Dạy thêm - học thêm: Nhu cầu có thật

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đáp ứng nhu cầu, nhiều mô hình dạy thêm được mở ra...

Nhiều mô hình dạy thêm miễn phí được mở ra để hỗ trợ học sinh nghèo. Ảnh Ngô Chuyên.
Nhiều mô hình dạy thêm miễn phí được mở ra để hỗ trợ học sinh nghèo. Ảnh Ngô Chuyên.

Không chỉ học sinh hổng kiến thức, kết quả học tập chưa tốt có nhu cầu học thêm, mà nhiều trò giỏi để đáp ứng yêu cầu một số cuộc, kỳ thi trong và ngoài nước… cũng chủ động tìm đến học thêm.

Có cung ắt có cầu

Chị Nguyễn Lan Anh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có hai con gái đều học thêm một số môn chính khóa như: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Việc học thêm do các con tự nguyện tham gia với mong muốn củng cố, nâng cao kiến thức các môn học để thi tốt nghiệp THPT và lựa chọn để xét tuyển đại học. Trong đó, với môn Tiếng Anh, chị Lan Anh đầu tư cho hai con học IELTS để lấy chứng chỉ quốc tế.

Chị Lan Anh chia sẻ: “Những năm qua, điểm xét tuyển vào các trường tốp đầu tương đối cao nên học thêm giúp các con củng cố kiến thức nền, mở rộng nội dung nâng cao và tăng khả năng cạnh tranh. Gia đình không ép nhưng các cháu có mong muốn đỗ vào trường tốp đầu nên chủ động xin đăng ký học. Vợ chồng tôi sắp xếp lịch học cho con dựa trên thời gian biểu và điều kiện gia đình”.

Chị ví dụ, học IELTS không chỉ giúp con củng cố tiếng Anh, mà còn mở rộng 2 kỹ năng mà học sinh Việt Nam chưa thành thạo là nghe và nói. Các con học cách xử lý tài liệu học thuật bằng tiếng Anh, nhận thức rõ hơn giá trị việc học ngôn ngữ, khám phá nhiều phương pháp học như nghe TEDTalk, đọc sách ngoại văn… “Từ việc coi học tiếng Anh để thi đại học, các con đã chuyển sang học tích cực, chủ động bởi nhận thức được tầm quan trọng”, chị Lan Anh chia sẻ.

Từ trải nghiệm cá nhân, chị Lan Anh nhìn nhận bố mẹ cần tôn trọng, ủng hộ quyết định của con, không ép buộc nếu con không muốn học thêm vì sẽ phản tác dụng. Ngược lại, phụ huynh cần giúp con nhận ra điểm yếu trong kiến thức, kỹ năng và cùng tìm cách bù lấp phù hợp. Hiện có nhiều hình thức học thêm như online, gia sư, nhóm... đáp ứng nhu cầu học tập từng cá nhân.

Lê Hà Linh – học sinh lớp 12, Trường THPT Kim Liên (Đống Đa – Hà Nội) đang học thêm môn Toán, Tiếng Anh mỗi môn 3 buổi/tuần. “Học ở lớp được thầy cô dạy đầy đủ kiến thức, nhưng em đặt mục tiêu 2 môn học này điểm phải ‘bật lên’, như vậy cơ hội đỗ vào trường đại học với ngành học có đông thí sinh lựa chọn, lấy điểm cao… sẽ chắc chắn hơn. Vì chủ động, việc học đáp ứng được mong muốn kiến thức nên em không cảm thấy mệt mỏi hay quá sức…”, Hà Linh chia sẻ.

Học thêm không chỉ là nhu cầu của học sinh thành phố lớn, tại Can Lộc (Hà Tĩnh), nhu cầu học thêm cũng khá lớn. Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hòa - giáo viên một trường tiểu học huyện Can Lộc, phụ huynh, học sinh không còn xu thế học thêm ở trung tâm mà thành lập nhóm nhỏ rồi mời giáo viên đến giảng dạy. Cô Hòa đang nhận 2 lớp dạy tại nhà do phụ huynh chủ động mời.

