Dạy nghề mở cánh cửa tái hòa nhập cộng đồng

GD&TĐ - Xã hội không nên kỳ thị, doanh nghiệp cũng bớt khắt khe trong tuyển dụng những đối tượng sau cai nghiện, tạo cơ hội để tái hòa nhập cộng đồng.

Cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy Cà Mau hướng dẫn học viên học nghề.
Cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy Cà Mau hướng dẫn học viên học nghề.

“Mình sẽ cố gắng học nghề để khi được trở về với gia đình, xã hội sẽ kiếm việc làm, không tụ tập ăn chơi, tái nghiện nữa...”, đó là lời hứa của một người bước lầm vào con đường nghiện ngập. Anh đang được hỗ trợ học nghề tại Cơ sở cai nghiện ma túy Cà Mau.

Đa dạng nghề

Cơ sở cai nghiện ma túy Cà Mau đang quản lý hơn 420 người nghiện. Phần lớn họ là người có tiền án, tiền sự. Trong số này có 8 nữ, 16 trẻ vị thành niên. Ngoài hỗ trợ học viên cai nghiện, cơ sở còn tạo điều kiện cho học viên được tham gia học nghề.

Lớp đan lục bình hiện có 80 người. Lớp đa phần là nam, nhưng các học viên đều đan rất khéo tay. Anh Nguyễn Vũ Phương cho biết, vào cơ sở cai nghiện ma túy lần thứ 2. Lần này anh quyết tâm cai nghiện thành công, không tái nghiện.

“Mình chăm chỉ học nghề cho thành thục, để khi trở về với gia đình, xã hội sẽ kiếm công việc ổn định, có thể nhận hàng về nhà làm gia công hoặc làm thuê tại các cơ sở làm đồ mỹ nghệ. Được cán bộ chỉ dạy nhiệt tình nên mình học cũng mau biết.”, anh Vũ Phương vừa nói vừa khoe sản phẩm mới làm được.

Anh Hùng Minh Nhí cũng vào cơ sở cai nghiện lần thứ 2. Lần trước, anh Nhí cũng học nghề đan lục bình nên giờ đã thành thạo. Anh Nhí được cán bộ quản lý lớp phân công nhiệm vụ hỗ trợ cho các học viên khác trong lớp.

“Nghề này cũng nhẹ nhàng, giúp đầu óc thư giãn nên nhiều học viên chọn theo học. Muốn học thành nghề đòi hỏi người học phải chú tâm, chịu khó quan sát. Cán bộ tạo điều kiện cho những người lầm lỡ như mình. Mình cố gắng học để nâng cao tay nghề. Mình vào đây 2 lần rồi sẽ không trở lại nữa đâu”, Minh Nhí thể hiện quyết tâm.

Ông Nguyễn Văn Nhơn, phụ trách lớp đan lục bình cho biết, cơ sở nhận hàng từ doanh nghiệp, được hướng dẫn sơ qua cách làm từng mẫu mã sản phẩm, sau đó cán bộ chỉ lại cho học viên. “Khoảng 3 - 4 tháng doanh nghiệp sẽ thay đổi mẫu mã một lần. Trung bình mỗi tháng một học viên làm khoảng 30 sản phẩm. Học viên nào giỏi sẽ làm nhiều hơn. Do học viên thuộc đối tượng đặc biệt, tay ngang nên tiếp thu hơi chậm. Vì đó, mình phải truyền dạy từng bước theo kiểu cầm tay chỉ việc”, ông Nhơn cho biết.

Ngoài nghề đan lục bình, hiện Cơ sở cai nghiện ma túy Cà Mau còn đào tạo nghề làm lông mi giả, nghề mộc, đan ghế nhựa, may gia công, hớt tóc, điện lạnh, điện dân dụng... Tùy theo thời điểm, nhu cầu của doanh nghiệp cơ sở sẽ có những nghề khác nhau để học viên lựa chọn.

Anh Nguyễn Khắc Kinh vào cơ sở cai nghiện hơn 1 năm. Anh Kinh được dạy nghề điện dân dụng và đã được cấp chứng chỉ, chuẩn bị trở về với gia đình. “Khi về có được cái nghề mình cũng mừng. Mình sẽ cố gắng kiếm việc làm liên quan đến nghề đã học, chăm lo, phát triển kinh tế gia đình. Mình không tụ tập với bạn xấu, ăn chơi, tái nghiện nữa”, anh Kinh chia sẻ.

