Đây thôn Vĩ Dạ - Niềm yêu đời thiết tha của một hồn đau

GD&TĐ - Đây thôn Vĩ Dạ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với một cô gái vốn quê ở Vĩ Dạ, một thôn nhỏ bên dòng sông Hương nơi xứ Huế thơ mộng và trữ tình.

Con thuyền trăng chở cả niềm khát khao sống, chở cả niềm thiết tha cuộc sống của thi sĩ. Ảnh minh họa: IT
Con thuyền trăng chở cả niềm khát khao sống, chở cả niềm thiết tha cuộc sống của thi sĩ. Ảnh minh họa: IT

Trong bài thơ, Vĩ Dạ hiện lên vừa là một không gian xác thực - không gian đã tồn tại trong tiềm thức của nhân vật trữ tình, lại vừa trở thành thế giới mộng ước - là cuộc đời tươi đẹp ngoài kia. Vĩ Dạ trở thành chốn ngóng vọng của người ở trong lãnh cung định mệnh, trong cõi chết hướng về cuộc đời trần thế. Sau mỗi hình ảnh gắn với miền quê Vĩ Dạ là niềm thiết tha cuộc đời của một hồn đau, một số phận trong cảnh ngộ thương đau nghiệt ngã.

Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) là một nguồn thơ dào dạt và lạ lùng (Hoài Thanh), là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất và cũng kì lạ nhất trong phong trào Thơ mới 1932 - 1945. Thế giới thơ của ông mang một diện mạo hết sức phức tạp và đầy bí ẩn, đan xen cả những gì thân thuộc, trong sáng và cả những u ám, thê lương. Tất nhiên, sau mỗi dòng cảm xúc trong hành trình “Trải niềm đau” trên trang giấy mong manh (Rướm máu - Hàn Mặc Tử), người ta vẫn nhận rõ một tình yêu đau đớn hướng về cuộc đời trần thế của một số phận bất hạnh, nghiệt ngã. Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ của Hàn Mặc Tử. Đó là một âm khúc, là tiếng đời thiết tha trong cảnh ngộ đặc biệt, khi niềm hi vọng mong manh được cất lên bên bờ vực của tuyệt vọng.

Cảnh ngộ đau thương

Đây thôn Vĩ Dạ (lúc đầu có tên Ở đây thôn Vĩ Dạ) được sáng tác năm 1938, khi nhà thơ Hàn Mặc Tử đã mắc bệnh, phải sống cách biệt ở trại phong Quy Hoà. Lúc này đây, Hàn Mặc Tử đang quằn quại trong nỗi đau thể xác, nhưng khủng khiếp hơn với nhà thơ lúc này có lẽ là nỗi đau vì bị tách biệt với cuộc sống. Đó chẳng khác gì chết khi còn sống. Nhưng đó cũng chính là điểm khởi đầu cho một nguồn cảm hứng thơ độc đáo. Toàn bộ thi phẩm có thể coi là tiếng lòng vừa thiết tha mê đắm vừa đau đớn, tuyệt vọng của một thi nhân yêu đời mà phải xa lìa cuộc đời bởi một bi kịch éo le, vô vọng. Tuyệt vọng khi đối diện với số phận nhưng chủ âm của cả bài thơ lại chính là niềm hi vọng, cho dù chỉ là niềm hi vọng mong manh.

Theo một số tài liệu, bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với một cô gái vốn quê ở Vĩ Dạ, một thôn nhỏ bên dòng sông Hương nơi xứ Huế thơ mộng và trữ tình. Trong  bài thơ, Vĩ Dạ hiện lên vừa là một không gian xác thực - không gian đã tồn tại trong tiềm thức của nhân vật trữ tình, lại vừa trở thành thế giới mộng ước - là cuộc đời tươi đẹp ngoài kia. Vĩ Dạ trở thành chốn ngóng vọng của người ở trong lãnh cung định mệnh, trong cõi chết hướng về cuộc đời trần thế. Sau mỗi hình ảnh gắn với miền quê Vĩ Dạ là niềm thiết tha cuộc đời của một số phận trong cảnh ngộ thương đau nghiệt ngã - một tình yêu mãnh liệt, da diết nhưng tuyệt vọng. Đây cũng là mạch vận động của tâm trạng chủ thể trữ tình, là sợi giây kết dính ba khổ thơ có bề ngoài khác biệt nhau về cảnh sắc, về thời gian và cả những miền không gian.

