Đó là vai trò chủ đạo trong việc thiết kế, tổ chức, điều khiển, hướng dẫn, cố vấn, trọng tài, cổ động viên, bình luận viên…
Nhằm phát huy tối đa vai trò chủ động, tự giác, tích cực, độc lập, sáng tạo của sinh viên, giảng viên phải lấy hoạt động học làm trung tâm, lấy nội lực ở người học làm yếu tố quyết định cho sự phát triển.
Muốn vậy, giảng viên phải giúp sinh viên hiểu được giá trị, ý nghĩa của việc học, xác định mục tiêu, viễn cảnh tốt đẹp của hoạt động học và bằng cách nào để đạt được.
Những yêu cầu, nhiệm vụ học tập được thể hiện sinh động thông qua những tình huống có vấn đề lý thú, hấp dẫn để khơi gợi, kích thích người học hoạt động nhằm phát huy nội lực, tiềm năng trí lực của người học trong việc giải quyết vấn đề.
Đầu tư thiết kế kế hoạch dạy - tự học
Giảng viên Nguyễn Đắc Nguyên cho rằng, để dạy sinh viên tự học, bên cạnh việc giúp sinh viên nhận thức được tầm quan trọng, giá trị, ý nghĩa của môn học đối với tương lai nghề nghiệp, một việc rất quan trọng là thiết kế kế hoạch dạy - tự học rõ ràng, cụ thể, khoa học.
Thông qua bản kế hoạch này, sinh viên nắm được mục tiêu cần đạt đến, viễn cảnh về kết quả học tập, những yêu cầu, nhiệm vụ cần thực hiện (thông qua hệ thống câu hỏi có vấn đề, hệ thống bài tập… để giảng viên giao nhiệm vụ), họ được học những nội dung gì, phương pháp thực hiện như thế nào, với những phương tiện, điều kiện gì để đạt được kết quả tốt.
Do điều kiện tài liệu tham khảo thiếu thốn, giảng viên trong quá trình đọc tài liệu, tra cứu nternet nên sưu tầm tư liệu theo từng nội dung bài học và cho sinh viên photo hoặc giới thiệu nguồn tài liệu cho sinh viên tra cứu…
Cũng có lựa chọn cả những quan điểm trái ngược để rèn cho sinh viên kỹ năng xử lý thông tin biến thành tri thức của bản thân.
Các bước thực hiện quá trình dạy tự học
Các bước thực hiện quá trình dạy tự học thường được giảng viên Nguyễn Đắc Nguyên thực hiện như sau:
Trên cở sở nắm chắc kế hoạch, hệ thống câu hỏi, bài tập… sinh viên huy động nội lực, ngoại lực tự nghiên cứu, giải quyết.
Lên lớp, sinh viên tiến hành thảo luận đôi bạn, nhóm bạn…để huy động trí tuệ tập thể để hoàn thiện sản phẩm và trình bày kết quả.
Sau khi cá nhân, đại diện nhóm trình bày kết quả, sau đó các bạn khác góp ý, bổ sung, đặt những câu hỏi và tình huống chất vấn để cho cá nhân hoặc đại diện nhóm trả lời nhằm hiểu được sâu rộng tri thức.
Và cuối cùng giảng viên nhận xét, đánh giá, điều chỉnh và bổ sung nhằm đạt được mục tiêu dạy học.
Sau buổi học, giảng viên kiểm tra năm mười phút để biết được điều gì sinh viên thấy tâm đắc, bổ ích qua buổi học, những gì chưa được cần rút kinh nghiệm, những khó khăn trong học tập của sinh viên và cách khắc phục.
“Do đối tượng quen cách học thụ động, nên khi tổ chức thực hiện phải theo từng bước một như: Ban đầu, giảng viên phân công nhiệm vụ cụ thể cho những nhóm chuẩn bị trình bày nội dung; chuẩn bị phần nhận xét, bổ sung, đặt câu hỏi chất vấn…
Khi đã quen với cách làm việc, giảng viên có thể ưu tiên xung phong và kết hợp gọi bất kỳ cá nhân, nhóm trình bày kết quả, nhận xét đánh giá và đặt câu hỏi chất vấn để huy động toàn lớp hoạt động và có ý thức trách nhiệm trong học tập” - giảng viên Nguyễn Đắc Nguyên nhấn mạnh.