những sự lựa chọn này tùy thuộc vào hoàn cảnh, sở thích của cá nhân cũng như từng giai đoạn khác nhau trong cuộc sống của người cao tuổi. Mô hình nào đem lại mức độ hài lòng, hạnh phúc cao hơn cho cả người cao tuổi và con cháu của họ thì đó là mô hình thích hợp. Tính đa dạng về mô hình nơi ở của người cao tuổi không làm thay đổi các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống về tình yêu thương của cha mẹ đối với con cháu và lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, ông bà” - PGS. TS Lê Ngọc Văn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.