Dạy thêm - học thêm: Biến tướng từ đâu?

GD&TĐ - Là nhu cầu có thật đến từ ba phía phụ huynh, HS và GV, nhưng do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, hoạt động dạy thêm - học thêm trở nên biến tướng.

Học sinh một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng
Học sinh một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Bệnh thành tích vẫn còn

Trong các nguyên nhân sinh ra “biến tướng” của hoạt động dạy thêm - học thêm, nhiều chuyên gia thẳng thắn cho rằng: Bệnh thành tích, tư tưởng trọng bằng cấp trong xã hội còn nặng nề.

Năm 2004, Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TPHCM công bố công trình báo cáo khoa học “Nghiên cứu những hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm - học thêm và đánh giá hiệu quả các giải pháp quản lý đối với hiện tượng tiêu cực đó trong giáo dục phổ thông ở TPHCM”. Nghiên cứu khảo sát 38 trường phổ thông (11 trường tiểu học, 12 trường THCS và 15 trường THPT). Theo đó, nhiều phụ huynh chia sẻ việc cho con đi học thêm là do mong muốn con học giỏi hơn và đạt kết quả thi cao hơn.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM), phụ huynh hiện nay phần lớn kỳ vọng mục tiêu cho con đỗ vào trường điểm, trường đại học tốp đầu. Trong khi đó, các kỳ thi vào trường chuyên, lớp chọn hay đại học luôn có sự cạnh tranh gay gắt. Nếu chỉ học kiến thức trong trường, lớp, cơ hội cạnh tranh của học sinh rất thấp.

“Do đó, xảy ra cuộc đua học thêm và có các cơ sở dạy thêm mở ra để đáp ứng. Nhiều phụ huynh có thu nhập cao, lại ít con, không tiếc tiền đầu tư cho học hành”, thầy Huỳnh Thanh Phú nói thêm.

Trong khi đó, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, học sinh giỏi và kể cả những học sinh kém và khá đều có nhu cầu học thêm. Người học luôn muốn học ở trình độ cao hơn, dễ kiếm việc và cạnh tranh trên thị trường lao động.

Ngay cả khi nhiều cơ hội vào đại học mở ra, người học lại muốn vào các trường tốp trên, tốt nhất. Ngoài ra, do yếu tố văn hóa trọng bằng cấp (địa vị xã hội, tuyển dụng việc làm, ganh đua...), thiếu thông tin tư vấn hướng nghiệp và thị trường việc làm... cũng dẫn đến cuộc đua học thêm.

Một cơ sở dạy thêm tại TPHCM tháng 12/2019. Ảnh: Lê Nam

Một cơ sở dạy thêm tại TPHCM tháng 12/2019. Ảnh: Lê Nam

Đời sống giáo viên eo hẹp

Cô Đ.T.T (giáo viên một trường tiểu học ở TP Pleiku, Gia Lai), có thâm niên hơn 20 năm công tác chia sẻ: “Nếu không dạy thêm, tôi không đủ tiền để trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học. Vợ chồng đều là viên chức, thu nhập mỗi người chưa tới 10 triệu đồng/tháng, không có thu nhập ngoài thì xoay xở thế nào”. Nhiều năm trước, cô T. mở một lớp dạy thêm ở nhà, đón gần 10 trẻ ở lớp về ăn cơm, ngủ trưa và học vào buổi chiều. Đây là những đứa trẻ mà cha mẹ không có thời gian đón vào giờ tan học.

“Mức sống ở các đô thị cao hơn ở nông thôn, nhưng thu nhập của giáo viên ở hai vùng không khác biệt nhiều. Do đó nhiều thầy cô phải tính đến việc dạy thêm để cải thiện thu nhập”, TS Hoàng Ngọc Vinh lý giải hiện tượng này. Theo ông, đồng lương giáo viên không đủ sống trong các khu vực kinh tế phát triển do nhu cầu tiêu dùng tăng là yếu tố khách quan buộc các nhà giáo phải dạy thêm bằng lao động của mình.

Khi giáo viên phải tìm cách xoay xở bài toán thu nhập, dễ nảy sinh các trường hợp ép buộc học sinh học thêm. Ở thành phố, thu nhập, mức sống cao nhưng không có nghĩa là không có hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn. Không ít gia đình phải chắt bóp chi tiêu cho con em được học thêm. Những tiêu cực, biến tướng cũng phát sinh từ đây.

Thầy Huỳnh Thanh Phú đồng tình quan điểm trên khi cho rằng, đồng lương giáo viên chưa thể cải thiện, dạy thêm sẽ giúp họ có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống. Do đó, nếu tạo cơ hội cho giáo viên kiếm thu nhập chính đáng từ việc dạy thêm sẽ hạn chế được việc lách luật, dạy học lén lút và các hệ lụy đi cùng.