“Quan điểm của tôi khi dạy thêm là tôn trọng nhu cầu, mong muốn của phụ huynh, học sinh. Quá trình học, không nhất thiết buổi nào cũng dạy kiến thức mà có thể rèn các kỹ năng mềm, phát hiện thế mạnh để định hướng các em phát triển đúng hướng. Ví dụ: Em nào giỏi âm nhạc, hội họa hay thể thao có thể tư vấn cho phụ huynh phát triển các môn năng khiếu thay vì ép con nhất nhất học tốt môn Toán, Tiếng Việt…”, cô Hòa cho hay.

Được biết tại lớp học thêm, nhiều học sinh của cô Hòa khi gặp khó khăn, không thể chia sẻ với gia đình, đã giãi bày với cô. Cô Hòa không chỉ hỗ trợ củng cố, nâng cao kiến thức mà từ lâu đã trở thành “cầu nối” tâm tư, nguyện vọng của trò đến phụ huynh; từ đó cô cũng hiểu hơn về trò để có phương án hỗ trợ, tư vấn tâm lý.

Học sinh Ba Vì, Hà Nội tham gia học thêm miễn phí tại nhà văn hóa thôn Đoài. Ảnh: Ngô Chuyên

Học sinh Ba Vì, Hà Nội tham gia học thêm miễn phí tại nhà văn hóa thôn Đoài. Ảnh: Ngô Chuyên

Không vì lợi ích kinh tế

Cô Nguyễn Thị Hòa đánh giá, nhu cầu học thêm từ học sinh, phụ huynh khá lớn, vì vậy, một bộ phận giáo viên nhân cơ hội này biến dạy thêm thành dịch vụ kinh doanh, chạy đua theo số lượng, đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu dẫn đến chất lượng lớp học không đảm bảo; chưa kể một số tiêu cực khác làm mất lòng tin của phụ huynh và xã hội.

“Nhiều phụ huynh khi con chuẩn bị thi học kỳ đến nhờ tôi dạy kèm. Tuy nhiên, quan điểm của tôi khi tới lớp dạy thêm không chỉ dạy kiến thức, mà còn tăng cường các kỹ năng, chia sẻ với học trò… tạo môi trường thoải mái để các em học tập, phát triển sở trường, gia cố kiến thức. Do đó, tôi không quá tham số lượng để giảm chất lượng của lớp học”, cô Hòa nhấn mạnh.

Tại Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn, học sinh đa số là người dân tộc thiểu số, vì vậy không có điều kiện đi học thêm tại các trung tâm, lò luyện thi. Do đó, nhà trường đã vận động giáo viên dạy thêm miễn phí cho các em ngay tại trường vào buổi tối, thời gian 1,5 – 2 giờ/buổi. Lúc này, các thầy cô sẽ ôn lại phần kiến thức khó trên lớp do giới hạn thời gian chưa kịp “đào sâu”. Cùng đó, đưa ra bài tập ứng dụng để học sinh nào chưa hiểu thì thầy cô giảng lại. Việc hỗ trợ, củng cố kiến thức đặc biệt ưu tiên với học sinh lớp 12.

Cô Vương Xuân Thuận – Hiệu trưởng nhà trường cho biết “Nhu cầu học thêm củng cố kiến thức, cải thiện điểm cho các kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp THPT hay thi cuối kỳ là có. Nhà trường nắm được nhu cầu và hiểu các em còn khó khăn trên nhiều phương diện nên chủ động vận động giáo viên dạy thêm trên tinh thần tự nguyện, không thu phí. Các buổi học thêm, chúng tôi phân loại năng lực học sinh để giáo viên đưa ra bài giảng, chương trình học phù hợp, giúp các em theo kịp chương trình, tạo động lực học tập…”.

Nhằm đáp ứng nhu cầu học thêm (phụ đạo và bồi dưỡng) của học sinh, Trường THCS – THPT Phenikaa (Hà Nội) tổ chức giảng dạy ngay tại trường. Các lớp học dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn giúp học sinh củng cố kiến thức, tạo môi trường học tập thuận lợi và linh hoạt.

Dù học ngoài giờ nhưng trường phân loại dựa trên năng lực và điều chỉnh phương pháp cho từng nhóm (giỏi, yếu, trung bình). Việc đưa ra bài giảng cũng tùy thuộc vào năng lực, lắng nghe ý kiến học sinh về nhu cầu học tập làm tăng tính thực tế và hiệu quả quá trình giảng dạy. - Cô Đoàn Thu Hà (Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Phenikaa)

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