Tại Bệnh viện An Bình (TPHCM), âm ngữ trị liệu là mô hình đem lại những cơ hội mới cho những người sau đột quỵ, giúp họ cải thiện khả năng giao tiếp.
Hạnh phúc với tiếng nói “đầu tiên”
Từng là một người vui vẻ, hoạt ngôn, ông V. 50 tuổi (TPHCM) bất ngờ bị nhồi máu não trái dẫn đến tình trạng yếu nửa người phải. Bệnh nhân còn bị viêm và phù nề vùng thanh quản nặng không thể phát âm thành tiếng. Cuộc sống trở nên bế tắc khi cả gia đình phải sống trong sự bối rối, căng thẳng vì không ai biết cách nào để giao tiếp với ông.
Khi đến Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình (TPHCM), ông V. không thể phát ra bất kỳ âm thanh nào, chỉ có thể nhận biết được vật dụng quen thuộc và hiểu được câu ngắn, đơn giản. Bác sĩ chẩn đoán ông mất ngôn ngữ và rối loạn giọng nói, dẫn đến tình trạng mất khả năng giao tiếp nghiêm trọng. Ông V. bắt đầu hành trình phục hồi đầy gian nan.
Sau nhiều nỗ lực tập luyện với sự hướng dẫn của tập thể chuyên gia và chuyên viên âm ngữ trị liệu Khoa Phục hồi chức năng, niềm hạnh phúc vỡ oà, cùng tia hy vọng bắt đầu lóe lên khi ông V. cất tiếng nói “đầu tiên” sau biến cố cuộc đời.
“Lúc ấy đang là bữa cơm, đột nhiên anh ấy nói chuyện. Những tiếng nói quen thuộc mà đã hơn 3 tháng rồi chúng tôi không thể nghe được. Con trai tôi khóc vì vui mừng khi nghe lại giọng nói của ba mình”, vợ ông V. chia sẻ.
Hiện tại, sau quá trình điều trị, ông V. đã có thể nói chuyện, giao tiếp, thể hiện cảm xúc bằng chính lời nói của mình, tranh luận với bệnh nhân khác trong những buổi tập nhóm nâng cao, mang lại niềm hạnh phúc cho ông và cả gia đình.
Mô hình mang đến niềm tin, hy vọng
Mô hình “Âm ngữ trị liệu - Phục hồi giao tiếp nhằm đem lại ý nghĩa cuộc sống cho người sau đột qụy” của Bệnh viện An Bình, do TS.BS Lê Khánh Điền, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình, Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ trị liệu Châu Á - Thái Bình Dương, tiên phong gây dựng.
Ông V. là một trong số rất nhiều bệnh nhân được bác sĩ Điền cùng đồng nghiệp giúp cải thiện khả năng giao tiếp, thay đổi nhiều số phận, đem lại hy vọng và niềm tin trong việc đối mặt với những thách thức của cuộc sống sau đột qụy.
Theo bác sĩ Điền, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau đột qụy rất quan trọng. Trước đây, chúng ta chỉ quan tâm tới vận động đi đứng của bệnh nhân, tuy nhiên, phục hồi chức năng không chỉ riêng việc đi đứng mà còn nhiều chức năng quan trọng mà người bình thường thấy đơn giản, nhất là việc giao tiếp ngôn ngữ.
“Sau đột qụy, bệnh nhân không đi, đứng và nói được, đó là một bi kịch rất lớn cho cả bệnh nhân và gia đình họ. Những bệnh nhân sau đột qụy, muốn diễn tả được nỗi lòng hay muốn người thân làm gì đó cho mình quả thật muôn vàn khó khăn vì giọng nói hầu như không phát ra thành tiếng tròn vành rõ chữ”, bác sĩ Điền nói.
Nhiều trường hợp vì không thoả được ước muốn, họ cáu gắt, trầm cảm, ảnh hưởng tâm lý, người nhà cũng khổ sở khi không hiểu người bệnh cần gì. Dần dần, họ sẽ bị tách biệt với gia đình và xã hội.
Hơn chục năm trước, bác sĩ Điền chứng kiến nhiều bệnh nhân sau đột qụy và chấn thương sọ não bị rối loạn ngôn ngữ và rối loạn nuốt. Dây thanh quản liên quan đến 3 chức năng quan trọng: Nói, nuốt, thở.
Không chỉ mất khả năng nói, bệnh nhân còn khó nuốt, miệng không ngậm lại được nên cằm ướt nhễu nhão, bị sặc với nước bọt của chính mình. Nỗi bất lực khi thấy người bệnh khổ sở đã thôi thúc bác sĩ Điền tìm tòi học hỏi nghiên cứu để giúp đỡ các người bệnh đột qụy ở Việt Nam.
Trở về từ Đại học Newcastle - Úc sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ ngôn ngữ trị liệu, bác sĩ Điền triển khai điều trị phục hồi mất ngôn ngữ cho người bệnh sau đột qụy tại Bệnh viện An Bình ngày càng chuyên nghiệp bài bản. Đội ngũ y bác sĩ, các kỹ thuật viên đã luôn cố gắng nỗ lực bằng kết hợp điều trị phục hồi cá nhân, điều trị phục hồi nhóm và hoạt động hỗ trợ phục hồi chức năng xã hội.
Theo bác sĩ Điền, khôi phục lại chức năng nói cho bệnh nhân sau đột qụy đôi khi vì nhiều lý do bị lãng quên và ít có cơ sở y tế triển khai thực hiện. Trên thế giới, tại các đất nước tiên tiến phát triển, phục hồi chức năng hiện nay là cả một mô hình.
Âm ngữ trị liệu không chỉ là việc học từ vựng mới hay rèn luyện khả năng diễn đạt, mà còn là một quá trình tâm linh, tạo điểm tựa tích cực cho người bệnh.
Đơn vị ngôn ngữ trị liệu của Bệnh viện An Bình thành lập 2013, trực thuộc Khoa Vật lý trị liệu y học cổ truyền. Chương trình điều trị phục hồi mất ngôn ngữ cho người bệnh sau đột qụy được áp dụng theo khung International Classification of Functioning, Health and Disability (ICF) của Tổ chức Y tế thế giới đưa ra năm 2001.
Khung ICF dựa trên mô hình sinh học tâm lý xã hội, nhấn mạnh vào việc phục hồi chức năng của một cá nhân ở mức độ cơ thể, mức độ hoạt động tại nhà và mức độ tham gia xã hội hơn là vào bệnh tật, tăng cường chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Mô hình “Âm ngữ trị liệu - Phục hồi giao tiếp nhằm đem lại ý nghĩa cuộc sống cho người sau đột quỵ” của Bệnh viện An Bình, do bác sĩ Điền cùng đồng nghiệp tiên phong gây dựng, được trao giải Thành tựu y khoa Việt Nam 2023. Hơn 2 năm triển khai, bệnh viện đã thành công trong việc thực hiện âm ngữ trị liệu cho gần 300 trường hợp.