Tuy nhiên, theo quy định, giáo viên phải đến trung tâm dạy thêm được cấp phép trong khi ở hầu hết địa phương số lượng trung tâm này ít so với nhu cầu thực tế. Do đó, nhiều giáo viên bất chấp quy định, dạy thêm “chui”, tổ chức lớp dạy học tại nhà, dạy cho chính học sinh trên lớp…

Một trung tâm dạy thêm - học thêm tại quận Tân Phú, TPHCM. Ảnh: Lê Nam

Một trung tâm dạy thêm - học thêm tại quận Tân Phú, TPHCM. Ảnh: Lê Nam

Thiếu hành lang pháp lý

Ngày 16/5/2012, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm - học thêm. Việc ban hành Thông tư 17 ở thời điểm năm 2012 dựa trên cơ sở pháp lý là dịch vụ tổ chức dạy thêm - học thêm được đưa vào danh mục trong Luật Đầu tư là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chính vì vậy, Thông tư 17 mới có cơ sở để quy định điều kiện về tổ chức dạy thêm học thêm.

Tuy nhiên, sau này, Luật Đầu tư được sửa đổi, bổ sung đã đưa dạy thêm - học thêm ra khỏi danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, năm 2019, Bộ GD&ĐT ban hành công bố 8 điều trong Thông tư 17 hết hiệu lực, gồm các quy định về tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường; yêu cầu với người tổ chức, cơ sở vật chất dạy thêm và những thủ tục, thẩm quyền cấp phép hoạt động này. Đồng thời, Bộ đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra chiều 6/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã chia sẻ về đề xuất đưa dạy thêm và học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thứ trưởng đánh giá, việc đưa hoạt động dạy thêm - học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện là cần thiết để cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương có thể quản lý tốt. Điều này góp phần đảm bảo về chất lượng, quyền lợi người học.

“Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện thông tư về quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm sau đó sẽ ban hành. Từ đó sẽ quản lý được về trách nhiệm của thầy cô được dạy thêm trong trường hợp nào, dạy đối tượng nào”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin.

TS Hoàng Ngọc Vinh ủng hộ đề xuất trên và nhận định, việc thiếu hành lang pháp lý rõ ràng cho dạy thêm - học thêm chính là nguyên nhân dẫn đến biến tướng của hoạt động này. Theo ông, với những phân tích ở trên, có thể thấy, hoạt động dạy thêm - học thêm không thể cấm mà chỉ có thể tìm cách quản lý chặt chẽ. Ngoài giáo viên đang làm việc tại các trường học, nhiều người cũng có nhu cầu dạy thêm như giáo viên về hưu, sinh viên sư phạm chưa tìm được việc làm, sinh viên ngành khác… nên cần quy định cụ thể để ai có nhu cầu đều có thể tham gia khi đủ điều kiện.

Khi đưa dạy thêm - học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện, Nhà nước mới có thể quy định các điều kiện mà chủ thể kinh doanh dịch vụ này phải đáp ứng và duy trì trong suốt quá trình hoạt động. Từ đó, giáo viên có nhu cầu dạy thêm, thay vì dạy “chui” sẽ có thể đăng ký kinh doanh dịch vụ, cố gắng thực hiện tốt các điều kiện theo quy định; cơ quan quản lý cũng có cơ sở giám sát, kiểm tra.

“Đừng cho rằng việc đưa vào danh mục này là thương mại hóa giáo dục, mà phải xem đây là một loại hình cung cấp dịch vụ đặc biệt, có điều kiện”, TS Hoàng Ngọc Vinh giải thích. Đi cùng với quy định của Nhà nước, các địa phương cần tổ chức lại nhân sự quản lý tốt hoạt động dạy thêm - học thêm.

Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM công bố đề tài “Dạy thêm - học thêm ở TPHCM: Thực trạng - nhu cầu - giải pháp”, thực hiện năm 2018. Trong báo cáo đề tài, một số thông tin về thu nhập trung bình hằng tháng từ việc dạy thêm của giáo viên. Theo đó, mức thu nhập lớn nhất là 20 triệu đồng và thấp nhất là 300 nghìn đồng.

Giáo viên THPT có thu nhập cao hơn giáo viên THCS, đặc biệt giáo viên có thâm niên từ 10 - 15 năm, có chuyên môn dạy các môn Toán, Lý, Hóa, Anh văn, Văn có thu nhập cao nhất và là đối tượng có xu hướng dạy thêm tại nhà riêng nhiều hơn. Tính theo tổng thu nhập trung bình một tháng đối với giáo viên có dạy thêm, nguồn thu từ lương, dạy thêm và các khoản khác thấp nhất là khoảng 7,5 triệu đồng/tháng và cao nhất từ 25 triệu đồng trở lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.