Mùa tuyển sinh cuối cấp: Cân bằng tâm lý cho học sinh

GD&TĐ - Bước vào mùa tuyển sinh cuối cấp, học sinh phải đối mặt với hàng loạt nỗi lo từ điểm số, kết quả thi cử, định hướng tương lai và áp lực từ chính gia đình. Nếu không quan tâm và tìm cách xử trí, khắc phục sẽ dẫn đến những rối loạn tâm lý ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Trong giờ ôn tập của HS cuối cấp Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Thế Đại
Trong giờ ôn tập của HS cuối cấp Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Thế Đại

Gần 46% HS căng thẳng tâm lý

Số liệu thống kê từ Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho thấy: Trong số các bệnh nhân nhập viện điều trị rối loạn tâm thần có tới 20% số ca bệnh ở độ tuổi học sinh và có xu hướng gia tăng vào mùa thi.

Nghiên cứu về áp lực gây căng thẳng tâm lý cho HS, Chuyên gia tâm lý Lê Minh Nguyệt, Trường ĐHSP Hà Nội cho biết: Kết quả khảo sát 1.016 HS từ lớp 6 - 9 THCS ở 3 địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa ở các lĩnh vực như hoạt động học tập, quan hệ gia đình, bạn bè, giữ gìn hình ảnh thân thể, tu dưỡng phẩm chất nhân cách cho thấy, số HS thường xuyên và rất thường xuyên chịu áp lực tâm lý trong học tập chiếm tỉ lệ cao nhất 45,8%.

Kết quả nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Minh Ngọc (Trường ĐH Hoa Lư, Ninh Bình) về áp lực tâm lý trong hoạt động học tập của HS lớp 9 (tiến hành trên nhóm 356 HS lớp 9 tại Ninh Bình) cũng cho thấy, có 46,63% HS cho rằng mình phải thực hiện nhiều nhiệm vụ/bài tập.

Khi trao đổi, trò chuyện với một số HS lớp 9, các em đều có nhận xét chung: Ở lớp cuối cấp có nhiều nhiệm vụ, thách thức đối đạt bản thân, phải nỗ lực hoàn thành hoặc “mệt lắm, đi học suốt ngày”, “tăng ca kể cả ngày nghỉ”. Nhiều em “rối trí” không hoàn thành nhiệm vụ vì thiếu thời gian hay chưa tìm ra cách học, giải quyết nhiệm vụ học tập một cách tối ưu.

Một số HS luôn được cha mẹ sắp xếp lịch trình học thêm, học bồi dưỡng, củng cố, nâng cao kiến thức để thi chuyển cấp đạt kết quả tốt. Vì vậy, có những ngày, sau khi hoàn thành việc học với GV, HS về tới nhà là 21 giờ 30 hoặc muộn hơn. Do đó các khó khăn của HS gặp phải ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới thể chất, nhận thức, tình cảm và hành vi của các em.

Theo thầy giáo Đỗ Văn Đoạt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khi thực hiện khảo sát trên 290 HS THCS và THPT của Hà Nội về cách ứng phó với căng thẳng trong kỳ thi chuyển cấp, cũng cho thấy, hơn 90% khẳng định có các giai đoạn căng thẳng trong quá trình học thi chuyển cấp ở một hoặc nhiều thời điểm nào đó. Các biểu hiện căng thẳng như: Tâm trạng kém, không có khả năng tập trung, ưu phiền, thay đổi giấc ngủ thường xuyên và cô đơn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các vấn đề khác. Qua khảo sát của nghiên cứu này, có đến 65,5% HS được hỏi cho rằng nguyên nhân gây căng thẳng từ học hành và 78,5% cho rằng từ việc thi cử.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Định hướng nghề để phân luồng HS phù hợp

Theo cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, có ba nhóm nguyên nhân chính gây nên áp lực tâm lý trong hoạt động của HS lớp 9: Các tác động từ phía gia đình, nhà trường và những yếu tố nảy sinh từ chính bản thân mỗi HS.

Trên cơ sở tìm hiểu thực tế về áp lực tâm lý trong hoạt động học tập của HS lớp 9, các tác giả đã đưa ra những khuyến nghị nhằm giảm bớt áp lực tiêu cực cho HS.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, nhà trường cần tuyên truyền đến phụ huynh các biện pháp hỗ trợ con em ứng phó với áp lực tâm lý, luôn đồng hành cùng con trong mọi trường hợp, tổ chức các hoạt động nhận thức, rèn kỹ năng sống, ứng phó với áp lực tâm lý trong hoạt động học tập cho HS lớp 9.

Bên cạnh đó, chỉ đạo giáo viên đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Mặt khác, quản lý chặt chẽ giáo viên, không để tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, không chạy theo thành tích, luôn động viên, khích lệ HS; đặc biệt, chuẩn bị tâm thế bình tĩnh, tự tin cho HS trước các kỳ thi.

Cô Nguyệt cho rằng, nhà trường làm tốt công tác định hướng nghề để phân luồng HS phù hợp với điều kiện cá nhân, gia đình và yêu cầu xã hội sau khi HS hoàn thành chương trình THCS để phụ huynh và HS nhận thức đúng về nghề nghiệp. Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục nhận thức cho phụ huynh, HS lớp 9 về áp lực tâm lý trong hoạt động học tập và các biện pháp hỗ trợ con, em ứng phó với áp lực tâm lý, luôn đồng hành cùng con trong mọi trường hợp.

“Cuộc sống của HS luôn đầy áp lực và căng thẳng. Căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống nói chung HS. Nhà trường, gia đình cần thường xuyên tương tác với HS để giúp các em cải thiện thói quen học tập, quản lý thời gian hiệu quả, cách tự học, cách thư giãn và các kỹ thuật quản lý căng thẳng thiết thực nhằm đạt hiệu quả của kỳ thi chuyển cấp”,thầy giáo Đỗ Văn Đoạt chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