Rối loạn tâm lý học đường
Theo một khảo sát của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng nằm trong dự án Nghiên cứu stress ở thanh thiếu niên được tiến hành tại nhiều trường học ở Đà Nẵng, khoảng 20% học sinh các trường THPT bị rối loạn tâm lý, trong đó tỷ lệ nữ chiếm 10%.
Nguyên nhân chiếm tỉ lệ cao nhất dẫn đến tình trạng này, theo như kết quả khảo sát, là do áp lực học tập. Từ đây, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, dưới sự hỗ trợ của Tiến sĩ tâm lý lâm sàng Bahr Weiss, Trường ĐH Vanderbilt (Hoa Kỳ) đã phối hợp với Sở GD&ĐT Đà Nẵng triển khai một số dự án mang tính chuyên sâu về chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường, trong đó, học sinh được trang bị các kỹ năng tự giải quyết vấn đề và tự lựa chọn phương án giải quyết vấn đề.
Giáo án của chương trình Rèn luyện kỹ năng – Nâng cao học tập gồm 8 bài học được cơ cấu nội dung như nhận biết các dấu hiệu stress, hướng dẫn cách giảm tải các hoạt động tâm thần, cách tạo cảm giác tự tin trước khi giải quyết các vấn đề… Các bài học được xây dựng dưới dạng nhóm, các hoạt cảnh, trò chơi… để tạo cảm hứng cho học sinh.
Bác sĩ Trung ví dụ, như trong vấn đề bạo lực học đường, ngay cả người bị gây bạo lực, hay chúng ta thường gọi là nạn nhân cũng có một phần “lỗi” nhất định. Đó là kỹ năng thuyết phục. Phải biết cách nói làm sao để giúp đối phương “hạ hỏa” để không đến mức phải dùng bạo lực. Theo bác sĩ Trung, thành công nhất của dự án can thiệp sức khỏe tâm lý học đường là Bệnh viện đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía ngành GD&ĐT về những vấn đề liên quan đến tâm lý trong trường học.
N.B.T (học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Hiền, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Em không còn tìm cách trốn tránh hay cảm thấy lo lắng trước vấn đề thầy cô đưa ra trong giờ học. Em cũng hình thành cho mình cảm xúc bình tĩnh, biết trấn áp những suy nghĩ tiêu cực dễ khiến mình nổi nóng hay có lời nói, hành động xấu với bạn bè, với thầy cô và mọi người xung quanh”.
Trước đây, khi chứng kiến các bạn cãi nhau vì những hiểu lầm nhỏ nhặt trong học tập, đôi khi xích mích với nhau vì chuyện tình cảm bạn bè và nhất là những phản ứng tiêu cực trong tình yêu tuổi học trò… N.B.T chỉ biết im lặng hoặc đồng ý với ý kiến, thái độ của số đông các bạn trong lớp.
Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề do giáo viên tư vấn tâm lý tiến hành, học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền được trang bị các bài tập thể dục nhằm phục hồi sức khỏe hậu Covid-19. “Việc học sinh học trực tuyến trong một thời gian dài đã ảnh hưởng nhất định đến tâm lý. Các em tiếp xúc quá nhiều với Internet đã ảnh hưởng đến sức khỏe, khó hòa nhập trở lại với môi trường học đường khi trở lại học trực tiếp. Vì vậy, nhà trường có thêm những buổi tư vấn chuyên sâu cho những em gặp các vấn đề tâm lý để có những hỗ trợ phù hợp”, cô Trần Thị Minh Huệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Sinh viên tham gia lớp học ép hoa do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (ĐH Đà Nẵng) tổ chức. |
Những workshop thư giãn
Nằm trong chuỗi hoạt động giúp sinh viên nâng cao sức khỏe tinh thần, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK – ĐH Đà Nẵng) tổ chức buổi dạy vẽ dành cho các “họa sĩ” tay ngang và không hề có một chút năng khiếu gì về hội họa. Sinh viên tham gia workshop “Vẽ tranh thư giãn” tại VNUK chỉ cần mang đến một tinh thần thoải mái, vui vẻ để khám phá bản thân và gắn kết hơn cùng bạn bè tham dự; mọi dụng cụ vẽ đều đã được chuẩn bị sẵn.
Với phương châm “ai ai cũng mang trong mình một tâm hồn nghệ sĩ. Hãy mang tâm hồn đó để vẽ nên “những nét ngang thẳng hàng, chẳng một vệt lo toan”, VNUK mong muốn mọi sinh viên đều cảm thấy vui, thoải mái, vượt qua được những áp lực trong học tập và cuộc sống từ những hoạt động nghệ thuật cộng đồng.
P.X.T (sinh viên năm cuối, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) cho biết: Cách đây mấy tháng, em đã rơi vào tình trạng lo âu, thậm chí là hoảng loạn khi chưa tìm được nơi để thực tập tốt nghiệp. Hậu Covid-19 cũng để lại nhiều di chứng về sức khỏe khiến mình dễ có những suy nghĩ tiêu cực mà không thể chia sẻ với bố mẹ. T. đã tìm đến tổ tư vấn tâm lý của nhà trường để tìm kiếm sự hỗ trợ.
“Em được các tư vấn viên hướng dẫn cách thư giãn, trao đổi để điều chỉnh suy nghĩ tiêu cực, kết hợp với việc tập thể dục hợp lý. Nhờ sử dụng liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý, em dần lấy lại được bình tĩnh, ngủ được, chấm dứt các cơn đau đầu. Các vấn đề khác vì vậy dần được tháo gỡ. Hiện em đang tập trung làm đồ án tốt nghiệp đúng như tiến độ học tập”, T. nói.
Cùng với việc mở cửa trường học toàn diện, các cơ sở giáo dục đã tổ chức nhiều sân chơi nhằm giúp sinh viên giải phóng được năng lượng xấu. Những lớp học miễn phí trang bị kỹ năng trang điểm cho sinh viên nữ, những buổi nhảy tự do đầy ngẫu hứng của VNUK, buổi đấu giá những sản phẩm handmade của sinh viên khoa Môi trường, Trường ĐH Bách khoa hay Ngày hội đổi rác lấy cây xanh của Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng… đã góp phần chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên sau đại dịch Covid-19.
Mục đích của khóa huấn luyện nhằm giúp các em có kỹ năng tự chủ, vượt qua những áp lực, với sự hỗ trợ của cha mẹ và các chuyên gia tâm lý. Khi có kỹ năng rồi thì các em sẽ vượt qua sức ép trong cuộc sống. Chúng tôi tiếp cận vấn đề theo quan điểm, nếu các em được dạy cái này thì sẽ giải quyết được cái kia. Một khi cuộc sống tinh thần tốt đẹp thì kết quả học tập của các em sẽ tốt hơn. - Bác sĩ Lâm Tứ Trung