Cuộc sống đẹp tươi

Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ được mở đầu bằng một câu hỏi tu từ nhiều sắc thái: Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Câu thơ vừa như một lời thăm hỏi, vừa như một lời mời mọc ân cần, lại như một lời trách móc dịu dàng. Trong một câu thơ mà như có giận hờn, có mong đợi, có cả chút nuối tiếc của người hỏi. Đây là lời của ai? Phải chăng là của em - một cô gái, có thể là cô gái Vĩ Dạ với anh? Hình thức là thế nhưng thực ra không có cô gái nào ở đây cả, đó là lời  của nhà thơ - chủ thể trữ tình đang phân thân tự hỏi lòng mình. Sao anh không về, khi thôn Vĩ vẫn như một thiên đường nơi trần thế? Sao anh không về, khi nguồn sống ngoài kia vẫn náo nức, căng tràn? Anh không về hay anh đã không thể về? Nỗi nhớ thương Vĩ Dạ, tình yêu cuộc sống trần thế đã cất lên thành lời tự vấn thiết tha. Tiếng thơ bứt thoát khỏi hình thức câu thơ để xoáy vào cảm xúc người đọc, rung lên tiếng lòng của thi sĩ.

Sau câu hỏi tu từ ấy, thôn Vĩ hiện lên trong tâm tưởng, trong khát khao cháy bỏng của nhà thơ với tất cả vẻ đẹp và sức sống của nó.

Nơi đây, mỗi sớm mai nắng mới lên trên những hàng cau cao vút. Câu thơ Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên như tràn ngập nắng: Nắng tràn từ nhịp đầu đến nhịp cuối câu thơ (Nhìn nắng…/nắng…), nắng rọi vào không gian vườn thôn Vĩ để ánh lên vẻ tươi mới, trong trẻo, tinh khôi. Trong ánh nắng thanh tân, tươi mới ấy, cả khu vườn thôn Vĩ như ánh lên màu ngọc - “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Một câu thơ mà có đến ba từ cùng trường nghĩa - mướt, xanh, ngọc - chỉ màu xanh, sắc xanh, ánh xanh, tất cả làm bật lên sự căng tràn sức sống của một chốn nước non thanh tú. Vườn thôn Vĩ xinh như “bài thơ tứ tuyệt” (Xuân Diệu) trong buổi bình minh đã thành một viên ngọc lớn, vừa thanh khiết vừa cao sang.

Ẩn hiện trong không gian xanh ấy thấp thoáng bóng dáng Lá trúc che ngang mặt chữ điền. Khuôn mặt phúc hậu ấy có thể là mặt người thôn Vĩ cũng có thể là mặt người trở về thôn Vĩ. Dù được hiểu theo cách nào thì điều quan trọng là sự xuất hiện của khuôn mặt đó đã tạo cho bức tranh một vẻ đẹp hài hoà, làm cho toàn cảnh khu vườn trở nên sinh động, có hồn.

Trở lại với câu mở đầu để biết cảnh đẹp thế, trong trẻo, thanh khiết và ngồn ngộn sức sống đến thế Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Vì lúc này anh đang nằm trong “lãnh cung định mệnh” tuyệt giao với cuộc đời trần thế, không còn cơ hội để về nữa. Cảnh thôn Vĩ đẹp là thế, sinh động, cụ thể là thế nhưng đó không phải là của bút pháp tả thực mà thật ra đó chỉ là niềm khao khát sống của nhà thơ đã hoá thành sắc màu, hình hài, đường nét. Đó chỉ là thế giới trong tâm tưởng. Vì thế hình ảnh thôn Vĩ càng thực, càng rõ thì tình yêu đời, nỗi niềm thiết tha với cuộc đời của Hàn Mặc Tử càng cháy bỏng. Và càng khát khao lại càng đau. Bề ngoài là một bức tranh tươi tắn, rực rỡ nhưng nó lại đang bọc lót bên trong một nỗi đau chia lìa, một nỗi cô đơn khắc khoải của một con người sắp phải xa lìa cuộc sống.

Nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Sự sống chia lìa

Từ đầu ta đã thấy ba khổ thơ là ba không gian khác biệt có sự “cóc nhảy”: Cảnh bình minh ở khổ một vừa vụt hiện lên, sang khổ hai đã bị thay bằng cảnh hoàng hôn và đêm trăng. Mạch thơ đột ngột chuyển đổi sang thế giới chênh vênh giữa thực và ảo. Nhưng cả hai khổ thơ vẫn chảy trong mạch thơ của niềm đau. Nếu niềm đau đó ở khổ một còn được dấu kín sau cảnh sắc thôn Vĩ đẹp tươi thì đến khổ thứ hai nó đã dần lộ diện:

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

Gió, mây trong logic hiện thực đó là hai thực thể không tách rời - gió thổi mây bay, mây bay nhờ gió thổi. Nhưng ở đây, gió - mây mang mặc cảm chia lìa của Hàn Mặc Tử đã trở nên ngược phương, trái hướng: Gió theo lối gió, mây đường mây. Mang cảm thức lìa xa cuộc sống làm cho nhà thơ nhìn thấy sự chia lìa cả trong những sự vật vốn không thể chia lìa - gió, mây. Nhịp bẻ đôi “Gió... gió/ mây... mây” khiến ta có cảm giác gió, mây bị đóng khung tạo nên hai thế giới cách biệt trớ trêu, ngang trái như chính tình yêu cuộc sống của Hàn Mặc Tử với cuộc đời này. Dòng nước được nhìn bằng tâm trạng, trong biện pháp nhân hoá trở thành dòng tâm trạng để trở nên buồn thiu. Hoa bắp lay như phụ hoạ cùng gió mây và dòng nước hay chính là cái lắt lay của kiếp người giữa dòng đời vô tận? Tất cả cảnh vật bỗng chốc tan tác, chia lìa, hắt hiu.

Trơ trọi một mình giữa không gian buồn thiu ấy, thi sĩ đi tìm một điểm tựa, một chỗ bấu víu, đó là trăng. Không tìm thấy sự hài hòa trong thế giới thanh sắc của cõi thực, thi sĩ lãng mạn đi tìm sự đồng điệu trong thế giới của cõi mộng. Cả không gian thơ được bao bọc, tràn ngập ánh trăng. Trăng là ánh sáng của cõi mộng. Được vây bọc trong ánh sáng của cõi mộng, vạn vật như thoát xác, rũ bỏ mọi đường nét, màu sắc thế tục để sông hóa thành sông trăng, thuyền hóa thành thuyền chở trăng và bóng ai đó trở thành người trong mộng tưởng của thi nhân. Trong thế giới hư ảo đó, con thuyền trăng đang chở cả niềm khát khao sống, chở cả niềm thiết tha cuộc sống của chủ thể trữ tình mải miết dọc sông trăng tìm đến bến trăng.

Cảnh đêm trăng đẹp như một ảo ảnh. Nhưng rồi, một chữ kịp đặt trong hình thức của câu hỏi tu từ Có chở trăng về kịp tối nay? đã xóa nhòa không gian trăng thơ mộng, còn lại một sự hối thúc, khẩn thiết trong cuộc chạy đua của thân phận mong manh với thời gian, trong mong ngóng, khắc khoải. Bao nhiêu khát khao, hi vọng gặp được sự đồng cảm, đồng điệu dồn cả vào chữ kịp và cất lên tiếng nói trữ tình bâng khuâng, da diết qua hình thức câu nghi vấn của câu thơ. Không biết tối nay là tối nào, và không biết có kịp không, nhưng lắng trong âm điệu thiết tha của câu thơ ta vừa như thấy cả niềm hi vọng lại vừa như cảm nhận được sự tuyệt vọng. Khát khao sống chưa bao giờ mãnh liệt đến thế. 

