Đáp ứng nhu cầu cuộc sống
Cô giáo Đào Thanh Huyền, Tổ trưởng Tổ Toán Tin, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, cho biết, để đáp ứng nhu cầu dạy và học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học, các GV Tổ Toán - Tin của nhà trường đã thực hiện chuyên đề nghiên cứu về các dạng toán thực tế. Cụ thể, trên cơ sở kiến thức lý thuyết, các giáo viên sẽ giới thiệu các dạng bài toán thực tế thường gặp; Hướng dẫn cách tiếp cận bài toán thực tế cho HS; Đồng thời tiến hành thực hiện kiểm tra lần 1 sau khi HS đã học kiến thức nền; Tiến hành thực hiện kiểm tra lần 2 khi giáo viên phân dạng các bài toán thực tế.
“Sau khi cung cấp kiến thức nền, giáo viên sẽ cho học sinh tiếp cận các bài toán thực tế từ dễ đến khó. Trong đó có những loại toán thực tế học sinh dễ nhận dạng và có loại phức tạp, học sinh khó nhận dạng hơn. Để thực hiện có hiệu quả việc đưa các bài toán ứng dụng vào giảng dạy cho học sinh, chúng tôi có sự thống nhất chung trong tổ bộ môn. Các thầy cô sẽ soạn các dạng bài toán ứng dụng trong thực tế, xây dựng các kiểu đề kiểm tra để đưa vào trong các tiết học. Sau khi học sinh được tiếp cận, luyện tập các dạng đề này, các em sẽ có thể ứng dụng để thực hiện trong các bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ giống như các đề thi minh họa trong Kỳ thi THPT quốc gia những năm gần đây”, cô giáo Đào Thanh Huyền cho biết như vậy.
Giúp ứng dụng tính toán trong thực tế
Theo cô Đào Thanh Huyền, hiện tại, học sinh được tiếp cận dạng toán thực tế qua các đề kiểm tra định kỳ và đề thi THPT quốc gia, nhưng chúng ta chưa có quy trình xây dựng việc dạy bài toán thực tế rõ ràng cho từng đơn vị kiến thức trong chương trình phổ thông. Mặt khác, các bài toán thực tế trong các đề thi hiện nay còn mới mẻ đối với học sinh. Việc dạy học phát triển năng lực tiếp cận bài toán thực tế, không những giúp các em đáp ứng được yêu cầu của đề thi, mà còn giúp các em nắm bắt và xử lý những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày.
“Cái hay của việc cho học sinh tiếp cận với dạng toán này là trang bị cho các em các kỹ năng tính toán, cách giải quyết các bài toán trong thực tế. Điều này mang tính ứng dụng cao, có giá trị thiết thực. Các em sẽ hình thành tư duy, kỹ năng biết tìm cách làm thế nào để tiết kiệm nguyên vật liệu nhất khi giải các bài toán thực tế. Ví dụ khi có một mảnh bìa cát tông, các em sẽ biết cách tính toán làm thế nào để lắp ghép thành một vật chứa có thể tích lớn nhất. Sau này, các em có thể ứng dụng để thiết kế một vật dụng nào đó thiết thực trong đời sống hằng ngày một cách tiết kiệm, khoa học nhất”, cô Huyền chia sẻ.