Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần mạnh tay hơn nữa mới có thể trị tận gốc thực trạng đang diễn ra tràn lan.
“Biến tướng, lách luật”
Vừa hết giờ làm, chị Nguyễn Thị Diệp ở tổ 13, phường Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) vội vã rời công sở để về đưa con đi học thêm. Chị kể, 7 ngày trong tuần, con chị đều có lịch học thêm, với đủ các môn. Riêng môn Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn, con còn học mấy nơi như: Ở trường, trung tâm do giáo viên nhà trường dạy và 1 buổi học online. Mỗi tháng, tiền học thêm cho một đứa con cũng tốn khoảng 5 triệu đồng.
“Nhìn lịch học thêm dày đặc của con thấy ngao ngán. Có hôm, cháu học thêm 3 ca vào buổi chiều, đến gần 22 giờ mới về đến nhà. Hôm nào không đưa đón được con đi học, nhà tôi phải thuê người chở”, chị Diệp phân trần và nhận xét, học thêm các chương trình liên kết trong trường chưa hẳn đã phù hợp với đại đa số học sinh, đặc biệt là em tiếp thu chậm. Bởi vậy, chất lượng các buổi học chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
“Biết là vậy nhưng sau khi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm đưa ra một loạt giấy tờ để phụ huynh ký theo hình thức cam kết, tự nguyện; trong đó có việc học thêm tại trường, trung tâm, học tiếng Anh liên kết. Và phụ huynh gần như không thể từ chối”, chị Diệp chia sẻ.
Theo cô Phạm Thị Nhung - Trường Tiểu học Thiện Phiến (Tiên Lữ, Hưng Yên), không phải tất cả học sinh cần học thêm, nhất là với trẻ tiểu học. Phụ huynh không nên cho con đi học thêm bên ngoài theo kiểu “nhồi nhét”. Chỉ cần các em học chắc kiến thức trên lớp là đạt yêu cầu.
Trên thực tế, lợi dụng nhu cầu học thêm của phụ huynh, học sinh, nhiều giáo viên, cơ sở giáo dục đã “lách luật” để tổ chức dạy thêm nhằm gia tăng thu nhập. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, điều này trái với Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GD&ĐT “Ban hành quy định về dạy thêm, học thêm”. Cách mà nhiều giáo viên, cơ sở giáo dục đã và đang làm là: Liên kết với các trung tâm bên ngoài để tổ chức dạy thêm, học thêm. Do đó, cần sớm chấm dứt tình trạng trên.
Lớp học của Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: NTCC |
“Lệnh cấm” có đủ uy?
Nhiều địa phương đã có văn bản chỉ đạo và chấn chỉnh vấn nạn trên. Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang cho biết, Sở cấm dạy thêm - học thêm trái quy định.
“Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm đối với các đơn vị trực thuộc, đơn vị thuộc quyền quản lý, đặc biệt là giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật”, ông Trí nhấn mạnh và cho biết, thủ trưởng các đơn vị sẽ chịu trách nhiệm trước giám đốc sở GD&ĐT trong công tác quản lý việc tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm đối với cá nhân, đơn vị thuộc thẩm quyền.
Sở GD&ĐT Nam Định ban hành Công văn số 1639/SGDĐT-GDTrH gửi phòng GD&ĐT các huyện, thành phố; trường THPT trong tỉnh để chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm năm học 2023 - 2024. Theo nội dung công văn, một số cơ sở giáo dục và giáo viên đang tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng với quy định của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT, tạo dư luận không tốt trong học sinh, phụ huynh và xã hội.
Sở GD&ĐT Nam Định yêu cầu các trường THPT, phòng GD&ĐT chỉ đạo trường trên địa bàn không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Học sinh có nhu cầu học thêm tự nguyện viết đơn xin học thêm và được gia đình đồng ý (cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ trực tiếp ký đơn).
Trường hợp các cơ sở giáo dục triển khai hoạt động dạy thêm, học thêm phải đúng quy định về thời gian, thời lượng và các yêu cầu khác. Lưu ý, không dạy thêm, học thêm với học sinh học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, dạy tiếng Anh theo Đề án của UBND tỉnh.
Sở GD&ĐT Nam Định cũng yêu cầu, không được dạy quá 5 buổi/tuần đối với lớp 9, lớp 12 và không quá 4 buổi/tuần đối với các khối lớp còn lại ở cấp trung học; không dạy quá 4 tiết/buổi; không tổ chức dạy thêm, học thêm vào ngày Chủ nhật, ngày lễ và sau 17 giờ 30 phút các ngày trong tuần. Không tự ý cho giáo viên trong trường mượn hoặc thuê cơ sở vật chất, tài sản nhà trường để tổ chức dạy thêm, học thêm...
Hoan nghênh các địa phương đã có động thái tích cực trong việc chấn chỉnh tổ chức dạy thêm, học thêm, song PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, các địa phương mới tập trung giải quyết phần ngọn của vấn đề và thực hiện bằng mệnh lệnh hành chính; trong khi gốc rễ là lương và thu nhập của giáo viên còn thấp. Giải quyết được bài toán này mới hy vọng tình trạng dạy thêm, học thêm được đẩy lùi.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, một số vụ việc khi được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nhưng vai trò của hiệu trưởng còn mờ nhạt. Do đó, cần bổ sung quy định xử lý nghiêm người đứng đầu nếu xảy ra dạy thêm, học thêm sai quy định trong trường; thậm chí nếu giáo viên của trường dạy thêm sai quy định cũng phải xử lý vai trò, trách nhiệm quản lý của hiệu trưởng.
PGS Trần Xuân Nhĩ nhìn nhận, tiền học thêm mà phụ huynh phải nộp cao hơn nhiều lần so với mức học phí. Để xóa bỏ vấn nạn này, một trong những giải pháp là đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý; đồng thời công khai các đơn vị được cấp phép dạy thêm để phụ huynh, học sinh nắm được.