Sự sống hư ảo

Nếu ở khổ thơ mở đầu cảnh rất thực, rất rõ nét thì đến khổ hai cảnh đã có sự chuyển hoá giữa thực và ảo. Nếu ở khổ một còn đầy ắp sự sống thì khổ hai đã là sự giao thoa giữa sự sống và sắc màu ảm đạm. Đến khổ thơ kết, không gian trở nên hư ảo, sự sống chấp chới giữa miền hư không:

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

Mơ đã là một thế giới xa xăm. Đối tượng mơ là khách, nhưng là khách đường xa. Trong câu thơ đã có một sự xa vời trong khoảng cách giữa hai thế giới. Khi điệp lại nhịp khách đường xa thì khoảng cách giữa chủ thể mơ và khách thể - khách đường xa bị đẩy ra xa hơn. Chủ thể mơ còn đứng đó, nhưng khách đường xa thì đã tận phía cuối con đường. Đó phải chăng là khoảng cách giữa nhà thơ với cuộc đời khi cái thực như vụt biến trong cả giấc mơ. Khách đường xa được điệp lại trong câu thơ mở đầu đoạn tạo nên nhịp thơ dồn dập, khẩn thiết, tiếng lòng với cuộc đời cũng bởi thế trở nên thiết tha hơn.

Trong thế giới xa xăm, thế giới của mộng ước vẫn còn đó bóng dáng em, nhưng Áo em trắng quá, nhìn không ra. Em ở đây có thể là cô gái Vĩ Dạ nhưng cũng có thể là hình ảnh kết tinh vẻ đẹp cuộc đời, là hiện thân của vẻ đẹp trần thế. Cùng với khoảng cách xa vời, chới với giữa thực tại và mơ, chủ thể trữ tình đã xác nhận sự thật nhìn không ra. Ở đây - nơi Hàn Mặc Tử đang giam mình, là “lãnh cung định mệnh”, là bên kia của cõi sống đã mờ nhân ảnh, chỉ còn khắc khoải một chữ tình với câu hỏi mang nhiều sắc thái: Ai biết tình ai có đậm đà? Trong câu thơ vọng về nỗi xót xa: Hỏi người, hỏi đời, hỏi mình, hỏi để ngóng chờ, hi vọng mong manh, hỏi trong tuyệt vọng... Tình ai? Ai biết? Đại từ phiếm chỉ ai đã biến tiếng nói nội tâm rất riêng tư của thi nhân thành câu hỏi ngàn đời, dành cho tất cả những ai đang khao khát yêu thương, khát khao sự đồng điệu, đồng cảm.

Dù là tràn lên trên bề mặt câu chữ hay ẩn giấu, khuất chìm sau “mặt nạ” hình ảnh thì chảy suốt dọc bài thơ ta vẫn nhận ra niềm khát khao sống mãnh liệt của một số phận bi thương. Tiếng lòng của nhà thơ gợi lên ở người đọc một niềm cảm thương, một niềm trân trọng.

Kết cấu ba khổ, chuyển làn chuyển cảnh không theo logic thông thường nhưng vẫn kết dính, liền mạch trong sự vận động của tâm trạng chủ thể trữ tình, mạch cảm xúc thơ kín đáo khiến người đọc cảm nhận nhưng khó cắt nghĩa, lí giải, đó cũng là điều làm nên sự hấp dẫn của thi phẩm này.

Nhà thơ Chế Lan Viên thật xác đáng khi quả quyết: Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi và còn lại của cái thời kì này chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử. Với sức sáng tạo dồi dào, mãnh liệt, với thế giới nghệ thuật phong phú, có phần bí ẩn, Hàn Mặc Tử thực sự đã để lại ánh sáng của ngôi sao Chổi trên bầu trời thơ ca Việt Nam hiện đại.

Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử gồm ba khổ với ba cảnh đứt nối: Khổ đầu, mở ra cảnh vườn thôn Vĩ với vẻ đẹp tinh khôi, tràn đầy sức sống, với nắng hàng cau, nắng mới lên, với vườn ai mướt quá xanh như ngọc, nhưng đến khổ thơ thứ hai lại là cảnh sông nước, gió mây huyền ảo, chia lìa, khi Gió theo lối gió, mây đường mây, khi Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay, và bài thơ khép lại trong cái mông lung của sương khói cùng bóng người chập chờn xa khuất. Thế nhưng, lặn sâu trong mỗi khổ thơ tạo nên mạch ngầm kết nối ba đỉnh núi theo kết cấu cóc nhảy ấy, chúng ta sẽ nhận ra tiếng lòng thiết tha với cuộc sống của một thi nhân đang ở bên bờ vực của nỗi tuyệt vọng. Dòng chảy liền mạch trong cảm xúc chính là logic nội tại của bài thơ. Đó cũng chính là một bí ẩn và là một đặc điểm của thơ Hàn Mặc Tử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