Nghề làm lông mi giả hiện có 40 học viên theo học. Ông Trần Văn Trạng - cán bộ quản lý lớp cho biết, ban đầu dạy nghề cũng gặp khó khăn bởi lớp toàn là nam, trình độ tiếp thu mỗi học viên khác nhau, trong khi nghề này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Tuy nhiên cũng có nhiều học viên làm rất nhanh, được nhiều sản phẩm. “Học viên học nghề cũng sẽ được trả công theo sản phẩm, ký gởi vào sổ. Khi nào học viên cần mua đồ dùng cần thiết sẽ trừ vào”, ông Trạng nói.

Ngoài dạy nghề, Cơ sở cai nghiện ma túy Cà Mau cũng kết hợp tạo điều kiện để học viên tham gia lao động sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn học viên cách trồng trọt, chăn nuôi. Việc làm này vừa giúp rèn luyện thể lực cho người cai nghiện, vừa tạo ra sản phẩm cung cấp thêm vào chế độ ăn.

day nghe cho nguoi nghien ma tuy (1).jpg
Học viên tham gia học nghề đan lục bình.

Cần sự sẻ chia từ cộng đồng

Dù đội ngũ cán bộ hết sức nỗ lực, nhưng hiện số lượng học viên được đào tạo nghề tại Cơ sở cai nghiện ma túy Cà Mau vẫn còn thấp so với số đối tượng vào đây.

“Đa phần người vào đây có tính chất nguy hiểm. Có người trước đây sử dụng ma túy đá nên hay manh động, có hành vi đập phá, tự hủy hoại thân thể, không hợp tác điều trị cắt cơn, chống đối lại cán bộ quản lý. Nhiều người vốn trước sống lang thang, không nơi cư trú, không có gia đình thăm gặp. Đó là lý do họ không an tâm học tập, cai nghiện. Việc truyền nghề cho những người này rất khó. Nếu có dạy thì họ học cũng không hiệu quả”, ông Lý Minh Cảnh - Trưởng phòng Tiếp nhận và Quản lý học viên, Cơ sở cai nghiện ma túy Cà Mau chia sẻ.

Cũng theo ông Cảnh, hiện cơ sở chưa có khu quản lý riêng cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, người vi phạm quy chế, bị bệnh truyền nhiễm. Việc để những người này ở chung, tiếp xúc với nhau rất khó khăn trong quản lý.

Đánh giá về hiệu quả trong công tác dạy nghề, ông Cảnh cho biết, trang thiết bị tại cơ sở vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, dạy nghề cho học viên. Vì đó, cơ sở chỉ triển khai dạy một số nghề đơn giản. Học viên ở đây học nghề được cấp chứng chỉ, nhưng khi về địa phương vẫn còn chịu sự kỳ thị. Một số địa phương thiếu sự quan tâm, dẫn đến nhiều học viên sau cai nghiện không tìm được việc làm, nguy cơ tái nghiện cao.

“Trong đây có nhiều người vào cơ sở nhiều lần một phần còn bởi sự kỳ thị của xã hội. Người từng nghiện dù cai rồi vẫn xin việc làm rất khó. Em rất mong xã hội mở lòng hơn với những người trót sa ngã, tạo điều kiện để chúng em có cơ hội làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội”, anh Nguyễn Văn Dư, học viên Cơ sở cai nghiện ma túy Cà Mau chia sẻ.

“Để hạn chế tình trạng học viên tái nghiện, trở lại cơ sở nhiều lần, rất cần sự hỗ trợ, quan tâm từ chính quyền địa phương trong công tác quản lý đối tượng sau khi được bàn giao, đồng thời tạo điều kiện để học viên có công ăn, việc làm ổn định.

Gia đình học viên cũng phải thường xuyên động viên, khích lệ tinh thần chồng, con, em mình tránh để họ sa ngã, trở lại con đường nghiện ngập. Đặc biệt, xã hội không nên kỳ thị, doanh nghiệp cũng bớt khắt khe trong tuyển dụng những đối tượng sau cai nghiện, tạo cơ hội để họ tái hòa nhập cộng đồng”, ông Phạm Hoàng Sa - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy Cà Mau nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kho tàng đơn xin việc mẫu chuyên nghiệpgiám sát an toàn là gì