Văn bản nêu rõ, trong thời gian qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đi nắm tình hình thực tế tại một số trường tiểu học trên địa bàn về hoạt động dạy học và giáo dục, trong đó có hoạt động dạy thêm, học thêm, đồng thời ghi nhận một số phản ánh từ giáo viên, phụ huynh.
Qua đó, Sở yêu cầu trưởng Phòng GD-ĐT các quận, huyện tiếp tục phổ biến, quán triệt các văn bản có liên quan về dạy thêm, học thêm cho tòa thể cán bộ, giáo viên thuộc đơn vị mình quản lý.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc về quy định dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM và các quy định có liên quan của pháp luật.
Tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống.
Giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định về dạy thêm, học thêm, xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên áp học sinh học thêm dưới bất cứ hình thức nào....
Yêu cầu các trường tăng cường kiểm tra công tác chuyên môn của giáo viên bằng nhiều hình thức: dự giờ, dự các buổi sinh hoạt chuyên môn, kiểm tra kế hoạch bài học, nhật kí dạy học (nếu có), hồ sơ đánh giá học sinh… để hỗ trợ giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, tiến tới nâng cáo chất lượng học tập của học sinh.
Chỉ đạo giáo viên tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy phẩm chất và năng lực học sinh, đặc biệt là trong dạy học phân hóa đối tượng.
Chú trọng xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài học cụ thể, phù hợp với từng đối tượng học sinh, đặc biệt quan tâm tới đối tượng học sinh gặp khó khăn trong học tập.
Xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh gặp khó khăn trong học tập, giúp các em tiến bộ.
Trong trường hợp cần thiết, tổ chức rà soát, kiểm tra chất lượng học sinh, tuyệt đối không chạy theo thành tích, đảm bảo chất lượng học sinh khi lên lớp.
Làm tốt công tác phối hợp với phụ huynh học sinh bằng nhiều hình thức. Thông qua cuộc họp cha mẹ học sinh cần giải thích, hướng dẫn để phụ huynh hiểu những thuận lợi, khó khăn của giáo viên, học sinh trong quá trình dạy và học, tạo niềm tin và tâm lí sẵn sàng hỗ trợ con em ở nhà cho phụ huynh.
Tạo điều kiện cho phụ huynh gặp gỡ giáo viên sau mỗi buổi học nếu phụ huynh có nhu cầu.
Với những học sinh tiếp thu bài chưa như mong muốn, giáo viên cần chủ động mời phụ huynh để trao đổi, tư vấn, hướng dẫn, bàn biện pháp phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên để các em tiến bộ.